Thứ Sáu, 07/05/2021 14:17

Độc chiêu "bán bia kèm lạc" của ngân hàng khi cho khách vay vốn

Khi khách đến vay vốn, nhân viên ngân hàng đã dụ khách mua bằng được các gói bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, thậm chí là "ép" cho đến khi "thượng đế" phải xì tiền ra.

* Bộ Tài chính nói gì về việc ngân hàng ép khách vay vốn mua bảo hiểm?

* Để bảo hiểm nhân thọ thôi dở dở ương ương

* Bảo hiểm nhân thọ 'ép' khách hàng: Hoa hồng 'khủng'

Là nhân viên tín dụng của một ngân hàng TMCP, anh V.N cho biết, mỗi tháng, anh được giao 11 bộ chỉ tiêu. Trong đó, toàn bộ số chỉ tiêu sẽ được quy ra điểm, số tiền mà mỗi cá nhân phải đạt được.

Chẳng hạn, một tháng, anh N phải giải ngân gần 4 tỷ đồng, cho vay tín chấp 200 triệu đồng, bán bảo hiểm nhân thọ khoảng 20 - 30 triệu đồng, phi nhân thọ 10 triệu đồng. Bên cạnh đó là hàng loạt các chỉ tiêu phụ như đạt đủ số khách mở tài khoản mới, làm thẻ tín dụng, tăng tỷ lệ duy trì khách hàng đang nắm giữ.

"Đa phần ngân hàng hiện đều ký hợp tác phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm nên thường đẩy mạnh việc bán bảo hiểm, đặc biệt là khi có  khách đến vay tiền", anh N nói.

Nhân viên ngân hàng này kể: "Do Ngân hàng Nhà nước đã có quy định nên giờ chúng tôi không ép khách mua bảo hiểm mà chỉ gợi ý, mời khéo, chứ không, với "khách cứng", hiểu luật là họ kiện chết. Nhưng chỉ tiêu, KPI thì vẫn phải hoàn thành nên chúng tôi buộc phải có cách dụ bằng được khách xì tiền ra".

Thế nên, tùy thuộc vào nhu cầu vay vốn của khách, anh sẽ tư vấn cho khách mua các gói bảo hiểm nhân thọ tương ứng.

"Tôi phải xem là khách vay tiền mua gì rồi mới đưa ra đề nghị mua. Như vay mua nhà thì tư vấn phải khác với vay mua xe, vay đầu tư làm ăn, mở xưởng,.., nhưng chung quy lại là tư vấn làm sao để bán được bảo hiểm" - anh tiết lộ.

Hiện nay, một số ngân hàng có biểu hiện "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn. (Ảnh minh họa)

Tương tự, N.H, nhân viên một ngân hàng TMCP khác, thông tin, hầu hết khách đến vay tiền đều được anh "mời" mua 2 loại bảo hiểm là nhân thọ và phi nhân thọ. Trường hợp, khách không đồng ý mua thì anh sẽ tìm lý do để gây khó trong việc giải ngân cho vay.

Trong đó, gói bảo hiểm phi nhân thọ rẻ nhất là 1 triệu đồng/năm, còn nhân thọ là 8 triệu đồng/năm. Theo tiết lộ, khi khách mua bảo hiểm, nhân viên ngoài đạt được KPI ngân hàng giao thì sẽ được hưởng thêm hoa hồng.

"Ví dụ như mức chỉ tiêu về bảo hiểm nhân thọ của tôi là 20 triệu đồng/tháng. Nếu tôi đạt được mốc đó thì được hưởng 5% trên tổng số tiền bán bảo hiểm, còn thấp hơn là không được" - anh H nói.

Anh N.T (Hà Nội), người từng đi vay tiền mua nhà ở một ngân hàng TMCP cho biết, khi đề cập tới khoản vay, nhân viên tư vấn đều mời gọi anh mua bảo hiểm theo hướng ép buộc.

"Nhân viên ngân hàng cho biết, nếu tôi muốn vay tiền thì phải mua bảo hiểm khoản vay. Ban đầu, họ cũng thuyết phục, đưa ra ti tỉ lý do nghe có vẻ thuyết phục nhưng tôi kiên quyết từ chối. Do tôi khá am hiểu về lĩnh vực này và được biết có quy định nhân viên ngân hàng không được ép khách vay vốn mua bảo hiểm nhân thọ" - anh nói.

Trước phản ánh của báo chí về tình trạng một số ngân hàng có biểu hiện "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, mới đây, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có.

Bộ Tài chính cho biết, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không quy định cụ thể hoặc giới hạn về các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng.

Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng và phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật khác có liên quan. Các doanh nghiệp bảo hiểm ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm với các ngân hàng.

Chia sẻ với Dân trí, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết hiện nay các ngân hàng đẩy mạnh bán chéo bảo hiểm. Vì bảo hiểm cũng là một sản phẩm nên việc giao chỉ tiêu cho nhân viên là rất bình thường.

Dù thế, vị này cho hay sau thông tin siết việc bắt ép khách mua bảo hiểm từ cơ quan quản lý, các ngân hàng, trong đó có đơn vị ông, cũng đã chấn chỉnh nhân viên. Dù vậy, áp lực chỉ tiêu khiến một số nhân viên vẫn chào mời khách cũng có thể xảy ra và nếu như khách không có ý kiến phản ánh thì ngân hàng cũng không nắm được để xử lý. 

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra Văn bản 7928 quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm gửi đến các ngân hàng.

Trong đó, một nội dung quan trọng được NHNN nhấn mạnh là các ngân không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.

Ngoài ra, việc chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, nhằm giúp khách hàng hiểu đúng, đủ quyền và lợi ích của mình cũng như các điều kiện, điều khoản thanh toán của bảo hiểm.

Với nhân viên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Trong đó phải đặc biệt lưu ý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm. 

An Chi

Dantri

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính nói gì về việc ngân hàng ép khách vay vốn mua bảo hiểm? (04/05/2021)

>   Bảo hiểm Hàng không lãi quý 1 vỏn vẹn 2 tỷ đồng (03/05/2021)

>   Để bảo hiểm nhân thọ thôi dở dở ương ương (03/05/2021)

>   Đóng BHXH bằng 70% tổng thu nhập có khả thi? (03/05/2021)

>   Chính sách bảo hiểm, an sinh có hiệu lực từ tháng 5 (01/05/2021)

>   “Siết” điều kiện nhận bảo hiểm xã hội một lần? (26/04/2021)

>   ĐHĐCĐ PVI: 2 tờ trình không được thông qua (28/04/2021)

>   Bảo hiểm nhân thọ 'ép' khách hàng: Hoa hồng 'khủng' (24/04/2021)

>   TP.HCM: Kiến nghị xử lý hình sự 82 đơn vị trốn đóng BHXH (23/04/2021)

>   Bảo hiểm nhân thọ 'ép' khách hàng (23/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật