Các ngân hàng Trung Quốc lao dốc
Hàng loạt ngân hàng lớn tại Trung Quốc đối mặt tình trạng lợi nhuận tăng trưởng yếu ớt và giá cổ phiếu sụt giảm mạnh bất chấp việc nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19.
Theo Nikkei Asian Review, năm 2021 được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước khởi đầu trong chu kỳ phục hồi kéo dài của các ngân hàng thương mại tại Trung Quốc sau năm 2020 đầy khó khăn. Năm ngoái, tổng lợi nhuận ròng của các ngân hàng Trung Quốc sụt giảm 2,7%. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua các nhà băng Trung Quốc chứng kiến lợi nhuận giảm.
Trong quý I năm nay, lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc có tăng, nhưng ở mức rất thấp 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thua xa mức dự báo 5% của giới chuyên gia tài chính quốc tế.
Lợi nhuận của bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc - bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Ngân hàng Trung Quốc (BOC) - tăng ít hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng không đạt kỳ vọng của giới phân tích.
Các ngân hàng Trung Quốc chứng kiến lợi nhuận tăng chậm và giá cổ phiếu sụt giảm. Ảnh: Reuters.
|
Kết quả kinh doanh không thuận lợi đã chặn đứng đà tăng giá của cổ phiếu ngân hàng. Chỉ số chứng khoán ngân hàng tại Trung Quốc đại lục lao dốc 7% so với mức đỉnh hồi tháng 2 do giới đầu tư lo ngại các ngân hàng Trung Quốc sẽ tụt hậu so với những đối thủ quốc tế.
Việc nợ xấu tại các ngân hàng tăng vọt là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư lo ngại. Thống kê của Nikkei cho thấy tổng nợ xấu của bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc tăng 22% trong năm 2020 lên 152,5 tỷ USD.
Do dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại Trung Quốc phải thực hiện “nghĩa vụ quốc gia”, bao gồm giảm phí và lãi suất cho vay, giãn nợ và tăng quy mô các gói vay ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vụ bê bối Huarong có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
|
Nhà phân tích Judy Zhang của Citigroup dự báo lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc sẽ tiếp tục thấp trong năm nay và năm 2022 bất chấp việc nền kinh tế nước này phục hồi.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng cũng lo lắng về ảnh hưởng của vụ bê bối tại China Huarong Asset Management - công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc - đối với các ngân hàng thương mại.
Huarong là một trong những doanh nghiệp nhà nước nợ trái phiếu quốc tế nhiều nhất trên toàn thế giới. Huarong nợ các trái chủ trong và ngoài nước 42 tỷ USD. Theo thống kê của Bloomberg, Huarong sẽ phải trả nợ khoảng 17,1 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Linh Đỗ
ZINg
|