Đồng Nhân dân tệ số của Trung Quốc đang được thổi phồng quá mức?
Đồng Nhân dân tệ số của Trung Quốc hiện vấp phải sự thờ ơ của người tiêu dùng trong nước...
Ant Group và Tencent đang thống trị thị trường thanh toán số tại Trung Quốc với ứng dụng WeChat Pay và Alipay - Nguồn: iResearch/Bloomberg
|
Trong lúc Trung Quốc tiến tới phát hành đồng tiền kỹ thuật số của chính phủ đầu tiên trên thế giới, những tranh luận về đồng tiền này càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Nhà sử học Niall Ferguson mô tả đồng Nhân dân tệ số (e-CNY)của Trung Quốc là một "thách thức nguy hiểm" với sự bá chủ tài chính của Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua. Trong khi đó, Michael Hasenstab, Chủ tịch Hãng đầu tư Franklin Templeton, nhận định e-CNY có thể làm suy yếu vai trò của đồng USD với tư cách là tiền tệ dự trữ của thế giới.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, khi trò chuyện với những người đã sử dụng Nhân dân tệ số ở Trung Quốc, phản ứng ghi nhận được không mấy tích cực.
SỰ THỜ Ơ CỦA NGƯỜI DÙNG TRONG NƯỚC
Ở Thâm Quyến - trung tâm công nghệ cao đang thử nghiệm sử dụng đồng Nhân dân tệ số - đa số những người tham gia khảo sát của Bloomberg tỏ ra không mấy quan tâm tới việc chuyển đổi từ các hệ thống thanh toán di động phổ biến hiện tại như Alipay của Ant Group hay WeChat Pay của Tencent.
Trung Quốc đang thử nghiệm đồng Nhân dân tệ số tại một số tỉnh, trong đó quy mô lớn nhất tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông - Ảnh: Xinhua.
|
Một số người quan ngại rằng đồng Nhân dân tệ số có thể là công cụ để cơ quan chức năng tiếp cận dữ liệu tài chính của họ theo thời gian thực.
“Tôi không hứng thú chút nào cả", Patricia Chen, 36 tuổi, làm việc trong lĩnh vực viễn thông, chia sẻ. Chen là một trong hơn 500.000 người tại Thâm Quyến đủ điều kiện tham gia thử nghiệm đồng Nhân dân tệ số.
Dù không ai trong số những người tham gia khảo sát của Bloomberg có kiến thức sâu sắc về vai trò của đồng Nhân dân tệ số trong thị trường ngoại hối toàn cầu, nhưng phản ứng thờ ơ của họ cho thấy những thách thức mà chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối mặt khi áp dụng đồng tiền này ở trong và ngoài nước.
"Tôi không hứng thú chút nào cả"...
"Tôi sợ rằng các nhà chức trách có thể theo dõi mọi giao dịch của mình"...
Người dùng e-CNY
|
Theo Bloomberg, kể cả khi các nhà chức trách Trung Quốc thuyết phục được hoặc ép buộc công dân chấp nhận đồng Nhân dân tệ số, cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để làm điều tương tự với người tiêu dùng và doanh nghiệp quốc tế khi họ vốn cảnh giác với các biện pháp kiểm soát vốn của Bắc Kinh từ trước tới nay.
Với Vera Lin, 25 tuổi, làm việc cho công ty tài chính tại Thâm Quyến, sử dụng đồng Nhân tệ số không quá khó. Tuy nhiên, Lin cho rằng những người dùng như cô cần động lực lớn hơn để chuyển sang dùng hẳn Nhân dân tệ số, bởi vì các lựa chọn thanh toán số hiện tại rất đáng tin cậy và hoạt động trơn tru cùng với các nền tảng dịch vụ khác, từ mạng xã hội cho tới thương mại điện tử.
Kể cả ưu đãi giảm giá 10% khi mua hàng bằng Nhân dân tệ số cũng không đủ để thu hút Lin. Cô gái 25 tuổi cho biết những nền tảng đang được vận hành bởi các công ty như Ant thường xuyên đưa ra ưu đãi giảm giá với mọi thứ từ dịch vụ gọi xe cho tới giao thực phẩm.
Trong khi đó, Jan Chen, một công chức 33 tuổi, lại lo ngại về vấn đề quyền riêng tư. "Tôi sợ rằng các nhà chức trách có thể theo dõi mọi giao dịch của mình", Chen chia sẻ.
Ở một quốc gia mà việc tuân thủ thuế không được thực hiện nghiêm ngặt như Trung Quốc, không ít doanh nhân cũng tỏ ra cảnh giác nếu thông tin về các giao dịch của họ được đưa thẳng vào cơ sở dữ liệu của chính phủ. Một số lo sợ rằng dữ liệu từ các giao dịch của đồng Nhân dân tệ số có thể được thu thập theo thời gian thực để giám sát những cá nhân tổ chức có quan điểm bất đồng về chính trị hay các doanh nghiệp quốc tế đang cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.
Khởi động vào năm 2014, dự án đồng Nhân dân tệ số được thúc đẩy bởi Thống đốc PBOC thời điểm đó - ông Zhou Xiaochuan, người từ lâu đã ủng hộ việc tạo ra một đồng tiền dữ trự quốc tế mới để thay thế đồng USD. Ông Zhou xem đồng e-CNY là công cụ để chống lại những đe dọa tiềm tàng từ những lại tiền ảo như Bitcoin hay đồng Diem của Facebook (trước đây gọi là Libra).
TRONG NƯỚC ĐÃ KHÓ, NƯỚC NGOÀI CÒN KHÓ HƠN
PBOC đã cố gắng dập tắt những lo ngại này bằng cách miễn phí sử dụng đồng Nhân dân tệ số cho các nhà bán lẻ (hiện họ phải trả phí 0,6% cho các giao dịch trên Alipay và WePay), đồng thời cam kết rằng hầu hết các giao dịch của họ sẽ được ẩn danh.
Hồi tháng 3, Mu Changchun, Giám đốc Viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số của PBOC, cho biết ngân hàng trung ương sẽ không trực tiếp nắm danh tính của người dùng, nhưng họ có thể lấy thông tin này từ các tổ chức tài chính trong trường hợp nghi ngờ phạm pháp.
Ông Zennon Kapron, Giám đốc điều hành hãng tư vấn Kapronasia, nhận định nếu đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số không đạt được sức hút trong dài hạn, chính phủ Trung Quốc có thể chuyển sang cưỡng chế sử dụng. Bắc Kinh đã bắt đầu có nhiều động thái nhằm giành quyền kiểm soát đối với dữ liệu thu thập được của các công ty công nghệ và tài chính như Ant và Tencent.
Còn theo Francis Chan, nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence, kể cả khi các nhà làm luật Trung Quốc không đi xa đến vậy, họ cũng có thể yêu cầu các nhà bán hàng và công ty vận hành nền tảng intternet thêm đồng Nhân dân tệ số vào các lựa chọn thanh toán của mình.
“Đồng e-CNY chỉ giải quyết được một phần vấn đề, đó là phần về cơ sở hạ tầng thanh toán. Tuy nhiên, chỉ giải quyết vấn đề này không giúp giải được toàn bộ bài toán"...
Michael Ho, Giám đốc dịch vụ tài chính, Oliver Wyman
|
Mới đây, nền tảng MYbank (được Ant đầu tư) và WeBank (được Tencent rót vốn) đã được thêm là lựa chọn trên ứng dụng e-CNY dù chưa khả dụng.
Chan cũng như nhà phân tích Sharnie Wong của Bloomberg Intelligence dự báo đồng Nhân dân tệ số có thể được đưa vào sử dụng trên toàn Trung Quốc trước Olympics Bắc Kinh năm 2022 và chiếm 10% thị phần thanh toán điện tử tại nước này vào năm 2025. Đây không phải con số nhỏ nhưng vẫn chưa thể cạnh tranh được với vị thế thống trị của Alipay và WePay - hai ví điện tử có tổng thị phần trên 90%.
Trong nước đã khó, để thuyết phục người dùng quốc tế sử dụng Nhân dân tệ số còn khó hơn nhiều.
“Đồng e-CNY chỉ giải quyết được một phần vấn đề, đó là phần về cơ sở hạ tầng thanh toán. Tuy nhiên, chỉ giải quyết vấn đề này không giúp giải được toàn bộ bài toán", Michael Ho, Giám đốc dịch vụ tài chính tại Oliver Wyman, nhận xét.
Ant Group và Tencent đang thống trị thị trường thanh toán số tại Trung Quốc với ứng dụng WeChat Pay và Alipay - Nguồn: iResearch/Bloomberg
|
Theo Zennon Kapron, trên trường quốc tế, dù mang tham vọng lớn nhưng phiên bản số của Đồng nhân dân tệ khó có thể thúc đẩy thị phần thanh toán toàn cầu của đồng nội tệ Trung Quốc tăng thêm một điểm phần trăm, từ mức dưới 3% hiện tại.
Nhiều nhà phân tích cũng tỏ ra hoài nghi về tham vọng ứng dụng quốc tế của đồng Nhân dân tệ số trong kế hoạch của ông Tập Cận Bình nhằm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính do Mỹ dẫn đầu.
Đức Anh
VnEconomy
|