Đồng USD đang “thất thế” trong dự trữ ngoại hối toàn cầu
Tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm 5 năm liên tiếp trong năm 2020, còn 59%, mức thấp nhất trong 1/4 thế kỷ...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
|
Tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm 5 năm liên tiếp trong năm 2020, còn 59%, mức thấp nhất trong 1/4 thế kỷ. Sự suy giảm vị thế này của đồng bạc xanh diễn ra trong bối cảnh những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Nga đa dạng hoá dự trữ ngoại hối vì lo ngại về triển vọng của USD, theo tờ báo Nikkei.
Là một tài sản đáng tin cậy và có độ thanh khoản cao, trái phiếu kho bạc Mỹ từ lâu là một lựa chọn hàng đầu cho dự trữ ngoại hối của các quốc gia - nguồn quỹ mà các chính phủ và ngân hàng trung ương xây dựng để phòng ngừa tình huống khẩn cấp về tiền tệ.
Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy đồng USD có thể đã bắt đầu giảm sức hút với tư cách một đồng tiền dự trữ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến thâm hụt kép của Mỹ trầm trọng thêm, gây hoài nghi về giá trị dài hạn của đồng USD, các quốc gia trên thế giới bắt đầu nâng tỷ trọng nắm giữ các đồng tiền khác và các tài sản khác như vàng trong dự trữ ngoại hối của mình.
TỶ TRỌNG NẮM GIỮ USD GIẢM SÚT
Theo dữ liệu từ IMF về 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, dự trữ ngoại hối toàn cầu đạt tổng cộng 12,7 nghìn tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, tài sản USD tăng 4% so với cuối 2019, đạt 7 nghìn tỷ USD.
“Đó một phần là do các nền kinh tế mới nổi can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách bơm đồng nội tệ để mua vào USD, nhằm ngăn không cho đồng nội tệ tăng giá, gây bất lợi cho xuất khẩu”, chuyên gia kinh tế trưởng Daisuke Karakama thuộc Mizuho Bank nhận định. Ngoài ra, Mỹ cũng phát hành nhiều trái phiếu kho bạc hơn để huy động vốn cho những gói kích cầu khổng lồ, nhằm đưa nền kinh tế vượt đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tỷ trọng của tài sản USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm 1,7 điểm phần trăm, còn 59% vào thời điểm cuối năm 2020. Đây là lần đầu tiên tỷ trọng của USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm dưới ngưỡng 60% kể từ năm 1995.
Tài sản USD chiếm hơn 70% dự trữ ngoại hối toàn cầu ở thời điểm cuối năm 2001, nhưng đã ở trong xu hướng giảm kể từ đó đến nay.
Việc USD mất giá trong năm 2020 là một nhân tố quan trọng dẫn tới USD giảm tỷ trọng trong dự trữ ngoại hối toàn cầu. Tuy nhiên, “nhìn dài hạn hơn, giá trị của đồng USD nhìn chung không đổi, nhưng tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu vẫn giảm, cho thấy các ngân hàng trung ương đang dịch chuyển khỏi đồng USD”, hai chuyên gia kinh tế Serkan Arslanalp và Chima Simpson-Bell của IMF viết trong một bài blog.
Trung Quốc nắm 1,07 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ ở thời điểm cuối năm 2020, theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ. Con số này đã giảm khoảng 20% so với mức đỉnh cách đây 7 năm. “Hầu hết số trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ nằm trong dự trữ ngoại hối của nước này”, chuyên gia kinh tế trưởng Kota Hirayama của SMBC Nikko Securities phát biểu.
Một số nhà quan sát tin rằng việc Trung Quốc bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ bắt đầu lắng xuống sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên cầm quyền.
Lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Nga cũng giảm mạnh. Dự trữ ngoại hối gồm cả vàng của Nga đạt 578,7 tỷ USD vào thời điểm tháng 9/2020, theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga. Trong đó, tài sản USD chiếm khoảng 20%, giảm khoảng một nửa so với tỷ trọng vào năm 2017.
Nga bắt đầu bán tài sản USD từ khi Mỹ áp lệnh trừng phạt kinh tế lên nước này sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng dịch chuyển khỏi trái phiếu kho bạc Mỹ trong những năm gần đây.
CÁC ĐỒNG TIỀN KHÁC ĐƯỢC DỰ TRỮ NHIỀU HƠN
Thay vào đó, các quốc gia đang nắm giữ ngày càng nhiều hơn các tài sản không phải USD. Tài sản Euro đã chiếm 21% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu vào thời điểm cuối năm 2020, bằng với tỷ trọng cách đây 6 năm, theo IMF. Một số nhà quan sát tin rằng đồng Euro nổi lên sau khi Liên minh châu Âu (EU) phát hành trái phiếu phổ thông thay mặt cho các quốc gia thành viên, nhằm huy động vốn để kích cầu nền kinh tế trong đại dich Covid.
Tài sản bằng đồng Yên Nhật tăng lên trên ngưỡng 6% dự trữ ngoại hối toàn cầu lần đầu tiên trong 2 thập kỷ. Trong năm ngoái, các nhà đầu tư Trung Quốc mua ròng 2,2 nghìn tỷ Yên, tương đương 20,2 tỷ USD, trái phiếu Nhật từ trung đến dài hạn - một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuyển một phần dự trữ USD sang đồng Yên.
Đồng Nhân dân tệ cũng đang gia tăng sức hút, chiếm hơn 2% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu. Đặc biệt, đồng nội tệ của Trung Quốc tăng nhanh trong dự trữ của Nga, chiếm 12,3% dự trữ ngoại hối của Moscow ở thời điểm tháng 9 năm ngoái, từ mức chỉ 0,1% vào thời điểm tháng 6/2017.
Vàng, loại tài sản không chịu sự ràng buộc với bất kỳ một chính phủ nào, cũng tăng vị thế trong dự trữ ngoại hối toàn cầu. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua ròng vàng.
Năm 2020, vàng đã vượt qua USD về tỷ trọng trong dự trữ ngoại hối của Nga. Tháng 3 năm nay, Ngân hàng Trung ương Hungary tăng gấp 3 lượng vàng trong dự trữ ngoại hối lên 94,5 tấn, nói rằng “sự gia tăng mạnh mẽ của nợ chính phủ trên toàn cầu và mối lo lạm phát càng thúc đẩy hơn nữa tầm quan trọng của vàng với vai trò một tài sản an toàn trong chiến lược quốc gia”.
An Huy
VnEconomy
|