Agribank: Chưa định giá được tài sản, chưa thể cổ phần hóa?
Agribank đang quản lý khoảng 2,6 triệu m2 đất trải dài trên khắp cả nước với nhiều nguồn gốc khác nhau và đây đang là vướng mắc lớn nhất khi tiến hành cổ phần hoá
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết trong năm 2021 này sẽ thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước lớn như MobiFone, Agribank, VNPT.
Do đây là những doanh nghiệp lớn nên phải làm thận trọng từ khâu chuẩn bị vì khi đã bấm nút cổ phần hóa thì phải hoàn tất trong vòng 18 đến 24 tháng. Lộ trình này đã được Chính phủ nhấn mạnh trong Nghị định 140/2020/NĐ-CP.
LỠ HẸN VÌ VƯỚNG... ĐỦ THỨ
Năm 2021, Chính phủ yêu cầu vẫn thực hiện theo Quyết định 908/QĐ-TTg đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025. Bên cạnh đó, Nghị định 140/2020/NĐ/CP vừa được ban hành có sửa đổi một số điều sẽ góp phần tháo gỡ khá nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, đặt mục tiêu cổ phần hoá thành công trong năm 2021 sau khi đã “lỡ hẹn” nhiều lần. Nguyên nhân vướng về vốn điều lệ của Agribank đã được giải quyết khi Quốc hội đồng ý cấp bổ sung vốn cho nhà băng này từ nguồn ngân sách là 3.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Agribank đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng - cao nhất trong hệ thống tổ chức tín dụng. Nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Agribank năm 2020 đạt gần 13.000 tỷ đồng, cao thứ 4 trong hệ thống.
|
Như vậy, vấn đề của Agribank chỉ còn nằm ở đất đai. Agribank là ngân hàng sở hữu diện tích đất lớn nhất trong khối ngân hàng nhà nước đến thời điểm này với khoảng 2,6 triệu m2 và có nguồn gốc hình thành đa dạng.
Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank để thực hiện cổ phần hóa cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian.
Trước đây, khi bàn về câu chuyện cổ phần hoá của nhà băng có quy mô lớn nhất Việt Nam này, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh khó khăn lớn nhất là việc xác định giá trị tài sản khi tiến hành cổ phần hóa.
Với hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, Agribank hiện có 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích khoảng 2,6 triệu m2. Đây là nguồn tài sản lớn của ngân hàng và nếu tính gộp vào giá trị của Agibank thì giá trị của Ngân hàng khi thực hiện cổ phần hóa là quá lớn, điều này sẽ làm cho việc bán cổ phiếu gặp nhiều khó khăn, quá trình cổ phần hóa khó thực hiện đúng tiến độ.
Các chuyên gia đã đưa ra phương án phải tách phần giá trị quyền sử dụng đất của 294 cơ sở ngân hàng có quyền sử dụng đất ra khỏi giá trị cổ phần hóa bằng cách Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất và cho Agribank thuê lại quyền sử dụng đất.
Tiền thuê đất do Ngân hàng trả cho Nhà nước và thực hiện theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo không làm tăng giá trị tài sản của ngân hàng khi cổ phần hóa, dẫn đến làm tăng giá trị cổ phần, gây khó cho quá trình cổ phần hóa.
NÚT THẮT ĐẤT ĐAI, GỠ THẾ NÀO?
Chia sẻ với chúng tôi về việc này, ông Đặng Quyết Tiến cho biết: Agribank phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, đó là trả lại toàn bộ diện dích đất đang sử dụng cho Nhà nước. Nếu muốn sử dụng tiếp thì phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước…
Agribank hiện đang là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, được Nhà nước giao cho sử dụng đất không thu tiền, đó là một lợi thế về chi phí cho nhà băng này. Nếu cổ phần hoá mà phải trả lại đất đã được giao cho Nhà nước, và phải trả tiền thuê đất như các doanh nghiệp khác…
Trong một buổi toạ đàm mới đây, ông Chu Mạnh Hùng, Phó Ban cổ phần hóa Agribank, cho biết: nguyên nhân chậm cổ phần hoá của Agribank là do gặp khó khăn trong việc định giá giá trị doanh nghiệp, nhất là về đất đai, thương hiệu.
Nhiều chuyên gia cho rằng câu chuyện của đất đai của Agribank không khó nếu thực hiện nghiêm túc theo Luật Đất đai trước, sau đó mới cổ phần hóa.
|
Agribank có đất đai từ các huyện xã, thành phố cho đến ngoài hải đảo và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ thời bao cấp cho đến nay, khiến cho hồ sơ pháp lý, thủ tục có rất nhiều vướng mắc, có những mảnh đất còn có tranh chấp… Do đó, đến nay ngân hàng này vẫn chưa thể hoàn thành được phương án sử dụng đất đai và chưa thể được Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cổ phần hóa.
Linh Đan
VnEconomy
|