Thứ Tư, 14/04/2021 15:05

Trung Quốc quay cuồng trong bài toán kiểm soát ngành sản xuất thép

Giữa lúc ô nhiễm ở thủ đô Bắc Kinh tăng lên ngưỡng "rất không lành mạnh", Bộ trưởng Bộ Môi trường Trung Quốc Huang Runqiu bất ngờ tới thăm "thủ phủ" của ngành công nghiệp thép nước này trong tháng 3.

Một nhà máy thép ở Trung Quốc - Ảnh: FT.

Tới thành phố công nghiệp Đường Sơn, nơi cách Bắc Kinh khoảng 150 km về phía Đông, ông Huang chỉ trích 4 nhà máy thép về điều mà ông cho là giả mạo hồ sơ sản lượng để "né"mục tiêu khí thải.

Theo tờ Financial Times, sự can thiệp bất thường nói trên là một dấu hiệu cho thấy quyền lực ngày càng lớn của Bộ Môi trường Trung Quốc sau cam kết mới của Bắc Kinh về giảm khí thải carbon, cũng như nỗ lực lớn hơn của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới nhằm kiềm chế một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất.

Tuy nhiên, cuộc chiến kiểm soát sản lượng thép của Trung Quốc cũng cho thấy một sự thật không hề dễ chịu. Chính phản ứng của Bắc Kinh với đại dịch Covid-19 đã gây trở ngại cho nỗ lực "cai nghiện" công nghiệp nặng cho nền kinh tế và chuyển hướng tăng trưởng sang dựa nhiều hơn vào những lĩnh vực phát thải carbon ít hơn.

BÙNG NỔ NGUỒN CUNG THÉP GIỮA COVID

Tương tự nhiều bộ phận khác của nền kinh tế Trung Quốc, hoạt động sản xuất thép đã tăng nóng trong vòng 1 năm trở lại đây, trở thành một phần trong sự bùng nổ nguồn cung giúp nước này vượt qua cú sốc đại dịch Covid-19. Vì thế, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức phát thải carbon của Trung Quốc tăng với tốc độ giống như hồi năm 2019, trái ngược với sự suy giảm phát thải ở các nền kinh tế lớn khác.

"Cuộc khủng hoảng virus corona khiến mọi thứ trở nên rõ ràng hơn", nhà phân tích Larui Myllyvirta thuộc Center for Research on Energy and Clean Air phát biểu.

"Tiêu dùng của các hộ gia đình giảm mạnh, và Chính phủ Trung Quốc phản ứng bằng cách kích cầu mạnh trong lĩnh vực xây dựng. Điều này thực sự là một trở ngại lớn cho nỗ lực của Trung Quốc trong việc thay đổi cấu trúc của nền kinh tế", ông Myllyvirta nhận định.

Năm 2020, sản lượng thép của Trung Quốc tăng 6%, đạt 1,1 tỷ tấn, mức cao nhất mọi thời đại, và hoạt động xây dựng ở nước này cũng tăng mạnh. Trước đó, sản lượng thép của Trung Quốc cũng tăng trong năm 2019, khi Bắc Kinh khích đầu tư hạ tầng trong bối cảnh kinh tế giảm tốc.

Tại Đường Sơn, chính quyền địa phương hồi tháng 3 yêu cầu hầu hết các nhà máy thép cắt giảm sản lượng 30% cho tới hết năm, đồng thời yêu cầu 7 nhà máy thép chỉ hoạt động một nửa công suất cho tới tháng 7.

Tháng 4 này, Đường Sơn đưa ra quy định buộc các công ty thép hoặc phải nâng cấp hoặc dừng hoạt động các lò luyện thép lâu năm, có mức độ gây ô nhiễm cao. Chính quyền thành phố cũng đặt ra thời hạn tháng 6 để các công ty tuân thủ quy định này, hoặc bị phạt. Để nhấn mạnh thông điệp, cơ quan môi trường Đường Sơn đã đưa ra tổng mức phạt 293 triệu USD đối với 48 công ty thép địap phương trong vòng chỉ 3 ngày.

Bí thư Đảng ủy Đường Sơng, ông Zhang Gujiang, nói với các nhà máy thép rằng việc đạt mục tiêu về môi trường là vấn đề sống còn. "Sẽ không có đường thoát nào cho những công ty không xử lý kỹ vấn đề môi trường", ông Zhang nói.

Nhưng mặc những án phạt và lời cảnh báo, việc giảm công suất ngành thép của Trung Quốc là một thách thức lớn, nhất là khi những lò luyện cũ được thay thế bằng công nghệ mới hiệu quả hơn.

"Vốn đầu tư đã chảy nhiều vào ngành thép Trung Quốc, và chắc chắn công suất sẽ tăng lên ở những hãng thép lớn", ông Myllyvirta nói. "Ngoài ra, vẫn còn vấn đề ở những hãng thép nhỏ nằm ngoài hệ thống quản lý sản lượng".

THÁCH THỨC TỪ NHU CẦU

Nguồn cung thép vốn đã khó kiểm soát, Trung Quốc còn đối mặt thách thức tương tự bên phía nhu cầu. Nhà phân tích Paul Bartholomew thuộc S&P Global Platts, đưa ra một lý do cho sản lượng thép khổng lồ của Trung Quốc trong năm ngoái, đó là "điều kiện tín dụng nới lỏng mạnh mẽ" - điều mà Bắc Kinh giờ đây đang cố gắng đảo ngược.

Mở rộng tín dụng là một nhân tố kích cơn sốt xây dựng, làm gia tăng mạnh nhu cầu thép và đẩy cao sức hấp dẫn lợi nhuận đối với các nhà sản xuất thép.

"Đó là một thách thức lớn, vì khi bắt đầu cắt giảm sản lượng, giá thép sẽ tăng vọt", ông Bartholomew nói. "Ở Trung Quốc, khi mọi người đang kiếm được tiền, thì mọi chuyện rất khó kiểm soát".

Giá thép tham chiếu ở Trung Quốc đã tăng lên mức 5.550 Nhân dân tệ/tấn vào tuần trước, so với mức chưa đầy 5.000 Nhân dân tệ/tấn cách đây 1 tháng, cho thấy thách thức mà các lực lượng thị trường đặt ra đối với tham vọng kiểm soát sản lượng thép của Chính phủ nước này.

Sự căng thẳng này cũng thể hiện rõ trên thị trường bất động sản. Bắc Kinh đang cố gắng giảm nợ tại các công ty phát triển bất động sản lớn nhất, và các biện pháp được áp dụng - bao gồm hạn chế cấp tín dụng cho ngành này - có thể sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ thép chững lại, bởi khoảng 1/3 nhu cầu tiêu thụ thép ở Trung Quốc đến từ ngành xây dựng.

Tuy nhiên, không mấy ai dự báo nhu cầu thép ở Trung Quốc sẽ giảm nhanh. S&P Global Platts ước tính nhu cầu thép trong ngành bất động sản Trung Quốc đạt mức 322 triệu tấn trong năm ngoái, và có thể dao động trong khoảng 313-328 triệu tấn trong năm nay.

Ông Myllyvirta chỉ ra rằng nhiều dự án xây dựng của Trung Quốc được cấp vốn bởi các ngân hàng quốc doanh, đồng nghĩa với việc bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề sản lượng thép cũng cần phải được điều phối bên trong hệ thống tài chính.

"Một khi Chính phủ Trung Quốc không tiếp tục chống lưng cho những dự án xây dựng này nữa và sẵn sàng chấp nhận giảm tốc tăng trưởng kinh tế trong một thời gian ngắn, sẽ không còn chuyện các nhà máy thép tìm cách lách kiểm soát và nghĩ đủ phương kế để tăng sản lượng".

An Huy

VnEconomy

Các tin tức khác

>   IMF: Tiến độ tiêm vaccine chậm là rủi ro lớn nhất với kinh tế toàn cầu (14/04/2021)

>   Lạm phát Mỹ tăng mạnh hơn dự báo, CPI tăng 2.6% so với cùng kỳ (14/04/2021)

>   Nhà kinh tế Angus Deaton: Đánh thuế người giàu để hồi phục từ Covid là ý tưởng tồi (14/04/2021)

>   “Thế giới lại bước vào thời kỳ cam go của đại dịch Covid-19” (13/04/2021)

>   Hoạt động thương mại của Trung Quốc bùng nổ trong tháng 3 (13/04/2021)

>   Kích cầu mạnh tay, Mỹ thâm hụt ngân sách kỷ lục (13/04/2021)

>   Nền kinh tế Myanmar rơi tự do vì đảo chính (13/04/2021)

>   Gói 1.900 tỷ USD có phục hồi nền kinh tế Mỹ? (12/04/2021)

>   IMF: Tăng chi cho vaccine là cách nhanh nhất để củng cố tài chính công (11/04/2021)

>   Giá sản xuất tại Mỹ tăng ở mức cao nhất trong hơn 9 năm (10/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật