Thứ Ba, 06/04/2021 08:17

TP.HCM sẽ tiến ra biển thế nào?: Mở 'kho báu' Cần Giờ

H.Cần Giờ sẽ không chỉ là “lá phổi xanh” mà sẽ trở thành đô thị biển gắn với hệ thống dịch vụ, tài chính đẳng cấp, giúp TP.HCM bứt phá.

* TP.HCM sẽ tiến ra biển thế nào?

Cần Giờ là đô thị biển chiến lược trong quá trình tiến biển của TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương

Củng cố địa thế hải cảng quốc tế

Rất ủng hộ chủ trương tiến ra biển để đột phá kinh tế của TP.HCM, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, khẳng định Sài Gòn xưa đã chứng minh được vị thế địa kinh tế nổi trội trong số các đô thị biển thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Đó là vị trí nằm trên đường biển giao thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây cũng là đoạn đường thủy còn nhiều khó khăn để hoàn thiện hải trình vòng quanh thế giới khi kênh đào Suez đã nối Ấn Độ Dương với Đại Tây Dương và kênh đào Panama đã nối giữa Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. “Hòn ngọc Viễn Đông” là tên gọi của Sài Gòn từ lịch sử với vị trí phù hợp nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Qua nhiều thăng trầm lịch sử, Sài Gòn đã phải nhường vị trí địa kinh tế này cho Bangkok và sau đó Bangkok lại phải nhường cho Singapore. Trong cuộc cạnh tranh phát triển kinh tế, nơi nào tạo điều kiện dịch vụ thuận lợi, nhiều tiện ích hơn thì nơi đó được thị trường lựa chọn.

Theo ông Đặng Hùng Võ, TP.HCM ngày nay đã được thành lập trên cơ sở toàn bộ khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định, rộng hơn xưa rất nhiều lần. Đến nay, những lợi thế vẫn còn nguyên và chưa được khai phá hết, TP vẫn đang đứng trước cơ hội cạnh tranh để giành lại vị thế “Hòn ngọc Viễn Đông” xưa.

Cụ thể, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, có mật độ kinh tế cao nhất cả nước. Từ Biển Đông vào TP.HCM phải qua 2 đường sông, một là Lòng Tàu và hai là Soài Rạp. Khi xưa, tàu biển còn nhỏ, TP.HCM là một cảng tiếp nhận được các loại tàu biển. Đến nay, tàu biển vận tải có kích thước lớn hơn rất nhiều, cần có cảng nước sâu để tiếp nhận tàu lớn. Vì vậy, TP cần có những thay đổi nhất định để vẫn giữ vai trò là một hải cảng quốc tế.

“Cảng nước sâu quốc tế đã được lựa chọn là Cái Mép - Thị Vải. Khi nhìn TP.HCM với vai trò là TP biển hiện đại, H.Cần Giờ là vùng tiếp giáp duy nhất tới cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đồng thời cũng là điểm duy nhất tiếp giáp với biển để phát triển các loại hình kinh tế biển. Cần Giờ, ngoài chức năng là một khu rừng ngập mặn, còn là không gian có thể phát triển đô thị biển gắn liền với du lịch biển. Vấn đề chính là tạo được quan hệ cộng sinh giữa đô thị, du lịch và rừng ngập mặn. Cần Giờ cũng là vùng kết nối của rất nhiều cảng cỡ nhỏ phục vụ vận tải đường sông và đường biển”, vị này phân tích.

Đồng tình, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, cho biết chiến lược phát triển kinh tế biển không phải bây giờ TP mới tính tới. Từ thời sơ khai, TP.HCM đã là một đô thị cảng biển. Hiện nay, hệ thống cảng Hiệp Phước, Cát Lái, Khánh Hội… dù nằm trong đất liền nhưng là cảng biển, thuộc hệ thống cảng biển quốc tế. Kinh tế biển có rất nhiều nội dung cần nghiên cứu, triển khai. Với lợi thế là cửa ngõ cảng biển từ khi mới hình thành, nhiệm vụ chính của TP hiện nay là nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng hiện hữu, phát triển mạnh hơn những công ty, tập đoàn vận tải biển, hoàn thiện mô hình đô thị biển đẳng cấp…

Dịch vụ, du lịch là chủ đạo

Ông Đặng Hùng Võ phân tích TP.HCM là địa phương nằm trên ranh giới giữa vùng công nghiệp Đông Nam bộ và vùng nông nghiệp Tây Nam bộ. Theo vị trí địa kinh tế như vậy, TP cần cân nhắc việc phát triển công nghiệp hay công nghiệp kết nối dịch vụ hay dịch vụ, là chính.

Để phát triển đô thị biển Cần Giờ, nên giao cho một nhà đầu tư tầm cỡ chịu trách nhiệm tổng thể, dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy hoạch và quá trình thực thi theo ý muốn của TP. Nếu phân nhỏ dự án, chia năm xẻ bảy sẽ rất dễ dẫn tới nát quy hoạch, phá hủy cả khu đô thị.

TS Trần Du Lịch

“Dịch vụ tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa công nghiệp phía đông và hàng hóa nông nghiệp phía tây có lẽ phù hợp hơn cả với TP.HCM. Từ đây, TP cũng là nơi có thể phát triển hệ thống dịch vụ chất lượng cao về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, du lịch, vui chơi giải trí cho cả vùng công nghiệp phía đông và vùng nông nghiệp phía tây”, vị này gợi ý.

Là người tham gia quy hoạch du lịch TP.HCM từ năm 1996, khi Rừng Sác còn chưa được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch VN, cho biết thời điểm đó, các chuyên gia đã xác định Cần Giờ là một kho tài nguyên quý báu của TP.HCM.

TP là một đô thị lớn, tài nguyên tự nhiên rất hạn chế, sản phẩm du lịch chủ yếu chỉ là các di tích, công trình gắn với đô thị. Do đó, Rừng Sác ngoài ý nghĩa là “lá phổi xanh” còn có ý nghĩa quan trọng là khai thác các giá trị về cảnh quan, hệ sinh thái ngập mặn nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của TP. Không chỉ là điểm đến để tham quan, du lịch sinh thái mà Cần Giờ còn là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng theo 2 hướng: nghỉ dưỡng biển và nghỉ dưỡng trong rừng.

“Từ cách đây 20 năm, Cần Giờ đã được quy hoạch xây dựng một đô thị du lịch, chức năng chính là du lịch, phục vụ cho nhu cầu của du khách, ngư dân địa phương sẽ là người hưởng lợi. Đây là hướng đi đúng vì ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, đô thị này còn mang ý nghĩa quan trọng hơn đó là giảm tải hạ tầng, hỗ trợ giãn dân khi quy mô dân số của TP.HCM tăng. Nếu kết hợp mục tiêu cả giảm tải dân số và phát triển du lịch thì đô thị du lịch lấn biển sẽ tác động rất tốt đến sự phát triển cả kinh tế và xã hội của TP”, ông Phạm Trung Lương nhấn mạnh.

TS Trần Du Lịch cũng cho rằng lấn biển Cần Giờ với mức độ phù hợp với bảo vệ rừng ngập mặn, phù hợp môi trường sinh thái là ý tưởng mà TP.HCM đã đề ra từ lâu. Biển Cần Giờ mang những đặc trưng riêng sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn cho đô thị biển TP.HCM so với những vùng biển du lịch miền Trung hiện nay. Hệ thống du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ đẳng cấp tại Cần Giờ sẽ trở thành điểm nhấn mới để TP.HCM đột phá du lịch, bứt phá kinh tế.

Hà Mai

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Chuẩn bị khởi công sân bay Phan Thiết (05/04/2021)

>   Cấp bách gỡ vướng trong đầu tư đường Vành đai 3, 4 (04/04/2021)

>   TP HCM: Cầu Thủ Thiêm 2 thi công trở lại trước ngày 15-4 (03/04/2021)

>   Đường BOT hư hỏng sau dừng thu phí: Tổng cục Đường bộ xin tiếp quản (03/04/2021)

>   Thêm 4 gối cầu metro số 1 bị sự cố, TP.HCM 'đòi' lại tiền từ nhà thầu (02/04/2021)

>   Chính phủ ra Nghị quyết 'cởi trói' cho dự án chống ngập 10.000 tỉ (02/04/2021)

>   Đề xuất không làm đường sắt Bắc - Nam tốc độ 160 - 200 km/giờ (02/04/2021)

>   ‘Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chạy 160 - 200 km/giờ không hiệu quả’ (01/04/2021)

>   Cuối tháng 4, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thương mại? (31/03/2021)

>   Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo gỡ vướng tuyến metro số 1 (30/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật