Phó Tổng Giám đốc SCB: Hoạt động bán lẻ giúp ngân hàng thích ứng trong đại dịch
Từ lâu, “ngân hàng bán lẻ hàng đầu” đã trở thành phương châm chuyển hướng của các ngân hàng, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 càng cho thấy thế mạnh của hoạt động bán lẻ.
Ông Nguyễn Cửu Tính - Phó Tổng Giám đốc SCB
|
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Cửu Tính - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ ngân hàng Tài chính cá nhân Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chia sẻ về những định hướng cũng như quá trình để chuyển hướng sang ngân hàng bán lẻ của một nhà băng hậu sáp nhập.
Ông đánh giá như thế nào về hoạt động ngân hàng bán lẻ thời gian qua của SCB nói riêng và toàn ngành ngân hàng nói chung?
Trong năm vừa qua, chúng ta chứng kiến sự thích nghi và phát triển của toàn nền kinh tế nói chung, của ngành ngân hàng – tài chính nói riêng trong sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quan sát từ các hoạt động triển khai thích ứng với tình hình dịch và kết quả kinh doanh công bố của ngân hàng, có thể thấy các ngân hàng bán lẻ đã thành công cả về phương diện hình ảnh – truyền tải một hình ảnh năng động, tân tiến và thắng lợi về doanh thu – lợi nhuận.
Theo xu hướng chung của thị trường, SCB đã triển khai hàng loạt các chương trình không những khuyến khích và ưu đãi khách hàng giao dịch trực tuyến mà còn hỗ trợ khách hàng hồi phục sản xuất kinh doanh với gói ưu đãi vay sản xuất kinh doanh và đồng hành cùng khách hàng chủ động bảo vệ sức khỏe cho gia đình và người thân thông qua các gói bảo hiểm và ưu đãi về chăm sóc sức khỏe.
Thu nhập từ hoạt động bán lẻ của SCB trong thời gian gần đây thay đổi như thế nào (khoảng 3 – 5 năm)?
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong 3 năm gần đây của SCB tăng trưởng liên tục. Năm 2018 là 1,299 tỷ đồng, năm 2019 là 1,694 tỷ đồng (tăng 30%) và năm 2020 là 1,775 tỷ đồng (tăng 5%).
Thế mạnh của SCB so với những ngân hàng khác để trở thành “ngân hàng bán lẻ hàng đầu” là gì?
Với thế mạnh là ngân hàng TMCP có tổng tài sản lớn nhất thị trường, cùng đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết, đặt trải nghiệm của khách hàng là trọng tâm, tôi tin tưởng SCB có đủ tiềm lực và cơ hội để đạt được mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu.
Trong năm vừa qua, SCB đã tiến hành hợp tác với Công ty McKinsey & Company Vietnam với mục tiêu hướng đến là củng cố, chắt lọc và khai thác các cơ hội, tiềm năng kinh doanh của ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số mới. Đồng thời tư vấn các giải pháp toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.
Phân khúc khách hàng và sản phẩm nào đã được SCB đẩy mạnh và phát triển trong thời gian qua để theo đuổi mục tiêu ngân hàng bán lẻ?
Hai phân khúc khách hàng mà SCB hướng đến trong thời gian qua là phân khúc khách hàng cao cấp và phân khúc trẻ. Với mục tiêu mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ hoàn hảo, tác phong chuyên nghiệp. Thời gian qua, SCB đã tập trung đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ mang tính chiến lược, mang lại giá trị cao cho khách hàng như Tiền gửi, Bảo hiểm & Thẻ.
Các sản phẩm này liên tục nhận được các giải thưởng danh giá như: Ngân hàng có Sản phẩm Dịch vụ sáng tạo tiêu biểu (2018, 2019); Sản phẩm tiền gửi của năm (2018), Mô hình kinh doanh tốt nhất (đối với thẻ tín dụng - 2019); Ngân hàng có Doanh số giao dịch tăng trưởng tốt nhất năm 2020…
Đặc biệt, SCB ghi nhận những kết quả vượt bậc đến từ hoạt động bảo hiểm. Ở những tháng cuối năm 2020, mảng kinh doanh Bancassurance của SCB đã liên tục dẫn đầu thị trường, phá vỡ những kỷ lục doanh số bảo hiểm. SCB hiện là một trong những ngân hàng TMCP có tốc độ phát triển mảng Bancassurance nhanh nhất.
Còn chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ trong thời gian tới thì sao, thưa ông?
SCB đang trong giai đoạn từng bước chuyển dịch trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu với chiến lược năng động và bền vững. Ngân hàng đang thực hiện nhiều kế hoạch kinh doanh nhằm chuyển dịch cơ cấu thu nhập theo hướng tăng nguồn thu phi tín dụng, giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, đảm bảo tính ổn định cho nguồn thu của ngân hàng trong tương lai.
Với phương châm “Mọi dịch vụ - Một điểm đến”, SCB đẩy mạnh bán chéo các sản phẩm với mục tiêu cung cấp những gói sản phẩm tài chính toàn diện, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Bên cạnh các sản phẩm thế mạnh, trong thời gian tới, SCB sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc phát triển sản phẩm dịch vụ mới góp phần gia tăng lợi ích và mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Song song mục tiêu kinh doanh, SCB cũng đặt mục tiêu dài hạn về việc xây dựng nền tảng tài chính vững chắc và nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị vận hành tổ chức. Theo định hướng Ngân hàng bán lẻ, đa năng và hiện đại - trong đó, khách hàng luôn được đặt ở vị trí trung tâm. Trong quý 03/2020, SCB đã ký hợp tác “Chiến lược chuyển đổi và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2030” với McKinsey Company Vietnam, đây là bước đi chiến lược quan trọng, giúp Ngân hàng tìm kiếm những giải pháp đột phá để tối ưu hóa nguồn lực, phát huy những lợi thế cạnh tranh và tận dụng tốt cơ hội thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Cát Lam
FILI
|