Ông Đỗ Minh Phú: TPBank chưa đưa kế hoạch cổ tức 2021 do sợ tỷ lệ quá lớn
Trước đề nghị của cổ đông về phương án chia cổ tức năm 2020 và 2021, Chủ tịch HĐQT TPBank nói rằng không phải ngân hàng không chia mà hiện tại chưa chia. Đến thời điểm thích hợp, HĐQT có thể đề xuất việc chia cổ tức cho cổ đông.
Sáng 23/04, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, TPB) tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tại Hà Nội.
ĐHĐCĐ thường niên 2021 của TPB
|
Trình bày trước cổ đông, CEO Nguyễn Hưng cho biết, năm 2020, TPBank báo lãi trước thuế gần 4,400 tỷ đồng, tăng 13%. Tổng tài sản đến cuối năm vượt ngưỡng 200,000 tỷ đồng, tăng 26%. Tổng huy động, dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế tăng 25-30% so với cuối năm 2019.
Năm nay TPB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 5,800 tỷ đồng, tăng 32% so với thực hiện năm 2020. Tỷ lệ CAR dự kiến trên 9%, còn ROE trên 22%. Con số này cao hơn kế hoạch trong tài liệu ĐHĐCĐ trước đó, khi ban lãnh đạo TPBank dự kiến lợi nhuận chỉ tăng 25%.
Ông Hưng cho biết, việc điều chỉnh mục tiêu căn cứ từ tình hình hoạt động trong quý 1. Ba tháng đầu năm nay, TPBank đạt hơn 1,400 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng tính dụng xấp xỉ 5%. Nếu tính tới cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng TPBank đã đạt gần 7%, tương đương 2/3 chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, TPBank đề xuất không chia cổ tức trong năm 2020 để giữ lợi nhuận mở rộng hoạt động kinh doanh. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên gần 11,717 tỷ đồng bằng việc phát hành riêng lẻ, tối đa 100 triệu cổ phiếu (9.33% vốn điều lệ) cho dưới 100 nhà đầu tư. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế ba năm chuyển nhượng đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trước đề nghị xem xét lại phương án chia cổ tức, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT cho biết, bản thân ông cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng theo tính toán của ban điều hành, nếu để lại có thể gia tăng mức độ an toàn vốn cho ngân hàng. Nếu tính cả phần lợi nhuận dự kiến cho năm 2021, ngân hàng sẽ có hơn 21,000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu tính tới hết năm, mức đệm dự phòng đủ cho TPBank tăng trưởng ổn định.
Về kế hoạch năm 2021, ban lãnh đạo TPBank khẳng định không đưa ra kế hoạch trả cổ tức nhưng không phải là không chia. "Đến thời điểm thích hợp ban lãnh đạo sẽ tính đến việc chia cổ tức. Ban lãnh đạo chưa tính ra tỷ lệ cổ tức là bao nhiêu do lo ngại sẽ quá lớn", ông Phú nói.
Khi một cổ đông so sánh việc phát triển ngân hàng số giữa TPBank với các ngân hàng khác trên thị trường, ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng nói rằng TPBank đang dẫn trước các đối thủ ít nhất một năm.
"Hiện có ngân hàng nào tại Việt Nam khi bạn gọi Call Center mà không cần nói gì cả, họ sẽ tự biết bạn là ai; 24/7 bạn lúc nào cũng có thể làm được thẻ chỉ cần khuôn mặt và vân tay. Có thể mặt này chúng tôi hơn, mặt kia chúng tôi kém, nhưng nếu chấm điểm tổng thể, không ai nói rằng TPBank đứng thứ hai về ngân hàng số", Phó chủ tịch TPBank nói.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cũng cho biết, mỗi năm, ngân hàng này dành ra 400-500 tỷ đồng đầu tư cho công nghệ, chưa kể chi phí vận hành các hạ tầng đã có. Đây là con số lớn nhưng TPBank cho rằng lợi ích mang lại sẽ không kém.
Về tầm nhìn dài hạn hơn, Chủ tịch TPBank cho biết ban lãnh đạo đã lập ra một kế hoạch chiến lược với mục tiêu giữ TPBank vào nhóm các ngân hàng mạnh nhất Việt Nam. Dự kiến tới năm 2025, tổng tài sản kế hoạch lên tăng gấp đôi lên khoảng 500,00 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 14,000 tỷ đồng. Đến năm 2030, tổng tài sản TPBank có thể đạt 1 triệu tỷ đồng, với lợi nhuận khoảng 35,000 tỷ đồng. Mục tiêu này đều nằm trong kế hoạch của ban lãnh đạo công ty nhưng vẫn có thể điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình kinh tế.
Nhã Tâm
FILI
|