BÀI CẬP NHẬT
Chủ tịch Dương Công Minh: “LPB là con đẻ, đã cho đi lấy chồng”
Sáng ngày 23/04/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Khi được hỏi về mối liên hệ giữa STB và LienVietPostBank, Chủ tịch Dương Công Minh đã chia sẻ: “LPB là con đẻ, tôi đã cho đi lấy chồng. Còn STB là con dâu mới lấy về, tôi quý hơn. Nói về yêu thì tôi yêu cả 2 nhưng công việc của tôi là tập trung cho STB”.
*Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Sacombank
ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Sacombank được tổ chức sáng ngày 23/04/2021
|
Thảo luận:
Ngân hàng xử lý khu công nghiệp Phong Phú năm nay như thế nào? Tiến độ xử lý khu dân cư Bình Trị Đông?
Chủ tịch Dương Công Minh: Cho bán đấu giá công khai minh bạch. Thời gian qua cổ đông Phong Phú có lùm xùm mua bán kiện tụng nhau, do đó UBND đang cho tạm ngưng để giải quyết dứt điểm, hy vọng sẽ tiếp tục xử lý trong năm 2021.
Khu dân cư Bình Trị Đông đã bán đấu giá thành công.
STB và LienVietPostBank (LPB) có mối liên hệ gì không? Chủ tịch yêu Ngân hàng nào hơn?
Chủ tịch Dương Công Minh: “LPB là con đẻ, tôi đã cho đi lấy chồng. Còn STB là con dâu mới lấy về, tôi quý hơn. Nói về yêu thì tôi yêu cả 2 nhưng công việc của tôi là tập trung cho STB.”
Lộ trình cổ tức như thế nào?
Chủ tịch Dương Công Minh: Khi tái cơ cấu thành công, HĐQT hứa cố gắng tái cơ cấu thành công trong 5 năm, dự kiến đến năm 2022 trở về trạng thái bình thường, đầu năm 2023 sẽ có thể chia cổ tức.
Kết quả quý 1/2021?
TGĐ Nguyễn Đức Thạch Diễm: Huy động tăng trên 3.5%, cho vay chạm room tín dụng đạt 5.8%, thu dịch vụ trên 1,200 tỷ đồng. Xử lý nợ xấu trong 4 tháng đạt 2,280 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt 25% kế hoạch, tương đương 1,000 tỷ đồng.
Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư ngoại như thế nào?
Chủ tịch Dương Công Minh: Chúng ta đang tái cơ cấu, mọi chuyện chỉ được giải quyết khi tái cơ cấu thành công.
Lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 20%
Đặt kế hoạch cho năm 2021, Sacombank đề ra các mục tiêu đều tăng trưởng so với kết quả năm 2020.
Cụ thể, Ngân hàng dự kiến tổng tài sản cuối năm 2021 đạt 533,300 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ tín dụng đạt 372,000 tỷ đồng và nguồn vốn huy động đạt 485,500 tỷ đồng, cùng tăng 9% so với đầu năm. Tính riêng huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 478,300 tỷ đồng, tăng 9%.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng và nguồn vốn huy động như trên. Sacombank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 4,000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
Sacombank cũng cho biết, HĐQT sẽ điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp dựa trên cơ sở hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phép của NHNN và diễn biến kinh doanh trong năm 2021.
Về mặt kết quả kinh doanh năm 2020, lợi nhuận trước và sau thuế của Sacombank đạt hơn 3,339 tỷ đồng và gần 2,682 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 9% so với năm trước. So với chỉ tiêu 2,575 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm 2020 thì Sacombank đã vượt 30% mục tiêu đề ra.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, Sacombank sẽ dùng hơn 2,384 tỷ đồng để trích lập các quỹ. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn 1,874 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế gần 6,496 tỷ đồng.
Dành 21,300 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu cho hoạt động kinh doanh sinh lời
Sacombank dự kiến vốn chủ sở hữu cuối năm 2021 đạt 31,726 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ đạt 18,852 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối đạt 9,696 tỷ đồng.
Với nguồn vốn này, Ngân hàng lên kế hoạch sử dụng 1,008 tỷ đồng để tăng tài sản cố định trong năm 2021 bao gồm đầu tư phát triển mạng lưới, máy móc thiết bị (568 tỷ đồng), đầu tư phát triển công nghệ thông tin và Basel II (1,004 tỷ đồng) và đầu tư hoạt động thẻ (64 tỷ đồng), cùng với đó khấu hao tài sản dự kiến phát sinh trong năm là 638 tỷ đồng.
Vốn còn lại 21,300 tỷ đồng sẽ được Ngân hàng đưa vào hoạt động kinh doanh sinh lời.
Ngoài ra, Sacombank cũng sẽ dành 302 tỷ đồng bổ sung vốn cho Ngân hàng con tại Lào trong năm 2021.
Thu hồi nợ xấu trong năm 2020 hơn 15,200 tỷ đồng
Về nội dung thực hiện Đề án tái cơ cấu đến năm 2025, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản kém linh hoạt khiến cho công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhưng Sacombank vẫn quyết liệt xử lý/thu hồi nợ xấu và tài sản tồn đọng vượt mục tiêu. Tỷ suất sinh lời vượt kế hoạch đề án như: ROA đạt 0.52% (vượt 401% kế hoạch), ROE đạt 8.96% (vượt 338% kế hoạch).
Sacombank đã trích 5,633 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng thuộc Đề án, nâng mức trích lập lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 12,027 tỷ đồng, đạt 52% tổng thể Đề án đến năm 2025.
Doanh số thu hồi nợ xấu trong năm 2020 hơn 15,200 tỷ đồng. Trong đó, đã thu hồi 8,200 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án, nâng mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 46,547 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch tổng thể Đề án đến năm 2025. Tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 48.2% so với cuối năm 2016, chiếm 9.8% tổng tài sản, góp phần tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời từ 67.9% lên 85.2%.
Muốn sử dụng lợi nhuận giữ lại hơn 6,000 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu
Riêng về kế hoạch tăng vốn, nguồn lợi nhuận giữ lại đang ở mức cao hơn 6,000 tỷ đồng, Sacombank sẽ sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và hiện chờ sự phê duyệt của NHNN để triển khai thực hiện.
Ái Minh
FILI
|