Bài cập nhật
ĐHĐCĐ MB: Mục tiêu duy trì tỷ lệ CASA ở mức 36% năm 2021
Sáng ngày 27/04/2021, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch tăng vốn cho năm 2021.
Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.
* Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021 của MB
Thảo luận:
Tại sao phải có quá nhiều CASA?
Tỷ lệ trích lập dự phòng?
Tỷ lệ trích lập dự phòng, tùy thuộc khẩu vị rủi ro từng ngân hàng. Năm 2020, tất cả ngân hàng đều tăng trích CPDPRR. Ví dụ ngành vận tải, dịch vụ lưu trú… phát sinh nợ xấu trong năm qua đã có khả năng dự phòng để xử lý.
MB đã trích lập dự phòng và đảm bảo tuân thủ Basel II, trong đó trích dự phòng cũng tuân thủ nghiêm khắc. Năm 2020, MB chọn tăng khả năng phòng thủ, trích lập dự phòng nhiều hơn.
Quý 1, đã thu hồi trên 1,000 tỷ đồng nợ xấu. Có nhiều khách hàng lớn đã phải xử lý thời gian dài. MB ưu tiên xử lý nợ xấu trước, sau đó mới sử dụng các biện pháp tố tụng, đảm bảo quyền lợi của các bên.
Tỷ lệ CASA là bao nhiêu?
Mục tiêu duy trì tỷ lệ CASA ở mức 36% trong năm 2021. MB không hy vọng lấy được vốn rẻ khi mà đầu tư cũng như tiết kiệm của người dân ngày càng thông minh hơn.
Tại sao có quá nhiều CASA, trong tương lai việc đầu tư thông minh của người dân sẽ thay đổi, các sản phẩm có cấu trúc phù hợp thời gian và hợp lý. Phải cân bằng tỷ lệ CASA và tiền gửi có kỳ hạn khác phải được cân bằng.
Có mở room cho nhà đầu tư nước ngoài không?
Hiện nay, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tại MB là 23%. Còn 7% còn lại là lợi ích cổ đông, khi nào có ý định mở lại sẽ thông báo với cổ đông.
Tác động của Thông tư 03?
Từ đầu năm 2020, có 9,000 tỷ đồng nợ cần cơ cấu, đến cuối 2020, dư nợ cơ cấu còn lại 3,400 tỷ. Cho đến hiện tại thì còn hơn 2,000 tỷ đồng. Tác động của Thông tư 03 đến MB không quá lớn.
MB đang tìm kiếm đối tác chiến lược cho 2 công ty thành viên
Số tiền cụ thể trong đầu tư vào trụ sở mới tại Lê Văn Lương, dự án đã quyết toán chưa?
Khu vực phía Nam, MB có hơn 100 điểm kinh doanh, chiến lược phát triển quy mô Ngân hàng tại TPHCM xấp xỉ 34%/tổng dư nợ cho vay. Kế hoạch đang tăng lên 45%.
Năm 2020, Ngân hàng đã đề xuất tìm kiếm các cơ hội phát triển tại TPHCM. Hiện tại, đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
Trụ sở Lê Văn Lương chưa quyết toán xong, xoay quanh con số 1,800 tỷ đồng.
Phân bổ cơ cấu tín dụng năm 2021, các ngành rủi ro và bị ảnh hưởng do Covid?
Tính đến cuối năm 2020, cho vay bất động sản khoảng 3.1%. Trong năm 2021, đang thiết kế liên quan đến cho vay tiêu dùng cá nhân khoảng 5%, cho vay khách hàng cá nhân khoảng 35-36%.
Kế hoạch thoái vốn cho công ty con, doanh thu của công ty con?
MB không có chủ trương thoái vốn công ty con. Hiện nay, MB đang tìm kiếm đối tác chiến lược cho 2 công ty thành viên. Doanh thu công ty thành viên xấp xỉ 12,000 tỷ đồng. Riêng MB Ageas, lợi nhuận khoảng 265 tỷ đồng.
Vì sao lên kế hoạch tăng vốn đột biến?
Vốn điều lệ hiện nay chưa được 2 tỷ USD, bao giờ tăng lên được 5 – 10 tỷ USD?
Ông Lưu Trung Thái: Chiến lược kinh doanh của MB mỗi năm tăng trưởng quy mô tài sản và thị phần. Quy mô tài sản phụ thuộc vào cho vay và huy động vốn, làm thế nào để phù hợp với chiến lược 5 năm. Góc độ này, khoảng năm 2022 MB sẽ đạt mục tiêu 2 tỷ USD. Còn chúng ta không nên đặt vấn đề nhanh đến 5 tỷ USD, mà phải tính toán, sắp xếp để phù hợp mục tiêu tăng trưởng.
Năm trước, tín dụng tăng 23%, do đó, phải tính để tăng vốn phù hợp để có quy mô tài sản tốt hơn và quy mô vốn tăng tương ứng.
Tại sao năm nay lại đề ra kế hoạch tăng vốn điều lệ đột biến so với các năm trước?
Năm 2021, MB sẽ kết thúc chiến lược 5 năm, Ngân hàng đang chuẩn bị chiến lược 5 năm tiếp theo. Tập trung mô hình kinh doanh Tập đoàn gồm Ngân hàng và 6 công ty thành viên.
Tăng vốn, nếu tận dụng được tăng trưởng khoảng 20% thì sẽ giúp MB phát triển, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Hệ số CAR hiện tại MB là 10.5%. Tăng vốn để đảm bảo tăng trưởng và đảm bảo an toàn vốn.
Kế hoạch phát hành riêng lẻ cho Viettel, không bán thấp hơn giá trị sổ sách thời gian gần nhất, khoảng 18,000 đồng/cp?
Dự kiến bán cho Viettel là quý 3, do đó lấy giá trị sổ sách vào quý 2. Tại sao không bán cho Viettel giá cao hơn? Do Viettel là cổ đông lớn nhất của MB tính đến nay và đã hỗ trợ công nghệ thông tin để MB có quy mô giao dịch. Viettel có 50 triệu thuê bao, và MB có thêm khoảng 8 triệu khách hàng để phục vụ cho Viettel. Cân nhắc lợi ích 2 bên, để đảm bảo sự đồng thuận 2 bên.
Dự kiến chia cổ tức cho năm 2021 thế nào?
Chia cổ tức 35% trong năm nay và cổ tức năm 2022 sẽ do ĐHĐCĐ 2022 quyết định.
Tại sao không chia cổ tức bằng tiền mặt?
NHNN yêu cầu TCTD tăng cường năng lực tài chính và chia cổ tức bằng cố phiếu để tăng vốn. Do đó, MB đề xuất chia cổ tức 35% là như vậy.
ĐHĐCĐ thường niên 2021 của MB diễn ra sáng 27/04 tại Hà Nội.
|
Tăng vốn điều lệ qua 3 phương án
Ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MB chia sẻ cho kế hoạch dài hạn, MB dự kiến triển khai tăng vốn điều lệ giai đoạn 2021-2023 thông qua phát hành cổ phần phổ thông để trả cổ tức hàng năm cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ dự kiến từ 10-15%/năm; phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ từ 1-2%/vốn điều lệ MB/năm (tổng 3 năm tối đa không quá 4% vốn điều lệ MB tại thời điểm 31/12/2023).
Ông Lưu Trung Thái
|
Cụ thể cho năm 2021, MB dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức gần 27,988 tỷ đồng lên 38,676 tỷ đồng thông qua 3 phương án nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động, bổ sung vốn kinh doanh và phát triển mạng lưới…
Thứ nhất, tăng vốn thêm gần 9,796 tỷ đồng thông qua phát hành gần 980 triệu cp phổ thông với mệnh giá 10,000 đồng/cp để trả cổ tức với tỷ lệ 35% trên tổng số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của MB năm 2020. Số cổ phần này không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian dự kiến thực hiện tối đa là trong quý 4/2021.
Thứ hai, tăng vốn điều lệ thêm dự kiến tối đa 700 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ mới, dự kiến 70 triệu cp phổ thông. Số cổ phần này được ưu tiên chào cho các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ có khả năng và sẵn sàng hợp tác nhằm tạo hệ sinh thái số mang lại lợi ích lâu dài cho MB.
Các nhà đầu tư được chào bán gồm Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (tối đa 30 triệu cp), Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cp). Trường hợp không phân phối hết cho 2 nhà đầu tư này, MB sẽ lựa chọn các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác.
Mức giá chào bán sẽ được thoả thuận và không thấp hơn giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm gần nhất. Cổ phiếu chào bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo thoả thuận và quy định của pháp luật.
Số cổ phần chào bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định và thỏa thuận giữa MB và các nhà đầu tư.
Thời gian thực hiện tối đa trong quý 4/2021 sau khi thực hiện tăng vốn lần 1.
Thứ ba, MB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 192.4 tỷ đồng thông qua phát hành 19.24 triệu cp phổ thông cho các bộ phận chủ chốt và nhân viên tài năng với mệnh giá 10,000 đồng/cp, giá phát hành bằng mệnh giá. Số cổ phần này cũng bị hạn chế chuyển nhượng và dự kiến được thực hiện trong năm 2021.
Mục tiêu lãi trước thuế tăng tối thiểu 20%
Với số vốn điều lệ dự kiến tăng thêm 38.2%, MB đặt mục tiêu tăng trưởng, dự kiến đến cuối năm 2021, tổng tài sản sẽ tăng 11%, tín dụng tăng trưởng từ 10-11% theo giới hạn của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát tối đa 1.5%.
Lợi nhuận trước thuế MB đặt ra tăng tối thiểu 20%, tương đương đạt 13,200 tỷ đồng. Trong trường hợp dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, các chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2021 sẻ ở mức quanh 10%.
Cổ tức dự kiến chia với tỷ lệ 10% - 15%. Các tỷ suất sinh lợi đề ra như tỷ lệ ROE hợp nhất trên 19%, ROA tương đương 2%.
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021 của MB
|
MB cũng vừa hé lộ kết quả kinh doanh quý 1/2021 với những con số khả quan. Lợi nhuận trước thuế Tập đoàn đạt gần 4,600 tỷ đồng; tương đương 43% kết quả 2020. Các chỉ số chính riêng ngân hàng đều tốt hơn cùng kỳ 2020 như: ROA khoảng 2.7% (quý 1/2020 là 1.59%); ROE khoảng 27.24% (quý 1/2020 là 16.09%), tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1.14%; trích lập dự phòng đầy đủ, quỹ dự phòng bao phủ duy trì >144% nợ xấu…
Theo ông Lưu Trung Thái, MB đề ra kế hoạch chiến lược giai đoạn 2017-2021 và xây dựng chiến lược giai đoạn mới, tạo lợi thế để xây dựng ngân hàng số, tạo lập hệ sinh thái 20 triệu khách hàng bền vững. Chuyển đổi số toàn diện ngân hàng. Tăng trưởng thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ trên các nền tảng số với tốc độ tăng trưởng gấp 2-3 lần so với năm 2020. Hoàn thiện 2 nền tảng số App MBBank và Biz MBBank để dẫn đầu thị trường.
Cát Lam
FILI
|