Đường nội địa 'sống trong sợ hãi' trước đường lậu
Đường nhập lậu hoành hành không chỉ gây khó khăn cho ngành mía đường, nông dân, doanh nghiệp mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung.
Nông dân bỏ trồng mía, nhà máy đóng cửa, ngành mía đường Việt Nam bị thiệt hại nặng nề từ nhiều năm nay trước việc bán phá giá của đường nhập khẩu từ Thái Lan và lượng đường lậu giá rẻ tràn vào gần cả triệu tấn mỗi năm.
Nông dân trồng mía gặp rất nhiều khó khăn trước tình trạng đường lậu giá rẻ tràn vào. Ảnh: QH
|
Nông dân bỏ mía, nhà máy đóng cửa
Số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy trước năm 2018, cả nước có 41 nhà máy đường, sang năm 2019, giảm còn 38 nhà máy và đến thời điểm hiện nay giảm chỉ còn 29 nhà máy. Điều đáng nói là hầu hết nhà máy hiện nay đều đang hoạt động dưới công suất có thể hòa vốn.
Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30%-60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy phải duy trì sản xuất với công suất thấp.
Các tỉnh từng có diện tích trồng mía lớn ở đồng bằng sông Cửu Long như Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An… đều giảm diện tích. Lý do: Người nông dân bỏ cây mía chuyển sang trồng các loại nông sản hoặc làm thủy sản. Thậm chí có tỉnh đã đưa cây mía ra khỏi cây trồng chủ lực của tỉnh vì không mang lại hiệu quả kinh tế.
Trong niên vụ 2020-2021, ngành mía đường nước ta dự báo tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Dự kiến sẽ có thêm bốn nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu và hoạt động không có hiệu quả.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần phải kiểm soát, xử lý tận gốc nạn buôn lậu đường đang ngày càng gia tăng và khó kiểm soát. Vì đường lậu trốn thuế tràn vào không chỉ ảnh hưởng đến nông dân, doanh nghiệp mà còn tác động xấu lên thị trường, phá hoại nền kinh tế. “Nông dân bỏ mía, nhà máy đóng cửa, doanh nghiệp thua lỗ thì Nhà nước cũng thất thu thuế” - ông Thịnh nói.
Vị chuyên gia này cũng nhận định rằng ngoài áp lực đường lậu tràn vào với số lượng lớn gần cả triệu tấn mỗi năm và gian lận thương mại thì áp lực từ làn sóng đường nhập khẩu giá rẻ theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cũng khiến ngành mía đường trong nước gặp nhiều khó khăn. Bởi theo lộ trình cam kết của ATIGA, từ đầu năm 2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu với thuế suất nhập khẩu chỉ 5%.
Nỗi lo đường bẩn
Thực tế đường lậu, gian lận thương mại không chỉ khiến ngành mía đường trong nước lao đao mà còn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, TP.HCM là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của đường lậu.
Cụ thể, sau khi lọt qua biên giới vào Việt Nam, đối tượng buôn lậu đường cát thường đối phó với lực lượng chức năng bằng cách vận chuyển số lượng lớn đường cát trong các xe tải đến TP.HCM vào đêm khuya. Xe chạy vào các bãi xe ở các quận, huyện vùng ven, sau đó chuyển hàng xuống những xe tải nhỏ và chở đi giao ngay cho các mối tiêu thụ trong đêm.
Tiếp đó, đường lậu sẽ được các tiểu thương tháo bao bì nhãn gốc của hàng hóa, rồi bỏ vào bao bì giấy hoặc bao bì có nhãn của những công ty sản xuất đường trong nước; hoặc đóng bao giấy, nylon nhỏ bán không cần nhãn mác.
Theo khảo sát của chúng tôi, đường lậu chủ yếu tiêu thụ ở các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa hoặc bán trên các website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... Nhiều loại đường để trong các bao giấy được bày bán ở các chợ.
Đáng nói có nhiều chủ tài khoản Facebook rao bán đường còn nguyên bao chữ Thái Lan, mỗi bao nặng 50 kg. Trong vai khách hàng hỏi mua, chúng tôi gọi vào số điện thoại của một tài khoản Facebook thì được giới thiệu: “Anh mua sỉ hay mua lẻ, số lượng bao nhiêu cũng có. Giá lẻ là 17.000 đồng/kg, giá sỉ thì tùy số lượng anh đặt mua nhưng rẻ hơn”. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi giấy tờ nhập khẩu thì người bán chỉ nói: “Anh yên tâm”, rồi đề nghị chúng tôi cứ chốt đơn và anh ta sẽ báo lại ngày giờ giao hàng. Sau đó, người này cúp máy.
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc một công ty bánh kẹo tại TP.HCM, cho biết đường lậu chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan. Loại đường này nếu bán lẻ giá ngang ngửa giá đường trong nước, còn bán số lượng lớn (bán sỉ) thì giá rẻ hơn giá thị trường.
Cũng theo ông Tuấn, đường lậu giá rẻ thường được cung cấp với số lượng lớn cho các mối sử dụng nhiều như cơ sở làm bánh kẹo, thực phẩm, bếp ăn công nghiệp, quán ăn… Còn các công ty làm ăn uy tín thì họ luôn có nguồn cung ổn định từ các sản phẩm có tên tuổi, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
“Mặt hàng đường nếu bảo quản không tốt, hết hạn sử dụng, chứa nhiều tạp chất không hòa tan như cát, đất, bụi bẩn lẫn vào… sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng” - ông Tuấn nói.
Các công ty mía đường cho biết thêm trên thị trường loại đường mất vệ sinh an toàn thực phẩm, không nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác vẫn đang lấn át đường sạch. Điều này tất yếu sẽ khiến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng mất đi thị phần không nhỏ. Và khi có thị trường đầu ra thì đường lậu vẫn tiếp tục gia tăng và người tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng sức khỏe.
Chính vì vậy, người tiêu dùng nên mua các sản phẩm đường có bao bì, thương hiệu rõ ràng như tại siêu thị. Tuyệt đối không mua các loại đường không bao bì, nhãn mác, xuất xứ, nguồn gốc. Bởi ăn loại đường này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình lẫn gia đình.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp đưa ra những quy định về tiêu chuẩn đường. Theo đó chỉ cho phép những sản phẩm đường đáp ứng những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phải đóng bao bì, nhãn mác, có nguồn gốc rõ ràng mới được lưu thông trên thị trường.
Bắt hàng chục tấn đường lậu
Cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ đường nhập lậu. Ảnh: TU
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, do có vị trí giao thông thuận lợi, quy mô sản xuất và thương mại cao nên TP.HCM là địa bàn trọng điểm để các đối tượng lợi dụng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa được đẩy lùi.
Riêng đối với mặt hàng đường cát, năm 2020, các đội QLTT đã kiểm tra 24 vụ, giảm 47 vụ so với năm 2019. Lực lượng QLTT đã tạm giữ, tịch thu 28,5 tấn đường cát không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 670 kg đường giả mạo nhãn hiệu.
TÚ UYÊN
|
QUANG HUY
Pháp luật TPHCM
|