Xuất khẩu (XK) hồ tiêu trong tháng 2 vừa qua giảm gần 42% sản lượng so với cùng kỳ và giảm hơn 23% giá trị. Tuy nhiên giá thu mua trong nước lại có thời điểm tăng đến 26% so với cùng kỳ năm 2020.
VPA cảnh báo người dân không nên mở rộng diện tích trồng tiêu hay vội vã thu hoạch tiêu xanh - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
|
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, theo số liệu của Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC), XK hồ tiêu trên toàn thế giới năm 2020 đạt hơn 459.000 tấn, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó, lượng tiêu XK của Việt Nam đạt hơn 282.000 tấn, tương đương gần 60% của cả thế giới. Trên thị trường thế giới, tháng 2/2021, giá hạt tiêu đen XK tăng ở hầu hết các nước sản xuất lớn, trừ Indonesia. Giá hạt tiêu trắng XK tăng mạnh ở các nước sản xuất như Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Theo tính toán, nhu cầu cả thế giới hiện ở mức 510.000 tấn hồ tiêu/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2-3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8-10%. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu đạt hơn 660.000 tấn năm 2020, dự báo sẽ tăng lên 1 triệu tấn đến năm 2050, và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, VPA cũng ra khuyến cáo giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong nhiều năm nữa.
Theo Bộ NN&PTNT, XK hạt tiêu trong tháng 2/2021 đạt 15.000 tấn, trị giá 44 triệu USD, giảm 41,9% về lượng và giảm 23,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, XK hạt tiêu ước đạt 32.000 tấn, trị giá 93 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, giá tiêu trong nước tại một số thời điểm có dấu hiệu nhích và thậm chí tăng phi mã.
Nhiều khuyến cáo đã được đưa ra, nhưng tại một số địa phương vẫn có hiện tượng gom hàng, “thổi” giá. Ghi nhận của VPA cho thấy, vào ngày 26/2021, tại cảng khu vực TPHCM, giá thu mua để XK hạt tiêu đen loại 500 g/l và 550 g/l cùng tăng 250 USD/tấn (tăng 8,4%) so với ngày 29/1/2021, lên mức 3.155 USD/ tấn và 3.236 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng cũng tăng 300 USD/tấn (tăng 6,7%) so với ngày 29/1/2021, lên mức 4.800 USD/tấn... Giá thu mua tiêu để XK bình quân trong 2 tháng đầu ước đạt mức 2.907 USD/tấn, tăng đến 26% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 2/2021, giá hạt tiêu đen trong nước tăng so với tháng 1/2021. Ngày 27/2, giá hạt tiêu đen tăng từ 1.000-3.500 đồng/kg (tương đương mức tăng từ 1,9-6,7%) so với ngày 29/1/2021. Mức tăng thấp nhất là 1.000 đồng/kg (tăng 1,9%) tại huyện Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông; mức tăng cao nhất là 3.500 đồng/kg (tăng 6,7%) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lên mức 53.000-55.500 đồng/kg.
Cập nhật mới nhất đến ngày 17/3/2021, VPA cho biết giá hồ tiêu tiếp tục tăng đáng kể tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Giá tiêu đen đã lên mức 75.000 đồng/kg và tiêu trắng là 115.000 đồng/kg.
Nhìn nhận về câu chuyện giá hồ tiêu tăng biến động thời gian gần đây, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, giá hồ tiêu hiện nay vừa là giá thật nhưng cũng là giá ảo. Bởi ngoài việc hồ tiêu được các doanh nghiệp XK thu mua thì hiện có một lượng khách hàng ngoài ngành là người Việt Nam muốn mua hồ tiêu để đầu cơ.
Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh chuyên về xuất khẩu tiêu cũng nhìn nhận, giá tiêu tăng nhanh từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 đến nay, phần lớn là do hiện tượng đầu cơ của thương lái, đại lý. Ông Thông khẳng định: “Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, họ phải bán được thì mới mua hàng”.
Với tình hình giá hồ tiêu như vậy, VPA đã tổ chức họp đột xuất Ban chấp hành mở rộng, gồm lãnh đạo Hiệp hội và đại diện hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong nước và doanh nghiệp FDI.
VPA cho biết, thu hoạch hồ tiêu vụ năm 2021 muộn hơn các năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đến nay cả nước thu hoạch bình quân khoảng 30-40%, gần hết tháng 4/2021 cơ bản mới thu hoạch xong vì vậy hàng ra chưa nhiều.
Do giá tiêu trong nước tăng cao, một số nhà xuất khẩu của Việt Nam đã mua hàng Brazil trực tiếp từ các nhà xuất khẩu Brazil hoặc từ các nhà thương mại Dubai vì giá hồ tiêu Brazil khá rẻ so với Việt Nam.
Trước tình hình biến động của giá hồ tiêu, VPA đã cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những hợp đồng đã ký nên điều tiết tiến độ mua hàng vì hồ tiêu chưa thu hoạch. Tùy mỗi doanh nghiệp đưa ra đề nghị và hướng xử lý với khách hàng, thương lượng với khách hàng về thời gian giao hàng hoặc yêu cầu mua thị trường khác thay thế, hoặc thương lượng để bồi thường hợp đồng.
Bài học “vàng đen” những năm 2015 vẫn còn nguyên giá trị. Khi đó mức giá được đẩy lên gần 200.000 đồng/kg khiến nhiều người dân bỏ hết các loại cây khác để mở rộng trồng tiêu, thậm chí cầm cố vay ngân hàng để đầu tư cho cây hồ tiêu. Sau đó, nhiều hộ gần như mất trắng khi sang năm 2016 giá tiêu lao dốc không phanh.
VPA cho rằng nông dân và các đại lý thu mua hồ tiêu cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm, không hái tiêu xanh khi thu hoạch, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống. VPA đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các sản phẩm xuất khẩu, số lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới khi thu hoạch rộ.
Đỗ Hương
Báo Chính phủ