Trong vòng nửa tháng trở lại đây, giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã giảm đến 1.000 đồng/kg. Điều gì đã khiến giá lúa gạo ở khu vực này “rơi” nhanh như vậy?
Nông dân Tiền Giang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh
|
Giá lúa gạo đều giảm, thương lái dở cười dở khóc
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá lúa OM 5454, OM 18, Đài Thơm 8 ở ĐBSCL hiện được thương lái mua tại ruộng của nông dân đối với lúa tươi chỉ còn khoảng trên dưới 6.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với mức giá cách đây nửa tháng; lúa IR 50404 cũng giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với cách đây nửa tháng, xuống chỉ còn 5.850-5.900 đồng/kg.
Trong khi đó, với giá gạo lức, ở khu vực chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, các giống như: OM 5451, OM 18, Đài Thơm 8, IR 50404 được giao dịch với giá chỉ còn 9.500-9.700 đồng/kg so với mức giá cách đây nửa tháng là 10.500-10.700 đồng/kg, tức đã giảm khoảng 1.000 đồng/kg.
Giá lúa gạo ở ĐBSCL “rơi” rất nhanh như nêu trên đã khiến không ít thương lái dở cười dở khóc.
Ông Trần Văn Trùm, một thương lái mua lúa ở tỉnh Tiền Giang, cho biết trước Tết Nguyên đán Tân Sửu chừng hơn nửa tháng, ông đặt cọc mua lúa Đài Thơm 8 của nông dân với giá 6.400 đồng/kg. Đến ngày mùng 10 Tết, tức đến thời điểm thu hoạch, giá lúa thị trường đã tăng lên mức 7.000 đồng/kg, tức cao hơn 600 đồng/kg so với giá đã đặt cọc mua. “Khi đó, tôi cho thêm nông dân 100 đồng/kg, nghĩa là mua của nông dân với giá 6.500 đồng/kg (tức trước mắt vẫn còn lời 500 đồng/kg). Thế nhưng, hiện nay giá lúa đã giảm trở lại đến 1.000 đồng/kg, tức chỉ còn 6.000 đồng/kg, coi như lỗ 500 đồng/kg rồi”, ông phân tích.
Đây không phải là trường hợp hiếm, nhiều thương lái kinh doanh lúa gạo khác ở ĐBSCL cũng gặp tình cảnh tương tự, tức đặt cọc khi giá lúa còn thấp. Đến khi thu hoạch, giá lúa tăng cao, cho thêm tiền nông dân. Tưởng là lời nhưng sau đó giá lại sụt giảm mạnh dẫn đến thua lỗ.
Chu kỳ giảm không kéo dài
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành 4 (Vĩnh Long), cho rằng giá lúa gạo sụt giảm do: thứ nhất, năm nay kế hoạch xuống giống “né” hạn, mặn tập trung, do đó lượng lúa thu hoạch đồng loạt tăng cao; thứ hai, thương nhân kinh doanh gạo hiện ứng xử theo lối “có hợp đồng mới mua gạo”, khiến lượng giao dịch ít, làm giá lúa gạo sụt giảm.
Mặt khác, theo ông Thành, với thị trường Philippines – thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam – hiện Chính phủ của quốc gia này vẫn chưa công bố lượng hạn ngạch cho năm 2021 là bao nhiêu, trong khi Philippines lại đưa ra thông tin hạn chế nhập khẩu gạo Việt Nam cũng khiến thị trường diễn biến xấu hơn. “Thật ra thông tin này chỉ là bài toán chính trị để gạo Việt giảm giá là chính, chứ khách hàng Philippines cũng có nhu cầu gạo Việt Nam nhiều”, ông cho biết.
Theo ông Thành, với mức giá gạo 5% tấm hiện nay của Việt Nam ở khoảng 510-515 đô la Mỹ/tấn (giá FOB) là rất phù hợp để các thị trường mua vào. “Trong hai tuần gần đây, giá sụt giảm trên dưới 1.000 đồng/kg, tương đương khoảng 43 đô la Mỹ/tấn (mỗi đô la Mỹ tạm tính 23.000 đồng - PV) là mức giá rất hợp lý rồi”, ông nói và cho rằng, vấn đề bây giờ là chờ công bố hạn ngạch của Philippines. Bởi, hiện nay một số khách hàng Việt Nam và Philipines tham khảo với nhau, thì giá của Việt Nam như bây giờ (510-515 đô la Mỹ/tấn với gạo 5% tấm) là gần như đã bán được, khách hàng cũng chấp nhận mua.
Cũng theo dự đoán của ông Thành, giá lúa gạo Việt Nam sẽ kết thúc chu kỳ giảm trong tuần này, bởi lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất ít, cho nên, với mức giá như hiện nay, thì họ sẽ bắt đầu mua mạnh để nhập kho. “Bởi, không khéo sẽ mua không kịp vì gạo hiện nay đâu phải trong một ngày mua được nhiều đâu, nếu một ngày mua được 1.000-2.000 tấn, thì cũng phải mất 1-2 tháng mới đủ lượng vài chục ngàn tấn”, ông giải thích và cho rằng, với những công ty lớn, thì cần con số lớn hơn, chứ không dừng lại vài chục ngàn tấn.