Miền Tây lo hạn, mặn: Chủ động tìm cách thích nghi
Hạn, mặn không phải là mối đe dọa mới với ĐBSCL, nhưng sự thất thường của nguồn nước từ thượng nguồn Mê Kông đổ về lại thực sự đáng ngại và không còn cách nào khác, ĐBSCL phải tìm cách chủ động thích nghi.
Nông dân H.Long Phú (Sóc Trăng) chủ động đào mương trữ nước ngọt trong vườn để tưới cây ứng phó với xâm nhập mặn. Ảnh: Đình Tuyển
|
Đã quen với mặn
Giữa thời tiết hạn, mặn tháng 2, ông Trần Văn Cửng (nông dân xã Long Phú, H.Long Phú, Sóc Trăng) hối hả cho nhân công thu hoạch 10 ha lúa đông xuân. “Năm nay, nhờ xuống giống né mặn nên giờ này cắt gần xong. Lúa không bị mặn nên vừa tăng năng suất, lại bán được giá”, ông Cửng nói và cho biết đã lâu lắm rồi, người dân xã Long Phú mới thu hoạch vụ đông xuân đạt sản lượng lên tới 8 tấn/ha, giá bán 7.000 đồng/kg lúa tươi tại ruộng, xem như nông dân được mùa “kép”.
Các nước đều có những toan tính sử dụng nguồn nước sông Mê Kông vốn ngày một ít hơn. Điều này đòi hỏi ĐBSCL phải tự tính toán để cứu lấy chính mình.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ)
|
Theo ông Cửng, được như vậy trước hết là nhờ địa phương cho đào kênh nên nước trữ được nhiều hơn, lúa không bị thiếu nước. Thứ hai là nông dân rút kinh nghiệm sau mấy mùa thiệt hại vừa rồi. Ví dụ năm nay, dự báo hạn sớm thì nông dân sạ lúa sớm hơn chút, mặn gay gắt thì lúa cũng gặt xong. “Năm nay, gần như cả xã Long Phú không còn thấy ai trồng lúa vụ 3 (xuân - hè) nữa nên thiệt hại cũng chẳng còn. Người nông dân đã biết chấp nhận trồng ít đi một vụ lúa vốn chịu rất nhiều rủi ro”, ông Cửng cho hay.
Ở vùng nhánh sông Tiền, sau mấy mùa khô hạn, ông Huỳnh Văn Út (ngụ xã Ngũ Hiệp, H.Cai Lậy, Tiền Giang) đã mạnh dạn “trích” ra hơn 1.000 m2 đất trong khu vườn sầu riêng hơn 1 ha của mình để trữ nước tưới cho mùa khô năm nay. “Sầu riêng là cây trồng rất nhạy cảm với nước mặn, chỉ cần độ mặn 0,5% là cây bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, thậm chí chết. Vì vậy, tôi quyết định đốn bỏ khoảng 20 gốc sầu riêng để đào ao trữ hơn 5.000 m2 nước mưa tưới được khoảng 4 tháng trong mùa khô năm nay”, ông Út chia sẻ.
Ở Bến Tre, không phải ai cũng có đất đào ao như cách làm của ông Út. Tuy nhiên, năm nay, hầu hết chủ vườn đều sử dụng đường rãnh giữa các hàng cây để phủ bạt nhựa, hoặc sử dụng túi nhựa cỡ lớn để chứa nước mưa. Không thể chứa được lượng nước dồi dào như đào ao, nhưng cách làm này giúp bà con đủ nước tưới tiết kiệm trong thời gian hơn 2 tháng nếu xâm nhập mặn gay gắt.
Cũng như Sóc Trăng, năm 2021, các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Long An đều khuyến cáo người dân không xuống giống lúa vụ 3. Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, đến nay đã cắt lúa vụ 3 ở vùng ngọt hóa Gò Công, Bảo Định trên tổng diện tích hơn 136.000 ha. Đồng thời khuyến cáo bà con tăng cường chuyển đổi cây trồng phù hợp để vừa “né” được nước mặn mùa khô, vừa tăng hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích đất. Tỉnh Bến Tre cũng đã phát động phong trào trữ nước mưa và đến nay hầu hết các hộ dân đã thực hiện.
Cánh đồng lúa đông xuân đã thu hoạch gần xong của H.Long Phú (Sóc Trăng) ngay thời điểm mặn lấn sâu. Ảnh: Đình Tuyển
|
Tự tính toán để cứu lấy chính mình
Mấy năm qua, có thể nói, hạn, mặn xâm nhập sâu tàn phá cây trồng, gây thiếu nước sinh hoạt thực sự đã ám ảnh người dân ĐBSCL. Tuy nhiên, theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về Mê Kông, vẫn có một số cơ sở để tin rằng hạn, mặn năm nay sẽ không khắc nghiệt bằng đầu năm 2020. Bởi trước hết, mùa lũ 2020, mực nước cao hơn 2019; thêm nữa từ tháng 9, hiện tượng thời tiết La Nina gây mưa nhiều ở miền Tây nên cũng giúp nhiều địa phương, nhất là khu vực bán đảo Cà Mau, không thiếu nước. Vùng ven biển cửa sông Cửu Long, tình hình chung là hạn, mặn năm nay cũng sẽ ít gay gắt hơn mùa khô 2020.
Về lâu dài, Th.S Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, nhiều kỳ vọng sẽ đặt vào Quy hoạch tích hợp ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ đang sắp hoàn thành sẽ đưa ra những định hướng phù hợp cho việc thích ứng với hạn, mặn vùng ven biển. Trong đó, về hệ thống canh tác ở vùng mặn sẽ được chuyển đổi sang canh tác mặn, vùng mặn ngọt theo mùa cũng sẽ chuyển đổi theo mùa, kèm theo các công trình cỡ nhỏ để điều tiết mặn vào những lúc giao mùa mặn - ngọt chứ không ngăn mặn triệt để và không còn tình trạng cố gắng đi trái với quy luật mặn - ngọt như lâu nay.
|
“Tuy nhiên, sự vận hành tích - xả của các đập thủy điện khiến mực nước sông Mê Kông sẽ còn gây ra những biến đổi thất thường, kéo theo là ranh giới xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL biến đổi, nhất là ở các nhánh phía bắc của sông Tiền gồm Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông. Trong đó, tỉnh Bến Tre và cả TP.Bến Tre bị đe dọa nhiều nhất”, Th.S Thiện nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, bản thân các đập thủy điện không tự gây ra hạn được, nhưng khi gặp tình huống năm hiện tượng thời tiết El Nino gây khô hạn thì thủy điện sẽ làm cho tình hình tồi tệ thêm hoặc biến động bất thường theo hoạt động tích - xả của các đập.
“Hoạt động của các đập thủy điện không chỉ trên dòng chính phía Trung Quốc, ở các chi lưu cũng sẽ gây rối loạn nguồn nước về hạ nguồn sông Mê Kông. Vào đầu mùa khô, các nhà vận hành đập thủy điện lo thiếu nước để phát điện trong mùa khô nên đã tích cực trữ nước trong hồ làm cho mực nước sông Mê Kông thấp bất thường. Tới đầu mùa mưa, lượng nước từ những cơn mưa đầu mùa cũng nhiều khả năng bị đập trữ lại. Khi đó, lũ sẽ về đến hạ nguồn ĐBSCL trễ 2 - 3 tuần”, ông Thiện nhìn nhận.
Nông dân trồng cây ăn trái tại tỉnh Bến Tre tìm nguồn nước ngầm thay thế nước sông. Ảnh: Bắc Bình
|
Cũng liên quan đến sự thất thường của nguồn nước sông Mê Kông, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng việc các đập thủy điện ở Trung Quốc và Lào trữ nước hay xả bao nhiêu thực sự là những ẩn số. Nó khiến cho những tính toán, dự đoán về hạn, mặn ở ĐBSCL trở nên khó khăn hơn.
“Chúng ta phải chấp nhận kịch bản hạn, mặn uy hiếp miền Tây sẽ lặp lại, không có cách nào khác là phải tránh, né mặn. Đặc biệt là vùng trồng cây ăn trái lâu năm, bằng mọi cách phải tìm nguồn nước ngọt để bảo vệ, có thể là đắp các đập tạm trữ nước ngọt, chuyển nước từ vùng khác. Bởi vì thiệt hại của cây ăn trái được tính bằng 5 - 10 năm chứ không phải 2 - 3 tháng như vụ lúa, vụ màu”, ông Tuấn nói.
PGS-TS Lê Anh Tuấn cảnh báo, tương lai sẽ còn khó đoán biết hơn khi các nước thượng nguồn như Lào, Thái Lan, Campuchia tăng cường sử dụng nước sông Mê Kông vào mùa khô. “Thái Lan đã từng có một dự án chuyển 4 tỉ m3 nước sông Mê Kông vào mùa khô để phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng Đông Bắc. Dù dự án này đang đình trệ nhưng điều đó cũng cho thấy các nước đều có những toan tính sử dụng nguồn nước sông Mê Kông vốn ngày một ít hơn. Điều này đòi hỏi ĐBSCL phải tự tính toán để cứu lấy chính mình”, ông Tuấn nói thêm.
Bắc Bình
Thanh niên
|