Bên cạnh việc siết chặt công tác phòng dịch COVID-19, các đơn vị sản xuất tại TPHCM đang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch năm 2021, lên kế hoạch dự phòng nhằm đạt được kết quả khả quan nhất trong tình hình mới.
Khoảng 1.000 người lao động thuộc Công ty TNHH Nidec Việt Nam đăng ký làm việc xuyên Tết để hạn chế di chuyển trong mùa dịch. Ảnh: VGP/Gia Mỹ
|
Ngày 18/2, chị Nguyễn Thị Vân (công nhân Công ty TNHH Nidec Việt Nam tại Khu công nghệ cao, TP. Thủ Đức, TPHCM) phấn khởi bước vào ca làm việc đầu tiên trong năm Tân Sửu, bởi hôm nay chị được gặp lại đông đảo đồng nghiệp. Quê ở Hưng Yên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Tết năm nay, thay vì về quê thăm gia đình, chị Vân quyết định ở lại TPHCM và đăng ký làm 10 ngày xuyên Tết.
Chị Vân chia sẻ: “Tôi chọn ở lại vì sự an toàn của bản thân và gia đình, cũng như chung tay giảm áp lực phòng, chống dịch. Đi làm xuyên Tết tôi có thêm thu nhập. Số tiền thưởng đó tôi sẽ gửi về quê. Dịch mà mình vẫn có việc làm đều đặn là may mắn rồi. Tết năm sau mình về bù vậy. Giờ thì bắt đầu công việc cho năm mới thôi. Hy vọng tình hình sớm ổn để các đơn hàng tăng đều đặn”.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam cho biết, ngay khi dịch bệnh bùng phát trở lại vào dịp cận Tết, công ty đã thông tin đến toàn thể công nhân và đưa ra các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho người lao động.
Không chỉ kêu gọi công nhân ở lại TPHCM đón Tết để hạn chế lây lan dịch bệnh, Công ty Nidec còn đưa ra chính sách thưởng lũy tiến cho người lao động làm việc xuyên Tết: Thay vì mỗi ngày được thưởng 200.000 đồng như mọi năm, năm nay người lao động nếu làm trọn 10 ngày nghỉ Tết, ngoài tiền lương theo quy định, còn được thưởng thêm 4 triệu đồng.
“Tết năm nay có khoảng 1.000 người trong tổng số 4.500 công nhân đăng ký ở lại làm xuyên Tết. Đến thời điểm hiện tại công nhân đã quay lại làm việc khá đông đủ. Chúng tôi đã thực hiện công tác rà soát, hỗ trợ khai báo y tế khi công nhân quay làm việc. Công tác phòng dịch tiếp tục được thực hiện nghiêm túc”, ông Lưu Kim Hồng cho biết thêm.
Không nghỉ Tết Nguyên đán, từ tối 30 tháng Chạp, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tổ chức lễ phát lệnh làm hàng đầu Xuân. Để phục vụ cho hoạt động sản xuất trong dịp Tết của các doanh nghiệp, tại cảng Tân Cảng-Cát Lái mỗi ca sản xuất có hơn 850 người lao động trực tiếp quản lý, điều hành, phục vụ bảo đảm cho sản xuất được thông suốt. Cảng duy trì hoạt động sản xuất 24/24 giờ trong năm. Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, trung bình cảng đón 12 chuyến tàu/ngày, với sản lượng thông qua 13.000 Teu/ngày.
Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, năm 2021, đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc đồng thời cả 2 nhiệm vụ quân sự quốc phòng và sản xuất kinh doanh. Trong đó, phấn đấu các chỉ tiêu kinh tế cơ bản tăng bình quân trên 5%, năng suất lao động tăng trên 5%, thu nhập bình quân tăng 3%.
Mục tiêu quan trọng được Tân Cảng Sài Gòn đưa ra trong năm nay là giữ vững vị thế đứng đầu hệ thống cảng biển Việt Nam, xếp thứ 19 trong các cụm cảng có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Cùng với đó là các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua đẩy mạnh đầu tư bài bản thiết bị, công nghệ, hạ tầng cảng biển, logistics cũng như các giải pháp kết nối nhằm tăng sức cạnh tranh.
Container hàng đầu tiên thông qua cảng Tân Cảng-Cát Lái đêm 30 Tết Tân Sửu 2021. Ảnh: VGP/Gia Mỹ
|
Mặc dù tới ngày 22/2 mới bắt đầu ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, nhưng đến thời điểm hiện nay, bộ phận nhân sự Công ty may Hòa Bình (quận Tân Phú, TPHCM) đã nhận được thông tin phản hồi sẽ quay lại văn phòng, công xưởng của đông đảo người lao động.
Ông Lê Thanh Phong, Giám đốc Công ty may Hòa Bình cho biết, năm nay đơn vị cho người lao động nghỉ Tết sớm và vào làm muộn nên không ảnh hưởng nhiều bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. “Văn phòng của công ty nằm tại TPHCM, nhưng công xưởng với khoảng 200 công nhân của chúng tôi thì ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Công nhân của chúng tôi chủ yếu là người dân tại địa phương, nên không biến động nhiều. Hiện tại công ty đã sẵn sàng cho quy trình hoạt động trong tình hình mới, trước mắt làm chặt khâu phòng dịch và bổ sung thêm nhiều điểm mới trong kế hoạch sản xuất để đạt được nhiều đơn hàng hơn trong năm mới”.
Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, bên cạnh các đơn hàng trong nước, Công ty May Hòa Bình có thêm đơn hàng xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Mỹ với khoảng 1 triệu sản phẩm may mặc đồng phục, tăng tổng sản lượng lên gần 7 triệu sản phẩm. Năm 2021, công ty đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch sản xuất, tiêu thụ hơn 10 triệu sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước. Hiện tại, công ty đã có 4 đơn xuất khẩu sản phẩm may mặc sang thị trường Mỹ, Canada, Đức và Nga trong dịp đầu năm mới. Các lô hàng đặt trước của đối tác trong nước cũng khá nhiều, đảm bảo lịch làm việc đều đặn với thu nhập khả quan cho người lao động.
Với Công ty cổ phần Sài Gòn Food, đến thời điểm hiện tại, một vài bộ phận thuộc công ty đã bắt đầu tuần làm việc đầu năm. Tuy nhiên, với những công nhân ở tỉnh, công ty sẽ cho xe đưa rước nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch và bắt đầu công việc vào tuần sau.
Theo ông Lê Quang Vũ, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bên cạnh việc chủ động phòng, chống dịch, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng kịp thời thay đổi để thích ứng tốt trong tình hình mới. Sài Gòn Food từ sớm đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 với sự tham gia trực tiếp của nhiều lãnh đạo để kịp thời có phương án phòng dịch quyết liệt, hiệu quả.
“Chúng tôi phòng dịch COVID-19 bằng nhiều giải pháp cùng lúc để đảm bảo tính chủ động, hiệu quả. Từ trước Tết, khi cho người lao động về quê đón Tết, công ty đã lên phương án phòng ngừa. Trong 2 tuần mọi người trở lại TPHCM sau Tết, các phương án phòng dịch sẽ được triển khai kỹ lưỡng. Không chỉ phòng chống dịch ngay tại công ty, chúng tôi còn liên tục theo dõi, hỗ trợ người lao động đang ở các tỉnh, thành phố di chuyển vào TPHCM làm việc sao cho an toàn”, ông Lê Quang Vũ cho hay.
Tập trung các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 cũng là yêu cầu được Công đoàn ngành dệt may Việt Nam đưa ra với các doanh nghiệp, nhà máy trên khắp cả nước. Tại khu vực phía Nam hiện có 48 nhà máy thuộc Công đoàn ngành dệt may Việt Nam được phân bố rải rác tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành phố.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may Việt Nam cho biết, đến hiện tại, các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 vẫn được các đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt. Tết Nguyên đán 2021, khoảng 75% công nhân tại các nhà máy đã chấp nhận không về quê ăn Tết nhằm hạn chế rủi ro trong đợt dịch bùng phát.
Công đoàn ngành dệt may đã hỗ trợ chi phí hoàn vé đối với những trường hợp không được hoàn tiền vé theo chính sách của các hãng vận tải. Hoạt động chúc Tết, họp mặt cũng bị hủy, thay vào đó là tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người lao động từ các tỉnh quay lại làm việc sao cho an toàn nhất trong đầu năm mới.
Mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng với những kinh nghiệm có được từ công tác phòng chống COVID-19 trong năm 2020, năm 2021, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, tận dụng các thời cơ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.