Trực tuyến
ĐHĐCĐ Coteccons: Mở rộng đa lĩnh vực xây dựng, mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD đến 2025
“Hôm nay, tôi muốn chia sẻ về hành trình 5 năm tiếp theo của CTD. Tầm nhìn của chúng ta là mục tiêu 3 tỷ USD doanh thu vào năm 2025. Đây là chỉ tiêu thử thách, nhưng tôi khẳng định rằng chúng ta có khả năng thực hiện. Chỉ khi chúng ta có tham vọng đủ lớn thì mới mang tất cả mọi người tại CTD lại với nhau, hợp nhất để hướng đến mục tiêu lớn” – Chủ tịch Bolat Duisenov cho biết trong phần mở đầu ĐHĐCĐ được tổ chức vào sáng ngày 26/04.
Chủ tịch Bolat Duisenov trình bày về định hướng phát triển của CTD trong 5 năm tới.
|
3 tỷ USD doanh thu
Theo chia sẻ của vị Chủ tịch tại Đại hội sáng ngày 26/04, CTD gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, vận hành, nhân sự,… suốt từ năm 2020. “Nhưng những thời điểm khó khăn là thứ quyết định tương lai của chúng ta. Tất cả khó khăn đều đến cùng cơ hội, chúng ta có cơ hội và cơ sở để xây dựng một công ty thật sự lớn mạnh” – ông nói.
Theo ông Duisenov, CTD đang có đội ngũ nhân sự giỏi và bắt đầu có thêm dự án, duy trì được mối quan hệ với khách hàng và hoàn toàn đảm bảo tiến độ thực hiện, chất lượng dự án. “CTD hướng đến tăng trưởng bền vững trong dài hạn”, ông Duisenov nhấn mạnh.
Lãnh đạo CTD cho biết, để hiện thực hóa tầm nhìn này, Công ty sẽ tiến hành đa dạng hóa các hoạt dộng kinh doanh nhằm tránh phụ thuộc chu kỳ thị trường bất động sản.
Nhà thầu xây dựng lớn nhất nước CTD hiện đang tập trung vào lĩnh vực xây dựng các tòa nhà. “Nếu chỉ tập trung vào một phân khúc thị trường thì CTD sẽ phụ thuộc nhiều vào phân khúc này, phụ thuộc vào các chu kỳ. Để đạt được sự bền vững, chúng ta phải phát triển các mảng khác như xây lắp EPC, năng lượng, hạ tầng.
CTD là công ty đầu ngành nhưng cũng chỉ mới chiếm 7% thị phần ngành xây dựng Việt Nam. Với định hướng mở rộng đa lĩnh vực, chúng ta sẽ phát triển hơn nữa”, Chủ tịch Duisenov nói.
Đội ngũ lãnh đạo điều hành của CTD trong giai đoạn mới ra mắt tại ĐHĐCĐ thường niên 2021.
|
Đa dạng hóa để giữ vị trí dẫn đầu
Chia sẻ về kế hoạch đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, Phó Tổng Giám đốc CTD - ông Phan Hữu Duy Quốc cho biết 99% công việc mà CTD đang triển khai là ở mảng xây dựng tòa nhà dân dụng. “Trong khi đó, vẫn còn nhiều việc mà CTD chưa tham gia như hạ tầng giao thông, cụ thể là dự án metro, hay là mảng EPC và cả mảng đầu tư, hỗ trợ vốn cho các chủ đầu tư dự án. Thậm chí khi xây dựng xong thì chúng ta có thể tiếp tục tham gia mảng vận hành, khai thác dự án.
Đây là những mảng phi truyền thống với chúng ta nhưng CTD sẽ phải làm trong tương lai”, ông Quốc nhấn mạnh.
Ông Phan Hữu Duy Quốc, Phó Tổng Giám đốc Coteccons, trình bày về định hướng đa dạng hóa lĩnh vực xây dựng trong giai đoạn 2021-2025.
|
Phó Tổng Giám đốc Phan Hữu Duy Quốc cho biết, vị thế dẫn đầu của CTD sẽ không được đảm bảo nếu không tránh tình trạng bị lệ thuộc vào một mảng kinh doanh.
“Sự cạnh tranh trong lĩnh vực xây dựng hiện rất khốc liệt và lợi nhuận rất thấp. Vẫn còn nhiều món ăn ngon khác trên bàn tiệc mà chúng ta chưa đụng tới” – ông Quốc nói.
Theo chia sẻ của vị Phó Tổng Giám đốc, mỗi tuyến metro có giá trị hợp đồng xây dựng lên đến trên 2 tỷ USD. “Thị trường để CTD tham gia rất rộng lớn. Tôi sẽ là người cùng với anh em thực hiện các hệ thống metro tại Việt Nam. CTD phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để không trở thành người ngoài cuộc trong mảng hạ tầng đô thị.
Tại sao chúng ta lại đứng ngoài cuộc trong các dự án lớn như vậy?” – ông Quốc đặt câu hỏi.
Hiện nay, CTD cũng làm việc với nhiều khách hàng là các tập đoàn lớn và bản thân khách hàng đã mở rộng kinh doanh đa lĩnh vực. Điều này đặt ra vấn đề đa dạng hóa cho CTD để có thể cung cấp dịch vụ, theo kịp sự phát triển của các khách hàng và đối tác.
Để triển khai đa dạng hóa, CTD sẽ thành lập các phòng ban mới (EPC, hạ tầng, phát triển kinh doanh); tìm kiếm các khách hàng FDI; thiết lập các mối quan hệ hợp tác chiến lược (tư vấn, nhà thầu, đầu tư); thực hiện M&A; hỗ trợ tài chính đồng hành cùng các chủ đầu tư trong các dự án; tự thân thực hiện đầu tư (PPP, BOT).
Kế hoạch của Coteccons trong năm 2021. Ảnh: TV
|
PHẦN THẢO LUẬN
Vật liệu xây dựng tăng giá ảnh hưởng thế nào đến tình hình kinh doanh của CTD?
Phó Tổng Giám đốc Michael Trần: Chắc chắn là có ảnh hưởng. Hiện tại, giá thép nội địa tăng rất cao, nhưng đây là khó khăn chung của cả ngành chứ không riêng CTD.
Đó cũng chưa phải là mối lo ngại lớn nhất với Công ty. CTD luôn có giá tốt và được giữ giá với những sản phẩm này.
Tại sao một số dự án mà CTD đang thực hiện lại bị chuyển sang cho những nhà thầu khác làm?
Chủ tịch Bolat Duisenov: Khách hàng luôn đúng là triết lý chúng tôi. Chúng tôi tôn trọng quyết định khách hàng. Nếu một vài khách hàng có lo ngại về năng lực của CTD, chúng tôi luôn cố gắng để thể hiện năng lực của mình.
Việc một số khách hàng chuyển sang nhà thầu khác chỉ là câu chuyện nhất thời trong thời gian qua. CTD luôn khẳng định chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Tại sao năm 2020 có trích lập dự phòng lớn? Năm 2021 tình trạng này có tiếp tục diễn ra không?
Kế toán trưởng Cao Thị Mai Lê: Năm 2020, CTD lập dự phòng lớn gấp nhiều lần năm trước bởi vì Công ty đang hướng tới sự minh bạch. Việc trích lập dự phòng chính là thể hiện sự minh bạch đó. Năm 2021, giữa đà phục hồi của nền kinh tế, CTD có thể vẫn thực hiện trích lập dự phòng nhưng không nhiều.
Kế hoạch doanh thu 2021 tăng 20% nhưng lợi nhuận chỉ tăng 2%. Tại sao như vậy?
Kế toán trưởng Cao Thị Mai Lê: CTD đang trải qua giai đoạn chuyển đổi tái cấu trúc và phải thực hiện đầu tư nhiều vào con người, công nghệ. Trong ngắn hạn, các khoản đầu tư này sẽ tác động đến lợi nhuận 2021 nhưng về lâu dài chúng sẽ tạo ra hiệu quả lớn và ngày càng cải thiện lợi nhuận tương lai.
Công ty vui lòng chia sẻ kết quả kinh doanh quý 1/2021 và giá trị hợp đồng ký mới đến thời điểm hiện tại?
Kế toán trưởng Cao Thị Mai Lê: Quý 1/2021, doanh thu hợp nhất ở mức 2,568 tỷ, tương đương 14.7% kế hoạch đề ra cả năm. Lợi nhuận sau thuế khoảng 54.5 tỷ đồng, tương đương 16% kế hoạch.
Phó Tổng Giám đốc Michael Trần: CTD đã ký được khoảng 10 hợp đồng gần đây (7 hợp đồng của CTD và 3 hợp đồng của Unicons) với tổng trị giá 2,500 tỷ đồng.
Tại sao kế hoạch phát hành trái phiếu tăng từ 500 tỷ đồng lên 1,000 tỷ đồng? Khoản tiền thu từ huy động trái phiếu sử dụng như thế nào?
Giám đốc đầu tư Trịnh Quỳnh Giao: Về kế hoạch phát hành trái phiếu, quá trình CTD mở rộng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Những công trình mà CTD dự kiến tham gia cần nhiều nguồn vốn đầu tư. Công ty dù có số dư tiền mặt lớn nhưng cũng cần chuẩn bị sẵn phương án nguồn vốn dài hạn trong tương lai.
Trong quá trình khảo sát, các đơn vị tư vấn đánh giá thị trường sẽ đón nhận trái phiếu CTD một cách tích cực. Do đó, Công ty đề xuất nâng hạn mức phát hành trái phiếu lên 1,000 tỷ đồng. Số lượng phát hành bao nhiêu sẽ còn tùy thuộc vào tình hình hoạt động và nhu cầu vốn trong tương lai của doanh nghiệp.
Đoàn Chủ tịch CTD trả lời các câu hỏi của cổ đông trong phiên thảo luận.
|
Gần đây báo chí đưa tin Ricons xây dựng Landmark 81? Tại sao CTD không lên tiếng?
Phó Tổng Giám đốc Michael Trần: Chủ đầu tư chỉ ký hợp đồng với CTD và đây là đóng góp của tập thể anh em trong Công ty. Việc một người thực hiện dự án chuyển sang làm việc tại đơn vị khác và nói là mình thực hiện dự án là không công bằng với doanh nghiệp.
CTD nói gì về tình trạng chảy máu nhân sự nổi lên trong thời gian trước?
Phó Tổng Giám đốc Phạm Quân Lực: CTD đang trong quá trình tái cơ cấu, những nhân sự không phù hợp có thể sẽ không ở lại. Đồng thời, giai đoạn tái cơ cấu cũng là thời điểm để thu hút nhân tài.
Nhân sự ra đi đương nhiên sẽ có ảnh hưởng nhưng CTD hiện đã kiện toàn bộ máy. Công ty hiện có 1,700 nhân viên, trong đó có 132 cán bộ quản lý có thể thực hiện cùng lúc 50-60 dự án và hoàn toàn đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án mà CTD phụ trách.
CTD dự kiến tiến đến năm 2025 với nhiều mảng kinh doanh khác nhau?
Phó Tổng Giám đốc Michael Trần: Thứ nhất, CTD chỉ tập trung vào mảng xây dựng và mảng hạ tầng sẽ tiếp tục nối gót kể từ năm 2022.
Ở nước ngoài, một công ty hoạt động phải có 3 chân để đỡ. Nếu CTD chúng ta cứ hoạt động xây dựng đơn thuần thì chỉ có 1 chân. Khi nền kinh tế bị ảnh hưởng thì chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng rất nặng nề.
Chúng tôi khẳng định không cạnh tranh với các chủ đầu tư mà tập trung vào mảng xây dựng dân dụng, tiếp tục mở ra mảng xây dựng EPC và xây dựng hạ tầng giao thông.
HĐQT đã làm gì để cải thiện hoạt động quản trị và đảm bảo tính minh bạch? Công ty có công bố công khai các giao dịch nội bộ đã diễn ra và những mâu thuẫn về lợi ích?
Chủ tịch Bolat Duisenov: Gần đây, chúng tôi nhận được lệnh phạt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vì phát hiện ra những vi phạm về giao dịch nội bộ không hợp lý. Chúng tôi sau đó đã đưa ra thông cáo báo chí.
Từ tháng 11/2020, chúng tôi đã đưa ra nhiều chính sách cải thiện hoạt động quản trị. Đồng thời, Công ty triển khai nhiều thông báo trong nội bộ, bao gồm các vị trí chủ chốt phải luôn đảm bảo minh bạch.
HĐQT xử lý thế nào với những giao dịch nội bộ thực hiện không hợp lệ trong quá khứ? Những tổn hại được xử lý và sửa chữa ra sao?
Chủ tịch Bolat Duisenov: Chúng tôi thừa nhận đã có những giao dịch nội bộ giữa các bên không phù hợp. Chúng tôi đang trong quá trình xem xét và khi có kết quả đánh giá của những ảnh hưởng thì sẽ thông báo đến cổ đông.
Những gì chúng tôi đang làm là nhằm bảo vệ quyền lợi Công ty, quyền lợi cổ đông. Đó là trách nhiệm của HĐQT và Ban Điều hành.
CTD có chiến lược giành hợp đồng trong tương lai như thế nào?
Phó Tổng Giám đốc Michael Trần: CTD không đi vào cuộc chiến về giá.
Chúng tôi tin rằng tất cả các chủ đầu tư đều hiểu rằng CTD là một thương hiệu giá trị. Bên cạnh đó, chúng tôi có con người và tài chính mạnh. Do đó, CTD lấy hợp đồng mới không cần phải cạnh tranh về giá. Chúng tôi dùng khả năng, mối quan hệ với chủ đầu tư để lấy hợp đồng.
Kế hoạch doanh thu 2021 tăng trưởng 20%
Năm 2021, Ban lãnh đạo CTD trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 17.4 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế 340 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 2% so với năm trước.
Kết quả kinh doanh của Coteccons giai đoạn 2017-2020
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Một nội dung đáng chú ý được Ban lãnh đạo trình ĐHĐCĐ là việc cập nhật và thay đổi ngành nghề Công ty. Theo đó, một số ngành nghề được bổ sung bao gồm xây dựng các công trình điện, công trình cấp thoát nước, công trình thủy, công trình chế biến chế tạo,…
Đây là bước đi hành lang của CTD cho định hướng lấn sân sang lĩnh vực xây lắp EPC tại các dự án công nghiệp, hạ tầng.
Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên, Coteccons đã điều chỉnh tờ trình về việc phát hành trái phiếu, cụ thể tăng tổng giá trị phát hành trái phiếu tối đa từ 500 tỷ đồng lên 1,000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản.
Lãnh đạo Coteccons cũng lên phương án phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ phát hành sẽ được tính toán dựa trên thành tích kinh doanh năm 2021. Các cổ phần ESOP được chào bán với giá 10,000 đồng/cp và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay, ông Tống Văn Nga, ông Trịnh Ngọc Hiến và bà Trịnh Quỳnh Giao được bầu vào HĐQT của CTD để thay thế cho hai nhân sự đã từ nhiệm (ông Nguyễn Bá Dương và ông Nguyễn Quốc Hiệp) cùng với đó là một vị trí tăng thêm cho nhiệm kỳ 2017-2022.
Kết quả bỏ phiếu bầu Thành viên HĐQT CTD. Ảnh: TV
|
Ngoài ra, cổ đông cũng miễn nhiệm (ông Luis Fernando Garcia Agraz) và bầu mới một vị trí trong Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022.
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Thừa Vân
FILI
|