Thứ Hai, 26/04/2021 11:06

Đằng sau xu hướng bỏ việc lương cao của người Mỹ

Tinh thần bỏ việc liều lĩnh lây lan sang cả những người vốn sợ rủi ro, chệch hướng khỏi nấc thang sự nghiệp.

xu hướng bỏ việc lương cao ở Mỹ ảnh 1

Sau một năm cắm mặt vào laptop, liên tục dự các cuộc họp trực tuyến, thế hệ Millennials Mỹ (sinh năm 1981-1996) cảm thấy kiệt sức và quyết định mạo hiểm tất cả, theo New York Times.

Tỷ lệ tiêm chủng tăng, thị trường việc làm dần phục hồi cùng tài khoản tiết kiệm dồi dào sau một năm ngồi nhà tiết kiệm đã khiến họ trở nên “liều lĩnh” hơn.

xu hướng bỏ việc lương cao ở Mỹ ảnh 2
Nhiều thanh niên Mỹ quyết định "dứt áo ra đi" vì cảm thấy kiệt sức với công việc. Ảnh: Monkey Business Images.

Nhiều người sẵn sàng từ bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp, hoặc chuyển sang công việc phụ nhẹ nhàng.

Một số khác thẳng thừng chế nhạo yêu cầu quay trở lại văn phòng làm việc của sếp, thậm chí đe dọa nghỉ việc trừ khi họ được phép làm việc bất cứ đâu, bất kể khi nào họ muốn.

Nếu phong trào này có một cái tên, nó sẽ được gọi là YOLO (tạm dịch: Bạn chỉ sống có một lần), theo New York Times.

Hiện YOLO trở thành thái độ của một bộ phận nhân viên văn phòng Mỹ uể oải, buồn chán trong những tháng gần đây.

Trên thực tế, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, hàng trăm triệu người Mỹ vẫn đang đau buồn trước sự ra đi của những người thân yêu và mất việc làm. Không phải ai cũng đủ khả năng để “dứt áo ra đi”, từ bỏ công việc giúp họ trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, đối với ngày càng nhiều người có tài chính và kỹ năng làm việc được săn đón, nỗi lo lắng trong năm qua của họ đang nhường chỗ cho một kiểu "liều lĩnh" chuyên nghiệp mới.

Thái độ sống liều lĩnh

Tháng 2, Brett Williams (33 tuổi), luật sư ở thành phố Orlando (bang California), đột nhiên muốn tận hưởng cuộc sống kiểu YOLO trong lúc làm việc trực tuyến.

xu hướng bỏ việc lương cao ở Mỹ ảnh 3
Làm việc liên tục trước màn hình máy tính nhiều giờ khiến không ít nhân viên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Ảnh: Simon Dawson/Reuters.

“Tôi chợt nhận ra mình ngồi ở bàn bếp để làm việc liên tục 10 tiếng/ngày và cảm thấy khổ sở, mệt mỏi vô cùng. Tôi nghĩ liệu mình còn gì để mất cơ chứ? Ai cũng có thể đột ngột qua đời vào ngày mai”, Brett chia sẻ.

Vì vậy, anh quyết định bỏ công việc với mức lương cao ngất ngưởng tại một hãng luật lớn, và gia nhập công ty luật nhỏ do người hàng xóm cạnh nhà điều hành. Anh cũng dành thời gian cho vợ và chó cưng nhiều hơn trước.

“Dù vẫn là luật sư thôi nhưng chưa bao giờ tôi thấy đi làm lại sảng khoái, vui vẻ đến vậy”, Brett nói với New York Times.

Olivia Messer (29 tuổi), cựu phóng viên của tờ The Daily Beast, cũng nghỉ việc vào tháng 2 sau khi nhận ra rằng một năm Covid-19 tang tóc, khủng hoảng khiến cô kiệt sức và chấn thương tâm lý.

“Tôi kiệt sức đến mức không còn biết thực hiện công việc của mình như thế nào”, cô chia sẻ.

Do đó, Olivia rời tòa soạn và chuyển từ quận Brooklyn (thành phố New York) đến thành phố biển Sarasota (bang Florida) để sống gần cha mẹ. Kể từ đó, cô theo đuổi nghề viết lách tự do cũng như các sở thích khác như vẽ tranh hoặc chèo thuyền kayak.

Cựu phóng viên hiểu rằng không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ nghề nghiệp như cô. Thế nhưng, sự thay đổi đột ngột này đã phần nào giúp cô phục hồi tinh thần.

xu hướng bỏ việc lương cao ở Mỹ ảnh 4
Một số người liều lĩnh đe dọa nghỉ việc trừ khi họ được phép làm việc bất cứ đâu, bất kể khi nào họ muốn. Ảnh: grinvalds/iStock.

Nếu “kém sinh khí” là cảm xúc chủ đạo, sống và làm việc kiểu YOLO có thể sẽ là xu hướng định hình lực lượng lao động của năm 2021.

Một cuộc khảo sát gần đây của Microsoft cho thấy hơn 40% người lao động trên toàn cầu đang cân nhắc rời bỏ công việc của họ trong năm nay.

Blind, một mạng xã hội ẩn danh phổ biến với dân công nghệ, phát hiện rằng 49% người dùng của họ đã lên kế hoạch tìm kiếm công việc mới.

“Tất cả chúng ta đã có một năm để đánh giá lại cuộc đời mình, xem xét liệu đây có phải cuộc sống mình muốn trải nghiệm hay không”, Christina Wallace, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh Harvard, chia sẻ với New York Times.

“Đặc biệt, đối với những người trẻ tuổi được khuyên nhủ rằng hãy làm việc chăm chỉ, kiếm tiền trả nợ rồi một ngày nào đó bạn sẽ được tận hưởng cuộc sống riêng, họ đang tự đặt ra câu hỏi cho bản thân: Nếu tôi muốn hạnh phúc ngay lúc nào thì sao?”, bà nói thêm.

Công ty lo giữ nhân viên

Lo sợ trước tình trạng nhân viên nghỉ việc hàng loạt, các ban lãnh đạo cố gắng nâng cao tinh thần người lao động và ngăn chặn tình trạng kiệt sức.

Chẳng hạn, LinkedIn cho phần lớn người lao động nghỉ một tuần có lương. Nhân viên Twitter được nghỉ thêm một ngày mỗi tháng để tái tạo năng lượng.

Credit Suisse tặng các nhân viên ngân hàng của mình khoản phụ cấp 20.000 USD, trong khi Houlihan Lokey, một công ty khác ở Phố Wall, cho nhiều nhân viên của mình đi nghỉ dưỡng miễn phí.

xu hướng bỏ việc lương cao ở Mỹ ảnh 5
Bỏ việc để chu du hậu đại dịch, làm điều mình thích trở thành xu hướng mới của thế hệ lao động Millennials Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Hành động tăng lương và thời gian nghỉ có thể thuyết phục một số người lao động bám trụ. Tuy nhiên, đối với nhiều người khác, giải pháp duy nhất là phải thay đổi lối sống triệt để.

Nate Moseley (29 tuổi), nhân viên tại một thương hiệu bán lẻ quần áo lớn, cho biết: “Tôi có cảm giác như thể mình bị bó buộc vào công việc suốt cả thập kỷ qua và đây là cơ hội để chúng ta thay đổi điều đó”.

Moseley quyết định từ bỏ công việc với mức lương 130.000 USD/năm trước ngày công ty bắt nhân viên trở lại văn phòng làm việc trực tiếp.

Anh cũng lập danh sách những điều cần làm sau khi nghỉ việc, bao gồm tham gia lớp học lập trình, đào tiền ảo Ethereum, tham gia chiến dịch tranh cử năm 2022, chuyển đến sống ở Caribbean và mở một doanh nghiệp du lịch.

“Nếu không phải lúc này thì khi nào tôi mới thực hiện được?”, Moseley đặt vấn đề.

Có thể những người theo đuổi lối sống YOLO sẽ trở lại công việc cũ sau khi tiêu hết số tiền tiết kiệm hoặc lập nghiệp thất bại. Tuy nhiên, tinh thần liều lĩnh vẫn lây lan sang cả những người vốn sợ rủi ro, chệch hướng khỏi nấc thang sự nghiệp.

Theo New York Times, một phần bởi hiện nay, ngày càng có nhiều người đủ khả năng chấp nhận rủi ro hơn bao giờ hết.

Các gói kích thích kinh tế, trợ cấp thất nghiệp và sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã cung cấp lại cho người lao động mạng lưới an toàn kinh tế lớn hơn.

Nhiều lĩnh vực đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, đồng nghĩa với việc người lao động ở ngành nghề đó có thể dễ dàng tìm việc nếu họ cần.

xu hướng bỏ việc lương cao ở Mỹ ảnh 6
Covid-19 làm xói mòn lòng tin của người Mỹ về công việc văn phòng. Ảnh: CIGNA.

“Trong vòng 18-48 tháng tới, người lao động có cơ hội đàm phán, thương lượng chưa từng thấy. Giả dụ, nếu cá nhân tôi không hài lòng với tình trạng làm việc hiện tại, tôi hoàn toàn có nhiều lựa chọn khác để cân nhắc”, Johnathan Nightingale, đồng sáng lập công ty đào tạo quản lý Raw Signal Group, chia sẻ.

Một số người ở độ tuổi đầu 30 cho biết Covid-19 đã phá hủy niềm tin của họ vào công việc cổ cồn trắng.

Họ chứng kiến những người bạn đồng niên có tư tưởng độc lập trở nên giàu có bằng cách tham gia các công ty khởi nghiệp hoặc đầu tư tiền điện tử.

Trong khi đó, sếp của những người này nhấn chìm họ trong các công việc nhàm chán và thường không hỗ trợ họ trong khoảng thời gian khó khăn vừa qua.

“Năm 2020 đã phản ánh liệu các công ty có trân trọng lực lượng lao động của họ không. Thật khó khăn để tiếp tục cống hiến cho những doanh nghiệp hoạt động như bình thường mà không đếm xỉa đến cuộc sống thường ngày của chúng ta đã bị xáo trộn thế nào”, Latesha Byrd, một huấn luyện viên nghề nghiệp ở Charlotte (bang North Carolina), nói.

Đương nhiên không phải nhân viên kiệt sức nào cũng đòi nghỉ việc. Nhiều người chỉ cần một kỳ nghỉ dài ngày hoặc thời gian làm việc linh hoạt hơn.

Một số khác cảm thấy việc trở lại văn phòng để làm việc trực tiếp sẽ giúp họ khôi phục trạng thái cân bằng trong cuộc sống.

Hồng Chang

ZING

Các tin tức khác

>   Hàng triệu dân Hà Nội đang dùng dịch vụ công trực tuyến 'lậu'? (26/04/2021)

>   Chủ động ứng phó với tình huống dịch COVID-19 xâm nhập (25/04/2021)

>   Hàng loạt nước đối mặt làn sóng Covid-19 mới (25/04/2021)

>   Từ 115 triệu USD, penthouse của tỷ phú Mỹ giảm giá còn 29,5 triệu USD (24/04/2021)

>   Thêm 5 máy soi chiếu giải tỏa ùn tắc Tân Sơn Nhất (24/04/2021)

>   Ngành làm đẹp Nhật Bản ăn nên làm ra trong đại dịch nhờ... nam giới! (23/04/2021)

>   Dịch vụ 5 sao chỉ dành cho bệnh nhân Covid-19 giàu có ở Thái Lan (22/04/2021)

>   Vụ kiện Sabeco đòi bồi thường triệu USD: Kết luận giám định nói gì về chai bia bị lỗi ? (21/04/2021)

>   Chuỗi sự kiện lễ hội và pháo hoa dự kiến hút hàng vạn lượt khách tại Hạ Long dịp 30/04 (21/04/2021)

>   Sáu cách tạo hạnh phúc cho nhân viên (20/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật