Thứ Hai, 26/04/2021 08:26

Hàng triệu dân Hà Nội đang dùng dịch vụ công trực tuyến 'lậu'?

Chuyện thật như đùa, hàng triệu người dân Hà Nội ngày ngày vẫn giao dịch một loạt các dịch vụ công trực tuyến (khai sinh, khai tử, hồ sơ y tế...), với rất nhiều thông tin vô cùng quan trọng, trên một phiên bản chưa được cấp phép.

Hàng triệu dân Hà Nội đang dùng dịch vụ công trực tuyến 'lậu' ?
Vụ án Nhật Cường buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền để lại di chứng dịch vụ công trực tuyến với Nhật Cường Software. Ảnh: Trần Cường

Trong khi đó, dịch vụ công Hà Nội vẫn đối mặt tình trạng liên tục bị đòi nợ, đe dọa cắt dịch vụ; nguy cơ mất an toàn kết nối và lộ lọt thông tin cá nhân... đã kéo dài 3 năm chưa có hướng giải quyết.

“Di chứng Nhật Cường”

Từ năm 2016, người dân và chính quyền các cấp tại Hà Nội đã bắt đầu làm quen với hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ dichvucong.hanoi.gov.vn, được phát triển bởi Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) - đơn vị thành viên của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường do ông Bùi Quang Huy làm tổng giám đốc (Bùi Quang Huy hiện đang bị truy nã tội trốn thuế, rửa tiền...). Hệ thống này bao gồm gần 2.000 dịch vụ công như khai sinh, khai tử, kết hôn... và đặc biệt là các thông tin dữ liệu quan trọng về y tế, giáo dục, sức khỏe. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện thêm một “phiên bản” khác tại địa chỉ hanoi.vnptigate.vn, cũng được giới thiệu là cổng dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội.

Tại sao lại có 2 phiên bản? Ai đứng ra triển khai, người dân Hà Nội dùng hệ thống nào?

Theo tìm hiểu của PV, cuối năm 2016, Sở TT-TT Hà Nội và Nhật Cường ký kết Hợp đồng số 68, trong đó Nhật Cường cung cấp phần mềm tích hợp 7 dịch vụ công, phần mềm quản lý giáo dục và tuyển sinh đầu cấp. Trong Văn bản số 19/2018/CV-NCSW ngày 5.8.2019 gửi UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan, được ký bởi bà Nguyễn Việt Anh (vợ ông Bùi Quang Huy) và bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Nhật Cường Software, sau khi hoàn thành Hợp đồng 68, Nhật Cường tiếp tục thử nghiệm (dù không có văn bản pháp lý nào thể hiện cho phép thử nghiệm) phần mềm dịch vụ công trực tuyến cho Hà Nội. Các phần mềm này đều do Nhật Cường đầu tư, gồm: phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe, phần mềm quản lý tầm soát ung thư trực tràng; phiên bản nâng cấp phần mềm giáo dục gồm phiên bản web của phần mềm quản lý học sinh Pino; phần mềm một cửa điện tử dùng chung và cổng dịch vụ công trực tuyến cùng 1.200 dịch vụ công mức độ 3 và 4.

Trong Báo cáo số 05/BC-THBC ngày 3.3.2021, do Giám đốc Trung tâm tin học và công báo thuộc Văn phòng UBND TP.Hà Nội Hoàng Văn Bằng ký, thì phần mềm dịch vụ công trực tuyến có 2 giai đoạn, bao gồm giai đoạn thực hiện Hợp đồng 68 và giai đoạn thử nghiệm sau đó. Từ ngày 26.10.2018, Trung tâm tin học và công báo tiếp nhận quản lý, vận hành dịch vụ công trực tuyến từ Sở TT-TT Hà Nội, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tại Công văn số 5194/UBND-KGVX. Theo văn bản này thì hệ thống Dịch vụ công trực tuyến TP.Hà Nội đang phục vụ các cơ quan, đơn vị trong thành phố khai thác, sử dụng hiện nay là phiên bản đang duy trì, triển khai thử nghiệm từ tháng 10.2018 (trong giai đoạn từ 1.1.2017 - 16.10.2018, Nhật Cường đã phát triển và triển khai thực tế hệ thống này nhưng được cho là do Sở TT-TT Hà Nội quản lý).

Ngoài ra, trung tâm của ông Bằng chưa tiếp nhận bàn giao bất kỳ tài liệu, hồ sơ pháp lý nào khác liên quan hệ thống Dịch vụ công trực tuyến TP.Hà Nội. Điều đó cho thấy, phần mềm dịch vụ công đang được sử dụng hiện nay là sản phẩm được tự phát triển bởi Nhật Cường và chưa có văn bản pháp lý nào cho phép được sử dụng (ngoại trừ phần 7 dịch vụ công và phần mềm giáo dục có trong Hợp đồng 68).

Sau khi Tổng giám đốc Bùi Quang Huy bị truy nã trong đại án Nhật Cường, đến nay hệ thống này vẫn do Nhật Cường kiểm soát toàn bộ hay một phần hay đang được vận hành bởi Văn phòng UBND TP.Hà Nội thực sự đang là mối lo ngại vô cùng lớn của hàng triệu người dân thủ đô. Trong khi đó, đang có tín hiệu cho thấy VNPT và Viettel đã vào cuộc để “viết” lại. Cổng hanoi.vnptigate.vn chính là của VNPT xây dựng. Đại diện UBND TP.Hà Nội cho biết chưa có văn bản nào cho phép VNPT thử nghiệm. Còn theo nguồn tin của PV Thanh Niên từ VNPT, hệ thống này đang được VNPT xây dựng thử nghiệm để khi Hà Nội mời thầu cung cấp sẽ sẵn sàng tham gia.

Mới đây, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cũng đã đồng ý cho Công ty TNHH Viettel - CHT được thử nghiệm phần mềm dịch vụ công do Viettel phát triển chạy trên nền tảng hạ tầng hiện có để kế thừa toàn bộ dữ liệu của hệ thống cũ. Thời gian Viettel - CHT chạy thử nghiệm từ 3 - 4 tháng, sau đó sẽ đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Hà Nội hiện có 1 cổng dichvucong.hanoi.gov.vn đã triển khai (phần lớn dịch vụ không được cấp phép), 1 cổng do VNPT tự thử nghiệm, Viettel thì được cho phép thử nghiệm nhằm chuẩn bị khi có đấu thầu. Câu hỏi đặt ra là thời gian tới, nếu hệ thống dichvucong.hanoi.gov.vn bị khai tử, ai chịu trách nhiệm về sự lãng phí khi Hà Nội đã phải dùng ngân sách trả cho Hợp đồng 68 ký với Nhật Cường? Toàn bộ dữ liệu mà Nhật Cường đã thu thập, quản lý, an toàn thông tin của người dân, doanh nghiệp và nhà nước sẽ ra sao?

Hà Nội đang tồn tại cùng lúc 2 cổng dịch vụ công trực tuyến

Nhiều câu hỏi cần được làm rõ

Ngoài Nhật Cường, để phát triển dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội còn thuê hạ tầng trung tâm dữ liệu chính của Viettel - CHT; thuê hạ tầng truyền dẫn của FPTVNPT. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, việc dùng ngân sách để chi cho các công việc này rất thiếu minh bạch, dư luận bức xúc, doanh nghiệp dọa cắt dịch vụ, liên tiếp gửi văn bản “đòi nợ”.

Với Nhật Cường, rắc rối tài chính ngay từ thời điểm trước Hợp đồng 68 được ký kết, khi khoản phân bổ vốn cho hợp đồng này đã được thể hiện rõ trong Quyết định 3580/QĐ-UBND ngày 29.6.2016 về việc phân bổ kinh phí Chương trình Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội năm 2016 (đợt 2), do Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý ký, dựa trên tờ trình liên sở TT-TT và Tài chính số 1095, ngày 28.6.2016, do Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải và Giám đốc Sở TT-TT Phan Lan Tú ký. Theo đó, TP.Hà Nội phân bổ vốn cho Nhật Cường để thực hiện việc thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, khai thác dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành, phục vụ công dân, doanh nghiệp. Số tiền được ghi trong quyết định là hơn 21 tỉ đồng.

Như vậy có thể nhận thấy chưa có hồ sơ thầu nhưng Hà Nội đã ghi vốn cho Nhật Cường, thay vì phải thực hiện qua các bước của luật Đấu thầu và luật Ngân sách. Rắc rối tiếp tục phát sinh khi văn bản mà Nhật Cường Software gửi UBND TP.Hà Nội khẳng định doanh nghiệp này phải bỏ ra một khoản đầu tư lớn cho Hà Nội và không thu lại được. Trong khi đó, Bộ Công an khởi tố Nhật Cường với nhiều tội danh, bao gồm tội danh “rửa tiền”. Nếu khoản đầu tư của Nhật Cường được cơ quan điều tra xác định từ rửa tiền, thì sẽ xử lý như thế nào?

Về phía Viettel - CHT, doanh nghiệp này nhiều lần gửi văn bản đòi nợ Hà Nội. Sau nhiều lần bị “dọa” cắt dịch vụ, ngày 3.7.2020, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký Văn bản số 2864/UBND-KGVX gửi Bộ Quốc phòng và Viettel “xin khất nợ”, đồng thời đề nghị Viettel - CHT tiếp tục cung cấp dịch vụ, Hà Nội hứa sẽ khẩn trương hoàn thành các thủ tục, tổ chức đấu thầu theo quy định việc thuê dịch vụ trọn gói Trung tâm dữ liệu chính của TP, thực hiện các thủ tục thanh toán công nợ với Viettel - CHT.

Tại Văn bản số 1217 ký ngày 28.4.2020, số nợ mà Viettel - CHT “đòi” Hà Nội cho đến ngày 31.12.2019 là 168 tỉ đồng (chưa tính từ 1.1.2020 tới nay). Trong văn bản này, Viettel - CHT cũng nhắc tới việc họ phải trả lãi 839 triệu đồng/tháng cho các khoản đầu tư để phục vụ hệ thống này của Hà Nội. Gần đây nhất, ngày 16.2.2021, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn cũng đã ký Văn bản số 709/BQP-KTE yêu cầu Hà Nội trả tiền cho Viettel - CHT.

Hà Nội đã sử dụng ngân sách như thế nào trong việc phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ hành chính công, cần phải được kiểm toán, thanh tra làm rõ để có câu trả lời cho người dân thủ đô. Hiện TP.Hà Nội vẫn đang loay hoay xác định lại tính pháp lý của phần mềm dịch vụ công trực tuyến và đối mặt với lo ngại về an toàn hệ thống, dữ liệu người dân; còn các doanh nghiệp như Viettel - CHT thì vẫn ngày ngày đi “đòi nợ”. Nếu các doanh nghiệp này không thể chịu được các khoản thua thiệt mà họ đang gánh chịu cho Hà Nội, dẫn đến việc ngừng phục vụ, thì hệ quả sẽ như thế nào?

Với cách làm như thế, Hà Nội bao giờ sẽ tiến đến giai đoạn chính quyền số và người dân có thể yên tâm? Tại sao một việc “tày trời” như vậy mà sau bao năm vẫn không được giải quyết rốt ráo?

Thanh Niên

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Chủ động ứng phó với tình huống dịch COVID-19 xâm nhập (25/04/2021)

>   Hàng loạt nước đối mặt làn sóng Covid-19 mới (25/04/2021)

>   Từ 115 triệu USD, penthouse của tỷ phú Mỹ giảm giá còn 29,5 triệu USD (24/04/2021)

>   Thêm 5 máy soi chiếu giải tỏa ùn tắc Tân Sơn Nhất (24/04/2021)

>   Ngành làm đẹp Nhật Bản ăn nên làm ra trong đại dịch nhờ... nam giới! (23/04/2021)

>   Dịch vụ 5 sao chỉ dành cho bệnh nhân Covid-19 giàu có ở Thái Lan (22/04/2021)

>   Vụ kiện Sabeco đòi bồi thường triệu USD: Kết luận giám định nói gì về chai bia bị lỗi ? (21/04/2021)

>   Chuỗi sự kiện lễ hội và pháo hoa dự kiến hút hàng vạn lượt khách tại Hạ Long dịp 30/04 (21/04/2021)

>   Sáu cách tạo hạnh phúc cho nhân viên (20/04/2021)

>   Ách tắc ở sân bay: ACV đảm bảo khách không trễ chuyến vì kiểm tra an ninh (20/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật