Vốn lưu động là rào cản lớn nhất để doanh nghiệp phục hồi sau Covid?
Cách tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như rào cản tiếp cận chính sách là những vấn đề đáng chú ý tại Lễ công bố báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI và World Bank (WB) tổ chức sáng ngày 12/03/2021.
Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, tín dụng, bảo hiểm,… nhưng việc thực thi có phần hạn chế, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được, đặc biệt là gói tín dụng doanh nghiệp rất cần nhưng lại tiếp cận được rất ít.
Ông Thời dẫn chứng trong năm 2019, ngành dệt may đạt trên 39 tỷ USD xuất khẩu, nhưng năm 2020 giảm xuống không đến 36 tỷ USD, tương đương giảm gần 15%. Đó là một trong những thiệt hại rất lớn, nên một số doanh nghiệp phải tạm dừng và lượng lớn lao động mất việc.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành du lịch đang rất thiếu vốn. Mong các gói hỗ trợ tín dụng mở rộng cho các doanh nghiệp vay tín chấp, hạn chế rào cản tiếp cận dòng vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề về vốn lưu động thì các doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh.
Các gói hỗ trợ về thuế cũng đang rất tốt, mong Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các loại thuế về thu nhập doanh nghiệp, đất, phí, đặc biệt là phí từ các ngân hàng.
Gói hỗ trợ về bảo hiểm có thể hỗ trợ nhiều hơn, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. Nếu hỗ trợ tạm giãn, hoãn bảo hiểm cũng có thể hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
Ông Shaun W.Tan – Chuyên gia Kinh tế Cấp cao, Ngân hàng Thế giới Việt Nam cho biết qua các nghiên cứu của WB, doanh nghiệp của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nhiều từ Covid-19 và bắt đầu khôi phục từ tháng 10/2020, tuy nhiên, sự phục hồi này không đồng đều giữa các doanh nghiệp và ngành.
Các doanh nghiệp cho thấy phục hồi nhanh chóng là doanh nghiệp lớn, nhất là ngành bán lẻ. Báo cáo hồi tháng 6/2020 cho thấy có 47% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán và tỷ lệ này giảm xuống còn 36% trong báo cáo tháng 10/2020 và còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn.
Nhiều doanh nghiệp chuyển sang hoạt động trên nền tảng công nghệ số, theo báo cáo tỷ lệ này là 12%, chủ yếu là doanh nghiệp lớn, không phải doanh nghiệp vừa và nhỏ….
Mức độ tiếp cận chính sách hỗ trợ
|
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Cty Economica Việt Nam cho biết nhiều hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ đưa ra cần được thiết kế phù hợp hơn với cơ chế điều hành hoạt động của thị trường. Những chính sách không phù hợp với quy luật của thị trường đã không phát huy được hiệu quả. Ví dụ như chính sách cho vay để trả lương cho người lao động…
Báo cáo cũng chỉ ra các giải pháp gia hạn thuế như giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT… là giải pháp dễ tiếp cận nhất. Trong khi các chính sách về tín dụng như vay lãi suất 0% để trả lương, giảm thời gian khoản vay, giảm lãi suất... là khó tiếp cận nhất.
Về mức độ dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo quy mô doanh nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa hoặc lớn thuận lợi hơn trong tiếp cận thông tin về các chính sách hỗ trợ, trong khi doanh nghiệp FDI lại ngược lại.
Khi phân chia theo lĩnh vực ngành nghề, mức độ thuận lợi trong tiếp cận chính sách hỗ trợ trong các ngành như sản xuất thiết bị điện, may mặc và sản xuất cao su, nhựa là những ngành có tỷ lệ dễ tiếp cận chính sách hơn ở khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Với khu vực FDI, doanh nghiệp trong các ngành nông nghiệp, thủy sản, bất động sản và bán buôn, bán lẻ tiếp cận chính sách hỗ trợ tốt hơn.
Mức độ dễ dàng trong tiếp cận chính sách hỗ trợ
|
Hàn Đông
FILI
|