Thiếu vật liệu xây dựng, cao tốc Bắc-Nam bị 'ngáng' tiến độ
Trong khi Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương thi công 6 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam phía đông đồng loạt trong những tháng cuối năm 2020 vừa qua thì đến thời điểm hiện nay, các nhà thầu đang phải thi công cầm chừng vì thiếu vật liệu đất đắp, nếu có thì cũng phải mua của các chủ mỏ với giá “trên trời”.
Công trường dự án Mai Sơn-QL45. Ảnh: VGP/Trang Trang
|
Đồng loạt thiếu vật liệu
Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), có đến 6/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam (Mai Sơn-QL45, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) đang trong tình trạng tổng trữ lượng các mỏ vật liệu đất đắp đang khai thác nhỏ hơn nhu cầu sử dụng của dự án.
Cụ thể, Mai Sơn-QL45 còn thiếu 1 triệu m3; Nghi Sơn-Diễn Châu thiếu 0,61 triệu m3; Diễn Châu-Bãi Vọt thiếu 4,1 triệu m3; Nha Trang-Cam Lâm thiếu 2.5 triệu m3; Vĩnh Hảo-Phan Thiết còn thiếu 5.5 triệu m3; Phan Thiết-Dầu Giây thiếu 4.9 triệu m3.
Dự án Mai Sơn-QL45 đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình có 1 mỏ (trữ lượng 4.8 triệu m3); dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết 6 mỏ (tổng trữ lượng khoảng 4.17 triệu m3), dự án Phan Thiết-Dầu Giây 6 mỏ (tổng trữ lượng khoảng 6 triệu m3) đã có trong quy hoạch, tuy nhiên chưa được địa phương cấp phép khai thác.
“Trường hợp các địa phương (Ninh Bình, Bình Thuận, Đồng Nai) không kịp thời cấp phép khai thác cho các mỏ vật liệu này dẫn đến các dự án trên có nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu đắp”, báo cáo nêu rõ.
Đại diện Ban Điều hành gói thầu XL-03 cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây cho biết, gói thầu cần 3,2 triệu m3 đất đắp, trong khi lượng đất đắp tận dụng được chỉ khoảng 1.2 triệu m3. Nếu đến tháng 4/2021 không có nguồn bù vào, việc thi công sẽ phải dừng lại.
Tương tự, tại dự án Cam Lộ-La Sơn, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) cho biết, chỉ riêng đoạn đi qua địa bàn Thừa Thiên-Huế cần đến 2.2 triệu m3 đất đắp, nhưng các mỏ vật liệu trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 50%, còn thiếu 1 triệu m3. Còn lại, đoạn qua tỉnh Quảng Trị thiếu khoảng 100,000 m3 đất đắp cho gói thầu XL-02.
Không chỉ đất đắp, ngay cả cát phục vụ thi công cao tốc cũng đang bị các chủ mỏ đẩy giá.
Đại diện một nhà thầu thi công cao tốc Cam Lộ-La Sơn cho biết, giá cát được tính trong dự toán khoảng 170,000-190,000 đồng/m3, nhưng bây giờ nhà thầu đang phải mua tại bãi là 270.000 đồng/m3, chưa kể phí vận chuyển. Thậm chí dù mua với giá cao nhưng lượng cát mua được cũng khan hiếm.
Theo quy định, trước khi các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam tổ chức đấu thầu xây lắp đều được khảo sát kỹ lưỡng, trong đó có việc khảo sát, xác định các mỏ vật liệu phục vụ thi công. Các đơn vị tư vấn sẽ đi thu thập số liệu để xác định số lượng mỏ (cả mỏ đang khai thác và mỏ có trong quy hoạch nhưng chưa khai thác), trữ lượng mỏ có thể cung cấp nguồn đất đắp cho dự án trên cơ sở pháp lý là quy hoạch mỏ của chính quyền địa phương.
Sau đó, tư vấn sẽ tiến hành lấy mẫu để xác định chất lượng, khả năng vận chuyển, rồi tổng hợp để đưa vào hồ sơ các mỏ đất, sau đó xin ý kiến thống nhất của chính quyền địa phương.
Về giá đất đắp, đối với các mỏ đang khai thác, tư vấn sẽ lấy theo giá thực tế của chủ mỏ đang bán ra, cộng thêm chi phí quãng đường vận chuyển. Tương tự, đối với các mỏ đất nằm trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép khai thác, giá đất được lấy theo công bố giá của địa phương, đây là cơ sở pháp lý để đưa vào dự toán các gói thầu. Nguyên tắc khi xây dựng dự toán giá đất đắp là đất phải được lấy ở mỏ gần nhất và bảo đảm kinh tế nhất.
“TEDI đã tính toán đủ nguồn vật liệu đất đắp thi công ở tất cả các dự án. Tuy nhiên, đối với các mỏ đã nằm trong quy hoạch nhưng chưa khai thác, việc cấp phép khai thác thế nào, bao giờ cấp phép là trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn không thể nắm được”, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết.
Đại diện TEDI dẫn chứng tại dự án cao tốc Mai Sơn-QL45, TEDI đã khảo sát khu vực xung quanh dự án, có tới 16 mỏ đất có thể cung cấp cho dự án và đã được chính quyền hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa có văn bản thỏa thuận, thống nhất.
Trữ lượng khai thác của 16 mỏ này khoảng 15 triệu m3, trong khi nhu cầu đất đắp của dự án cao tốc Mai Sơn-QL45 chỉ khoảng 7 triệu m3. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm vật liệu, giá đất đắp bị “đội cao” vẫn đang xảy ra tại dự án này.
Thiếu vật liệu xây dựng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc-Nam. Ảnh: VGP/Trang Trang
|
Cần sự phối hợp của địa phương
Trước nhu cầu vật liệu cấp thiết cho các dự án kịp thi công, tận dụng thời tiết thuận lợi, ngày 11/3, Bộ GTVT đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề mỏ vật liệu cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn-QL45.
Văn bản nêu rõ, trong hồ sơ khảo sát bước thiết kế kỹ thuật của dự án mỏ vật liệu Đồi Ao đã được cấp phép thăm dò khoáng sản, tuy nhiên hiện tại không nằm trong quy hoạch các mỏ vật liệu điều chỉnh của địa phương. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, báo cáo HĐND tỉnh xem xét bổ sung vào quy hoạch (nếu đủ điều kiện) làm cơ sở triển khai các thủ tục cấp phép đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu vật liệu đắp cho dự án.
Cũng trong ngày 11/3, Bộ GTVT có văn bản hoả tốc gửi UBND tỉnh Quảng Trị tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cho dự án đoạn Cam Lộ-La Sơn để hoàn thành dự án trong năm 2021 theo kế hoạch.
Bộ GTVT nêu rõ đoạn Km 20+480 - Km 21+680 thuộc xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị nhu cầu về vật liệu đất đắp nền còn thiếu khoảng 100.000 m3. Tuy nhiên ngày 17/2/2020, UBND tỉnh Quảng trị có văn bản số 514/UBND-TN về việc dừng thực hiện cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp công trình, dẫn đến làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng trị chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện để dự án triển khai, đặc biệt là về việc khai thác một số nguồn vật liệu đất đắp cho các gói thầu đang thi công hiện nay thuộc dự án qua địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan của UBND tỉnh Quảng Trị trong quá trình triển khai; kiểm tra, rà soát nguồn vật liệu đất đắp sử dụng cho Dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
Trong khi chờ các địa phương phối hợp xử lý, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các Ban QLDA và Tư vấn khảo sát các khu vực lân cận tuyến để tìm kiếm phát hiện các mỏ có khả năng khai thác, thực hiện các thủ tục để đủ điều kiện khai thác vật liệu đất đắp bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu cho dự án.
Đồng thời, lập phương án điều phối đất để tận dụng ngay vật liệu đủ tiêu chuẩn đắp nền từ các vị trí đào trên tuyến điều phối sang để đắp các đoạn nền đắp, ưu tiên các đoạn phải xử lý nền đất yếu để kịp tiến độ gia tải.
Nghiên cứu tận dụng đối với vật liệu đào đổ thải theo hướng có thể nghiền và phối trộn để đạt tiêu chuẩn đắp nền: Thử nghiệm sản xuất vật liệu đắp, thí nghiệm và thi công thử; so sánh về kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở đề xuất thay đổi vật liệu để tận dụng tối đa khối lượng đào phải đổ thải nhằm tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, giải quyết khó khăn vật liệu đắp nền.
Nhật Quang
FILI
|