PBoC: Tăng trưởng GDP tiềm năng của Trung Quốc ở mức dưới 6%
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ước tính mức tăng trưởng tối đa mà nền kinh tế có thể đạt được mà không gây ra lạm phát – còn được gọi là tăng trưởng tiềm năng – ở mức dưới 6% trong 5 năm kế tiếp.
Trong nghiên cứu công bố vào ngày 25/03, bộ phận thống kê của PBoC cho biết tiềm năng tăng trưởng được dự báo ở mức 5-5.7% trong giai đoạn 2021-2025.
Theo lý thuyết, sản lượng tiềm năng đo lường mức tăng trưởng tối đa của GDP mà không gây ra lạm phát. Mục tiêu của chính sách tiền tệ nên là thúc đẩy sản lượng thực tế đạt mức tiềm năng và sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ nên ăn khớp với tăng trưởng GDP tiềm năng, theo nghiên cứu này.
Năm 2021, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng “trên 6%”, trong khi các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng hơn 8%, một phần là do cơ sở thấp hồi đại dịch năm 2020.
Nghiên cứu của PBoC chỉ ra rằng các chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ truyền thống và có quy mô lớn không thể nâng tăng trưởng GDP thực (real GDP growth) vượt mức tiềm năng. Những gói kích thích này sẽ chỉ dẫn tới lạm phát và sự tăng trưởng nhanh chóng của tỷ lệ nợ, từ đó gây ra rủi ro lan truyền trong nền kinh tế, trích từ nghiên cứu.
NHTW Trung Quốc đang trong quá trình rút lại gói kích thích đã bơm ra nền kinh tế trong năm 2020, do lo ngại về núi nợ ngày càng tăng và rủi ro bong bóng tài sản.
Tại cuộc họp hàng quý diễn ra vào tuần này, Ủy ban chính sách tiền tệ của PBoC lặp lại lập trường giữ chính sách linh hoạt và hợp lý. Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Ủy ban đã loại bỏ cụm từ để ám chỉ “PBoC không thay đổi chính sách đột ngột”. Điều này cho thấy các nhà quyết sách sẽ có khả năng thay đổi chính sách nếu cần thiết.
Chen Xi, Chuyên viên phân tích trái phiếu tại Pacific Securities, viết trong một báo cáo rằng sự thay đổi trong tuyên bố của Ủy ban chính sách tiền tệ có nghĩa PBoC sẽ linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh chính sách tùy theo điều kiện kinh tế tại thời điểm đó.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|