Tắc nghẽn kênh đào Suez gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu
Thậm chí sự gián đoạn ngắn ngủi cũng tác động nặng nề đến giao thương dầu khí, quần áo và thiết bị điện tử trên toàn cầu
Sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez (vì một con tàu container khổng lồ bị mắc cạn) có khả năng làm trì hoãn và gia tăng chi phí cho ngành logistics vốn đang chịu áp lực khổng lồ, các giám đốc trong ngành cho biết. Điều này đang làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trên thế giới.
Giá dầu tăng vọt và cổ phiếu vận tải biển lao dốc trong ngày 24/03 khi các cơ quan chức trách Ai Cập tìm cách giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở một trong những huyết mạch vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Các chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng ngay cả một sự gián đoạn ngắn ngủi cũng có thể gây ra tác động vô cùng lớn.
Sự gián đoạn trên kênh đào Suez (dài 120 dặm) – kết nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải – diễn ra khi kênh cung ứng toàn cầu đang vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu hụt chip máy tính toàn cầu và điều kiện thời tiết bất lợi.
Kênh đào Suez là kênh giao thương then chốt với những tàu chở dầu và khí thiên nhiên, cùng với những con tàu chở container hàng sản xuất như quần áo, thiết bị điện tử và máy móc hạng nặng từ châu Á tới châu Âu và ngược lại. Khoảng 19,000 chiếc tàu đi qua kênh Suez trong năm 2020, theo Cơ quan quản lý Kênh đào Suez.
Kênh đào này là một vị trí án ngữ quan trọng với ngành năng lượng, trong đó khoảng 10% giá trị thương mại dầu bằng đường biển trên thế giới đi qua kênh này và các kênh liên quan, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Trong ngày 24/03, hàng tá tàu chở dầu và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) bị kẹt đường, theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler.
Các trader cho biết ít nhất 6 kiện hàng khí LNG từ Mỹ, Qatar và Ai Cập với đích đến là châu Âu và châu Á đã bị kẹt. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng vụ tắc nghẽn sẽ không thành vấn đề nếu được giải quyết nhanh chóng.
“Nếu được giải quyết ngay ngày hôm nay, đây sẽ không phải là vấn đề lớn. Còn nếu kéo dài vài ngày, tình hình sẽ khác”, một trader dầu cho biết.
Giá dầu quốc tế đã tăng 6% do lo ngại về việc vận chuyển. Trong khi đó, cổ phiếu của một số công ty vận tải biển lớn đồng loạt lao dốc, trong đó Mitsui O.S.K. Lines sụt 4.6% và Nippon Yusen K.K. lao dốc 5.1% vì dự báo tình trạng tắc nghẽn có thể dẫn tới trì hoãn vận chuyển hàng và chi phí cao hơn.
Khoảng 30 con tàu chở container từ châu Á đến châu Âu đi qua kênh đào này mỗi tuần, vận chuyển khoảng 380,000 container, Lars Jensen, Tổng Giám đốc tại SeaIntelligence Consulting ở Đan Mạch, cho biết.
“Nếu giả định những con tàu đó chở đầy hàng, thì tức là 55,000 container hàng hóa từ châu Á đến châu Âu mỗi ngày. Với dự tính mất 2 ngày để giải quyết tắc nghẽn, 110,000 container sẽ bị ảnh hưởng”, ông Jensen cho biết. “Điều này làm gia tăng rủi ro gây tắc nghẽn tại các bến cảng châu Âu vào tuần tới”.
Clarksons Platou Securities cho biết nếu tàu bị kẹt nhiều ngày, giá cước vận tải biển với các tàu lớn sẽ tăng. Cước phí từ châu Á đến châu Âu và khắp Thái Bình Dương đã dao động ở mức kỷ lục trong 4 tháng qua, giữa lúc bùng nổ nhu cầu từ các ông lớn thương mại điện tử như Amazon.com và Target.
“Dù rằng vấn đề này có lẽ chỉ gây ra hiệu ứng ngắn ngủi, nhưng chúng cho thấy ngành vận tải container đang cạn dần công suất, cùng với đó là hiện tượng tắc nghẽn ở các bến cảng trên khắp thế giới”, Clarksons Platou Securities cho biết.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|