Gần đây, thông tin về việc nhà đầu tư ngoại đã không ngừng bán ròng với tổng giá trị hơn 9.900 tỉ đồng trong gần 1 tháng (19/2 đến 15/3/2021) khiến không ít nhà đầu tư trong nước không khỏi lo lắng. Liệu hiện tượng khối ngoại bán ròng liên tục có bất thường và đáng lo?
Đầu tư trên thị trường chứng khoán chỉ là một phần của bức tranh đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) hay còn gọi là đầu tư nước ngoài theo danh mục. Chính vì vậy, muốn xem xét đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường thì cũng cần phải xem xét đến sự luân chuyển dòng vốn của các quỹ đầu tư (fund flows).
QUỸ ĐẦU TƯ NGOẠI VÀ HAI TÍN HIỆU QUAN TRỌNG
Khi các quỹ đầu tư ngoại thay đổi danh mục hay hướng luân chuyển, thì tín hiệu gửi đến thị trường khá quan trọng. Là nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp và có mức độ ảnh hưởng lớn đến thị trường, nên thông điệp của các quỹ ngoại cũng sẽ là khác nhau. Do đó khi đánh giá mục tiêu cũng như mức độ bán ròng của vốn ngoại, nên xem xét 2 yếu tố cơ bản.
Thứ nhất, quỹ nào đang bán ròng? Trên thực tế, dòng vốn vào hay ra không chỉ có từ các quỹ ETF, mà còn từ các quỹ khác như quỹ bất động sản, quỹ doanh nghiệp chưa niêm yết (private equity), quỹ tài trợ dự án, quỹ cho vay... Các nguồn cung cấp thông tin tài chính chuyên nghiệp như: Bloomberg hay Refinitiv Eikon cũng có định nghĩa và thống kê khác nhau, là chỉ theo dõi dòng vốn trên thị trường chứng khoán hay tổng thể các dòng vốn. Ví dụ nếu lấy từ Eikon thì tháng vừa qua hay tuần vừa qua, dòng vốn của các quỹ ngoại vào Việt Nam vẫn màu xanh (vào ròng). Nhưng nếu dùng số liệu của Bloomberg, chỉ thống kê cho thị trường chứng khoán thì lại màu đỏ (ra ròng).
Thứ hai, mục tiêu của hoạt động bán ra? Hoạt động bán ròng trên thị trường chứng khoán là để các quỹ ngoại tái cân bằng danh mục đầu tư, hay rút hẳn chuyển sang thị trường khác. Quan trọng hơn nữa là cần soi kỹ số lượng rút so với tổng giá trị danh mục. Hiện nay, việc di chuyển của dòng tiền nóng vào ra ở quy mô nhỏ là khá thuận lợi với nhà đầu tư nước ngoài. Lý do là vì Việt Nam thực sự muốn thu hút nhà đầu tư ngoại, và kiểm soát vốn không phải là vấn đề lớn đối với Việt Nam hiện nay vì dự trữ ngoại tệ khá dồi dào.
Ước tính giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang vào khoảng 35-40 tỷ USD. Nếu so với quy mô vốn hóa của thị trường khoảng 170 tỷ USD thì chỉ riêng cổ phiếu, các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tác động khoảng 20-24% lượng cổ phiếu giao dịch về giá trị. Tại thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu năm ngoái, lượng giao dịch của khối ngoại trên sàn HOSE trong tháng 3/2020 chiếm khoảng 16,7% tổng giá trị 2 chiều mua bán của toàn thị trường. Con số này khá gần với tỷ lệ danh mục của nhà đầu tư nước ngoài so với tổng giá trị vốn hóa của thị trường.
Với con số bán ròng gần 10 ngàn tỷ đồng trong gần 1 tháng gần đây, tương đương khoảng 400 triệu USD, và giả sử rằng toàn bộ đây là tiền nóng thì cũng chỉ ở mức 1-1,2% tổng giá trị danh mục. Mỗi ngày tính ra khoảng 15 triệu USD luân chuyển thì cũng không là đáng kể gì so với thị trường.
So với các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Singapore được coi như một trạm trung chuyển tài chính lớn, thì Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn so với các đối thủ như Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam do đó không chỉ trực tiếp vào thị trường chứng khoán mà còn vào các danh mục khác như đã đề cập ở phía trên. Trong số này, không thể không nhắc đến các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
THU HÚT VÀ GIỮ CHÂN NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Một mục tiêu quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam là 5% dân số tham gia thị trường vào năm 2025. Nhưng theo người viết, sẽ là quan trọng hơn khi sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ nhóm cận biên như hiện nay sang nhóm thị trường mới nổi.
Khi đó, việc thu hút các quỹ đầu tư ngoại, hay thậm chí nhà đầu tư nước ngoài sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tâm lý của một phần lớn người dân Việt Nam là theo số đông và sính ngoại. Khi thị trường thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì mục tiêu 5% dân số sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực.
Nhưng để nâng được hạng thì còn nhiều việc phải làm, cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Đối với các doanh nghiệp niêm yết, việc chỉn chu các báo cáo tài chính, đúng thời hạn và chuẩn mực quốc tế là việc cần ưu tiên thực hiện càng sớm càng tốt. Nhà đầu tư nước ngoài không thể mất nhiều thời gian tìm hiểu về công ty vì các tài liệu chỉ có tiếng Việt. Các doanh nghiệp cũng cần chú ý hơn về vấn đề quản trị doanh nghiệp, các vấn đề ảnh hưởng đến ESG (môi trường, xã hội, quản trị) vì ngày càng nhiều các quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm đến vấn đề này. Ngoài ra, các công ty kiểm toán, cần nâng cao uy tín của mình, nhất là các doanh nghiệp kiểm toán nội địa vì không thể để một số ít công ty kiểm toán nước ngoài chi phối thị trường.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chức năng quản lý giám sát không chỉ tập trung ở Ủy ban chứng khoán Nhà nước, mà cần có thêm cơ quan quản lý các dịch vụ tài chính nói chung, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính, trong đó có nhà đầu tư chứng khoán. Sở giao dịch chứng khoán cũng có thể có những quy định riêng của mình để đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, không bị thao túng bởi các hành vi gian lận. Luật Chứng khoán và các quy định cần chi tiết, lường hết có thể các tình huống để bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân.
Và quan trọng hơn hết là tính thực thi (enforcement) nghiêm minh của pháp luật. Vì nếu xử lý quá nhẹ nhàng so với vi phạm thì không có tính răn đe, còn khuyến khích cho các trường hợp khác noi theo. Đã có một công trình nghiên cứu rất thú vị về tính thực thi, phát hiện ra rằng "không có luật, trong nhiều trường hợp còn tốt hơn là có luật nhưng không thực thi nghiêm minh".
Thêm vào đó, hoạt động hiệu quả của sàn giao dịch chứng khoán cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Đề nghị cổ phần hóa sàn giao dịch chứng khoán là một đề nghị rất đáng để cân nhắc và xem xét.
Có thể thấy rằng trong một thời điểm ngắn hạn nào đó, việc tái cân bằng danh mục đầu tư của các quỹ ngoại là chuyện bình thường, hay thậm chí tạm thời rút ra khỏi thị trường dưới dạng tiền nóng. Điều quan trọng là trong bức tranh tổng thể, dòng vốn của các loại quỹ chảy vào vẫn là màu xanh chứ không đỏ. Vì cho dù nếu không vào thị trường chứng khoán, dòng vốn ngoại qua các kênh khác thì cũng là gián tiếp tạo điều kiện cho kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng phát triển.
Các dự báo mới đây đều cho thấy kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh. Việt Nam cũng sẽ tận dụng được cơ hội này và từ cơ hội của chính mình. VN-Index vừa quay lại mốc 1.200 và PE trung bình đang ở quanh mức 18. Cộng với lợi thế về sự ổn định của Việt Nam, Chính phủ mới cũng chuẩn bị để bắt đầu nhiệm kỳ mới. Và việc gấp rút xử lý trục trặc nghẽn lệnh vừa qua thì Việt Nam vẫn sẽ là một lựa chọn của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài.
Nhưng để thu hút các quỹ lớn, thì quy mô thị trường cần phải tăng cả về thứ hạng lẫn mức độ vốn hóa.
TS. Võ Đình Trí