Thứ Năm, 25/03/2021 09:13

Hết thời ý tưởng đầu tư dựa trên tiền rẻ?

Chứng khoán Mỹ đang trải qua giai đoạn tích cực nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng duy trì và chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế trước khi quay trở lại với lo ngại lạm phát.

Ảnh minh họa.

Diễn biến này có nghĩa là, xu thế lạm phát tăng lên là điều gần như chắc chắn bởi nó luôn gắn liền với tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện bình thường, không có gì đáng lo ngại vì mức lạm phát còn thấp, nhưng trong bối cảnh "ý tưởng đầu tư" dựa trên tiền rẻ thì ý tưởng này đang dần trở nên lỗi thời.

LÃI SUẤT HAY VAI TRÒ CUNG TIỀN ?

Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức thấp như là một biểu tượng của quyết tâm thúc đấy tăng trưởng kinh tế. Còn thực tế thị trường thì các lãi suất quan trọng như: lãi suất cho vay mua nhà (ở Mỹ và Phương Tây, vay mua nhà mortgage là phổ biến như chúng ta đi chợ ở Việt Nam nên cảm nhận đắt rẻ rất rõ) đã tăng lên đáng kể. Loại kỳ hạn 15 và 30 năm phản ánh xu thế này: đạt đáy vào khoảng giữa tháng 1 và bắt đầu tăng mạnh hơn từ giữa tháng 2 tính đến ngày 24/3.

Mức yield (lợi suất đầu tư) trái phiếu dài hạn 10 năm có giảm so với kỳ review trước, nhưng đó được cho là một sự điều chỉnh, do giới đầu tư dịch chuyển tiền từ cổ phiếu sang mua trái phiếu. Thị trường trái phiếu và cổ phiếu trong điều kiện bơm tiền thường xu hướng đi như nhau (mua cổ phiếu -> giá tăng; mua trái phiếu -> yield giảm) nhưng khi tiền phải lựa chọn giữa các kênh thì nó lại trở thành hai kênh thay thế cho nhau (bán cổ phiếu -> giá giảm; mua trái phiếu -> yield giảm). Sự điều chỉnh đồng thời của yield và thị trường chứng khoán hiện tại phản ánh rằng chính sách nới lỏng duy trì không tạo ra "tiền mới" vào thị trường tài sản mà chỉ còn "tiền cũ" đang tìm nơi an toàn hơn.

Tại Việt Nam, vấn đề quan trọng với thị trường hiện nay không còn là mặt bằng lãi suất nữa, vì khả năng nó tăng lên gần như chắc chắn, mà là vai trò của tăng trưởng tín dụng (cung tiền). Số liệu cập nhật cho thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trong khoảng trung bình 5.5%-6%.

Điều này có nghĩa là khi ý tưởng đầu tư dựa trên tiền rẻ đã gần như hết vai trò và tác dụng, sự trông chờ của thị trường sẽ nằm ở chính sách tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hồi đầu năm, tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước dự kiến 3 kịch bản với khả năng cao là kịch bản 12-13% và dự kiến quý 1 tăng 3-4% thì thực tế trong quý 1 theo số liệu từ báo chí chỉ tăng 2%. Điều này cho thấy sự chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và sự thận trọng của hệ thống ngân hàng và nó ám chỉ một thông điệp quan trọng cho thị trường là: tín dụng sẽ chỉ cung cấp đủ, phù hợp với năng lực hiện tại của nền kinh tế.

Như vậy, chưa có dấu hiệu nào của việc tín dụng mở rộng, như đã từng làm cuối năm ngoái dẫn tới thị trường chứng khoán tăng ồ ạt.

Các tác động chính sách khác như: thông báo duy trì lãi suất từ Fed – thực ra chỉ là một sự hiểu sai/cố tình hiểu sai thành "tiếp tục nới lỏng tiền tệ" của giới đầu tư Việt - dẫn tới "cú nẩy" tâm lý đã được kỳ vọng; đánh giá của Moody's: chỉ là thay đổi triển vọng từ Tiêu cực sang Tích cực của hồ sơ tín dụng của Việt nam – không thay đổi về hạng, là những tin tích cực nhưng không làm thay đổi bản chất thị trường.

Như vậy, thị trường Việt Nam cũng giống như Mỹ và thế giới, sẽ tiếp tục với câu chuyện kỳ vọng lạm phát, mặt bằng lãi suất và chính sách tín dụng.

HƯỚNG ĐI MỚI CỦA DÒNG TIỀN CHỨNG KHOÁN 

Dòng tiền đã vào thị trường chứng khoán có xu hướng đang ra và dòng tiền đã ra không vào mà còn có xu hướng chuyển sang kênh tài sản khác. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng là một cảnh báo quan trọng cho việc này. Như đã nhấn mạnh, họ bán ròng phản ánh quan điểm phân bổ tài sản toàn cầu của họ, đặc biệt trước diễn biến về yield tại thị trường Mỹ - điều được kỳ vọng sẽ diễn ra tương tự tại các quốc gia khác theo mô hình bơm tiền trước đó. Một lần nữa, cái gì là lý do đầu tư, thì đó cũng là lý do để ra.

Còn với nhà đầu tư nội địa trong nước, khác với ở Mỹ họ lựa chọn giữa cổ phiếu và trái phiếu, thì ở Việt Nam sự lựa chọn là giữa cổ phiếu và bất động sản. Thông tin báo chí cho thấy thị trường bất động sản đã trở nên sôi động sau chứng khoán do xu thế chuyển dịch này. Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì đã xảy ra trong quá khứ: chứng khoán tăng trước vì nó nhanh, thanh khoản hơn, còn bất động sản đi sau vì nó phản ánh văn hóa hiện thực hóa tài sản thực của người Việt.

Nhưng bất động sản rồi cũng sẽ như chứng khoán khi tiền rẻ thực sự không còn.

Tình trạng margin tại các công ty chứng khoán chưa có số liệu cụ thể, nhưng khá dễ đoán khi chỉ số thị trường ở mức cao. Nói cách khác, những người cần dùng margin đã dùng rồi, và công ty chứng khoán muốn cho margin cũng đã cho rồi. Lưu ý là bây giờ các công ty chứng khoán có tâm lý e dè về margin hơn nhiều so với hồi tháng 1. Chỉ số thị trường giảm, giá cổ phiếu giảm có thể sẽ dẫn tới bị bán vì margin call – nhưng điểm tốt là vì nó ít và không trên diện rộng nên nó cũng sẽ không quá nghiêm trọng như tháng 1.

Một nguy cơ dòng tiền sẽ bị rút ra nữa chính là kỳ đại hội cổ đông đang diễn ra. Hầu như tất cả các doanh nghiệp đều có ý định tăng vốn trong kỳ này. Và cách họ làm sẽ vẫn là truyền thống: phát hành cho cổ đông hiện hữu là chủ yếu. Điều này có nghĩa là tiền để giao dịch hàng ngày sẽ bị rút đi một lượng lớn để vào tay doanh nghiệp và đương nhiên doanh nghiệp thu tiền rồi thì họ sử dụng chứ không quay lại giao dịch. Như vậy, tùy vào lịch trình, nhưng nếu Đại hội đồng cổ đông vào tháng 3 và 4 thì việc tăng vốn sẽ diễn ra vào cuối quý 2 đầu quý 3, khi đó thị trường sẽ rất cần chú ý.

Phần lớn các doanh nghiệp hiện tại đang cố giữ giá cổ phiếu để phục vụ cho điều này, nên sau khi "chốt danh sách" – họ sẽ thả. Vậy nên tác động ở từng cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào ngày chốt.

Tâm lý chờ đợi của thị trường đã trở nên tiêu cực hơn. Tâm lý chờ bán đã và đang trở thành hành động. Tâm lý thị trường sẽ là rời những cổ phiếu rủi ro để tìm nơi trú ẩn an toàn.

Những cổ phiếu an toàn là những cổ phiếu có hai đặc điểm lớn: thuộc ngành nghề phù hợp với chống chọi lạm phát và lãi suất tăng lên và cổ phiếu thuộc nhóm giá trị với dòng tiền đều (nhìn báo cáo tài chính hàng năm) thay vì các cổ phiếu tăng trưởng (dòng tiền xa sẽ bị tác động tiêu cực hơn bởi lãi suất tăng lên vì lý do chiết khấu dòng tiền xa sẽ có giá trị nhỏ hơn khi lãi suất tăng).

Quách Mạnh Hào

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 25/03: Tích lũy đi ngang? (24/03/2021)

>   Góc nhìn 24/03: Tiếp tục xu hướng điều chỉnh? (23/03/2021)

>   Lo gì khi khối ngoại bán ròng? (23/03/2021)

>   Góc nhìn 23/03: Tích lũy trước ngưỡng 1,200 (22/03/2021)

>   Có nên mua HT1, LTG, NKG? (22/03/2021)

>   Góc nhìn tuần 22-26/03: Chịu áp lực điều chỉnh? (21/03/2021)

>   Góc nhìn 19/03: Chinh phục đỉnh lịch sử 1,211 điểm? (18/03/2021)

>   Vượt 1,200, VN-Index đứng trước cơ hội vượt đỉnh lịch sử  (18/03/2021)

>   Góc nhìn 18/03: Chầm chậm áp sát mốc 1,200? (17/03/2021)

>   TS. Nguyễn Trí Hiếu: Bất động sản sẽ hồi phục khi kiểm soát tốt dịch bệnh (23/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật