Chủ đề này cũng đã nhận được nhiều quan tâm, thảo luận của doanh nghiệp tại chương trình "Lãnh đạo Tp.HCM đối thoại, gặp gỡ Doanh nhân năm 2021" được tổ chức ngày 24/3 tại Tp.HCM.
CẦN CÓ CHIẾN LƯỢC CỤ THỂ
Trong các ý kiến tập trung vào vấn đề nguồn nhân lực công nghệ tại Tp.HCM, nhiều doanh nghiêp trẻ kiến nghị Tp.HCM cần có những chiến lược phù hợp và kêu gọi nguồn lực cho việc đầu tư nguồn nhân lực công nghệ vì đây sẽ là lợi thế cạnh tranh của Tp.HCM trong tương lai.
Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty TalentNet, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Tp.HCM, cho biết: "Phát triển nguồn nhân lực công nghệ, nhân lực chất lượng cao cần có chiến lược cụ thể. Nên chăng, thành phố có thể làm khác biệt so với các tỉnh/thành khác của cả nước. Tp.HCM có thể lập một ngân sách phát triển nguồn nhân lực, doanh nghiệp và các trường đại học cần có sự kết nối chặt chẽ. Bên cạnh đó, thành phố cũng có thể mượn chất xám từ nước ngoài về Việt Nam, thu hút chất xám từ nước ngoài, thu hút nhân tài từ nước ngoài muốn đến Tp.HCM làm việc".
Lấy ví dụ dẫn chứng cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bà Trinh cho rằng: Tp.HCM xây dựng chiến lược từ mục tiêu phát triển kinh tế, thành phố nên tập trung 5-8 ngành mũi nhọn. Từ đó, xác định khung năng lực, các kỹ năng phục vụ tốt cho từng ngành này và hợp tác với các trường/viện xây dựng chương trình đào tạo mới có thể đảm bảo đầu vào/đầu ra.
Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty TalentNet, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Tp.HCM
|
"Với nguồn lực phát triển tại chỗ, thành phố sẽ thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI vào thành phố. Ngoài ra, cũng cần phải làm tốt khâu dự báo, chủ động kế hoạch để tránh lãng phí. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thách thức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực luôn được đặt ra bởi chi phí đào tạo không hề nhỏ, cũng như chiến lược giữ và thu hút người tài", bà Trinh nói thêm.
Tuy nhiên, trước không ít các rào cản liên quan đến chi phí, tổ chức chương trình đào tạo trong bối cảnh Tp.HCM vừa phát triển kinh tế, vừa vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến doanh nghiệp cũng cho rằng thành phố nên đồng hành hỗ trợ cho công tác phát triển nguồn nhân lực đồng bộ hơn, trong đó, các tổ chức như Hội Doanh nhân trẻ Tp.HCM mong muốn nhận được sự quan tâm.
Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp GAP, cho biết: "Chúng ta nên có học phí rẻ hơn, có những chương trình đào tạo từ xa, mời những giáo viên ở nước ngoài, cũng như trong nước dạy từ xa để giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, đáp ứng được nhu cầu trong hậu Covid-19".
Cải cách để đi vào thực chất, nâng cao chất lượng và mang lại hiệu quả thực tiễn cho doanh nghiệp trong đó cần có một đội ngũ công chức với tinh thần thấu hiểu và chia sẻ với sự khó khăn của doanh nghiệp. Đôi lúc chỉ cần tận tâm hướng dẫn doanh nghiệp làm sao cho đúng, cho nhanh và có hiệu quả là đủ.
Chính vì thế, việc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp trẻ ngày hôm nay là một minh chứng cho tinh thần lắng nghe và thấu hiểu tuy nhiên cần có nhiều cuộc như thể này hơn thì sự lắng nghe mới kịp thời và hiệu quả.
ĐÀO TẠO NHÂN LỰC GẮN VỚI 4 TRỤ CỘT
Trước nhiều trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trẻ thành phố đối với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết: Phát triển kinh tế tri thức là một trong những mục tiêu của Tp.HCM trong giai đoạn 2020 – 2025. Thành phố cũng tập trung các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế và khuyến khích đại học chia sẻ…
Trong 4 chương trình phát triển thành phố giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030 thì cả 4 chương trình đều gắn với 4 trụ cột của nền kinh tế tri thức.
Về giáo dục – đào tạo, Đại học Quốc gia Tp.HCM sẽ chủ động tích cực tham gia các đề án trong chương trình đột phá phát triển nhân lực. Sản phẩm dự kiến sẽ là các chương trình đào tạo trình độ quốc tế ở các lĩnh vực được giao như công nghệ thông tin – truyền thông, cơ khí – tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản lý đô thị.
Các chương trình đào tạo này sẽ được thiết kế và xây dựng theo các chuẩn mực kiểm định quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố trong việc phát triển kinh tế tri thức.
Cùng với đó là thành lập và vận hành mô hình đại học chia sẻ, tạo ra nền tảng để các trường đại học trên địa bàn thành phố chia sẻ tài nguyên: tài liệu sách, giáo trình, hệ thống bài giảng… Các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông, y tế, tài chính…
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM.
|
Đối với việc nghiên cứu chuyển giao và đổi mới sáng tạo, người đứng đầu chính quyền thành phố thông tin về thành lập và đưa Viện Công nghệ tiên tiến - Đổi mới sáng tạo Tp.HCM vào hoạt động trong năm nay. Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo Tp.HCM sẽ được xây dựng trong Khu Công nghệ cao Tp.HCM, góp phần đưa những sản phẩm nghiên cứu ra thực tế, gắn kết giữa các trường, viện với các doanh nghiệp, kết nối những trung tâm đổi mới sáng tạo của đại học…
Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm trí tuệ sẽ là chủ lực của Tp.HCM. Sản phẩm dự kiến sẽ là các chính sách tư vấn, các sản phẩm công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa và hệ sinh thái khởi nghiệp tại khu công nghệ phần mềm. Đặc biệt, trong chương trình liên kết phát triển du lịch, Tp.HCM sẽ hợp tác với các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, mang nét truyền thống đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ.
Nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn xây dựng một lực lượng doanh nghiệp chất lượng cao được dẫn dắt bởi đội ngũ doanh nhân trí thức có tài, có tâm và tầm đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thương trường quốc tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp thông qua cải cách giáo dục, khuyến khích doanh nhân tham gia quá trình học hỏi và hỗ trợ đào tạo. Hiện, Hội doanh nghiệp trẻ Tp.HCM cũng tăng cường các hoạt động đào tạo, các buổi hội thảo với các chuyên gia và các hội nghị lớn như Việt Nam CEO Forum.
Hầu hết các doanh nghiệp đồng tình với chương trình phát triển nguồn nhân lực của Tp.HCM. Hội doanh nghiệp trẻ Tp.HCM mong muốn được tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, các chương trình sandbox – thử nghiệm mang tính đột phá, phát huy trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, tinh thần dấn thân của người trẻ.
Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Tp.HCM, chia sẻ: Có một thực tế rằng giới trẻ ngày hôm nay luôn mong muốn tự tạo ra giá trị cho gia đình và xã hội đặc biệt mong muốn là thụ hưởng những thành quả mà chính mình đóng góp vì điều đó khiến cho họ thấy cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Do vậy, rất mong Lãnh đạo thành phố tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân trẻ tham gia vào các hoạt động cụ thể trên mặt trận kinh tế xã hội trong đó có quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đâu tư và kinh doanh… vì họ chính là người thụ hưởng các kết quả đó. Với đội ngũ doanh nhân thế hệ 4.0, với tinh thần "Dấn thân - Đột phá - Lan tỏa", Hội Doanh nhân Trẻ Tp.HCM cam kết sẽ hoàn thành các nhiệm vụ được giao.