Thứ Tư, 24/03/2021 09:05

Đường nhập lậu vẫn là mối nguy lớn với ngành mía đường Việt Nam

Sau khi các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan có hiệu lực, ngành mía đường Việt Nam đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, đường nhập lậu vẫn là mối nguy hại hiện hữu với sự phát triển ngành mía đường trong nước.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Một niên vụ khởi sắc

Tác động của việc bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường để thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) tới tình hình ngành mía đường trong nước đã được dự báo trước thời điểm ngày 1/1/2020.

Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường được tổ chức chiều 23/3, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo thống kê của cơ quan Hải quan, giai đoạn 2017-2019 đường nhập khẩu vào Việt Nam đạt 200,000 tấn đến 400,000 tấn.

Sau khi quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan có hiệu lực ngày 16/2 vừa qua đã có tác động tích cực đến ngành mía đường.

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, tuy chưa có số thống kê chính thức của cơ quan Hải quan trong tháng 2/2021, nhưng đã có một số dấu hiệu tích cực từ khi Quyết định số 477 có hiệu lực như: Giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1,500-2,000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020. Giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía cũng tăng so với vụ ép năm ngoái, tăng từ 50,000-100,000 đồng/tấn (giá mua trung bình hiện tại dao động khoảng  950,000-1 triệu đồng/tấn).

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn nhìn nhận: "Có thể thấy Quyết định số 477 đã xác định được đúng đắn giá trị thực tế của ngành mía đường trong nước, nếu cạnh tranh sòng phẳng thì ngành mía đường trong nước không thua kém các nước trong khu vực. Đây là điều kiện tốt để từng bước phục hồi lại ngành mía đường trong nước, đặc biệt là vùng nguyên liệu của các nhà máy và các doanh nghiệp sản xuất mía đường", ông Tam nói.

Thực tế vụ 2020-2021, nhiều nhà máy đã tăng giá thu mua mía cho bà con nông dân, đối với Lam Sơn đã thông báo giá mua mía trước vụ là 1,000,000 đồng/tấn, cao hơn giá trong vùng 200,000 đồng/tấn và cao hơn so với vụ trước 2019-2020 là 150,000 đồng/tấn.

Bà Lê Thị Quỳnh Trang, Chủ tịch HTX Tân Tiến (tỉnh Gia Lai) cũng cho biết, tính từ đầu vụ thu hoạch đến thời điểm hiện tại, giá thu mua nguyên liệu của công ty mía đường của bà đối với vùng nguyên liệu đã tăng khoảng 20%.

Bà Trang cũng đánh giá việc thu mua tăng giá chưa phản ánh hết sự phát triển của ngành mía đường thời gian qua. “Tính tới thời điểm này, bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách, áp dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng với điều kiện thuận lợi về thời tiết đã giúp cho cây mía tăng năng suất. Đối với tỉnh Gia Lai và các doanh nghiệp như chúng tôi hiện tại có thể nói rằng là một vụ thu hoạch thành công. Tôi cho rằng, quyết định áp thuế đối với đường nhập khẩu của các cơ quan chức năng là một quyết định hợp lý và cần thiết. Quyết định này đã góp phần bảo vệ những người trồng mía như chúng tôi và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành mía đường, xuất khẩu mía đường phát huy được nội lực của mình”, bà Trang nhấn mạnh.

Khó khăn kiểm soát đường lậu

Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Năng lực sản xuất trung bình của Việt Nam hằng năm đạt 1-1.3 triệu tấn đường trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp và cho sản xuất chế biến là khoảng hơn hai triệu tấn/năm.

Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong năm 2020 đạt hơn 1.5 triệu tấn. Do lượng đường nhập khẩu tăng đột biến trong năm 2020 nên sản lượng sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể.

Tháng 1/2021, đường nhập khẩu vẫn tiếp tục đạt mức cao, đạt 113,000 tấn, do các doanh nghiệp chủ động tăng nhập khẩu để dự trữ nguồn hàng trước khi quyết định áp thuế phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương có hiệu lực

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho rằng, ở thời điểm hiện tại khó khăn lớn nhất vẫn là việc kiểm soát đường nhập lậu. Nếu không quyết liệt, không kiểm soát chặt chẽ, đường nhập lậu sẽ gây lũng đoạn giá đường trong nước. Đường các nhà máy sản xuất trong nước sẽ không tiêu thụ được, doanh nghiệp mía đường sẽ tiếp tục gặp khó khăn như những năm trước đây.

"Bên cạnh đó việc nhập khẩu đường từ Thái Lan qua nước khác rồi nhập về Việt Nam cũng khó được kiểm soát sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại", ông Tam nói.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhìn nhận ở khía cạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ngành mía vẫn chưa thực sự bền vững. “Tình trạng tranh mua nguyên liệu mía vẫn xảy ra trong những năm gần đây. Tuy nhiên, năm nay tình trạng càng trầm trọng vì sản lượng mía quá thấp, thiệt hại mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu là nguồn đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm liên tiếp,  tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây tại các vùng sản xuất mía. Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu quan hệ giữa nông dân trồng mía và một số nhà máy vững chắc thì tình trạng này ít hơn và ngược lại”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Đinh Duy Vượt,  Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phân tích, để ngành mía đường phát triển bền vững, không bị Thái Lan “thôn tính” và từng bước cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan, đồng thời phải thực hiện đúng cam kết ATIGA và hội nhập thì phải có nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, với nhà máy.

Cụ thể, ngành mía đường phải khẩn trương tái cơ cấu đổi mới toàn diện nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, sớm hiện đại hóa các nhà máy, đa dạng các sản phẩm, phụ phẩm từ bã mía như điện, phân bón…

Muốn vậy, Nhà nước cần sớm xây dựng ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo hộ, vay vốn, thuế và các điều kiện thiết yếu cho nhà máy đường và người trồng mía…; tiếp tục kiểm soát nhập khẩu, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn một cách hiệu quả, triệt phá, xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là mặt hàng đường từ Thái Lan và các nước tuồn vào Việt Nam, kiểm soát thị trường nội địa…

Nhật Quang

FILI


Các tin tức khác

>   Cuộc “đổi màu” ngoạn mục của vùng đất “vàng đen”: Không ai bị bỏ lại phía sau (24/03/2021)

>   Lấp khoảng trống pháp lý thị trường thương mại điện tử (24/03/2021)

>   Chi phí hệ thống điện quốc gia sẽ tăng do… năng lượng tái tạo (23/03/2021)

>   Hàng không đề nghị mở cửa với du khách có "hộ chiếu vắc-xin" (23/03/2021)

>   Dự báo đến nửa cuối năm 2022 ngành dệt may mới phục hồi (23/03/2021)

>   Trung Quốc rời 'ngôi vương' nhập khẩu cá tra Việt (22/03/2021)

>   Doanh nghiệp xuất nhập khẩu lao đao giữa “muôn trùng vòng vây” chi phí (22/03/2021)

>   Đề nghị Ban Bí thư khai trừ Đảng ông Tất Thành Cang (22/03/2021)

>   Doanh nghiệp tư nhân: Không thể lớn, không dám nghĩ lớn! (22/03/2021)

>   Nguồn điện trời cho: Tiềm năng vô tận, đối mặt bất ổn (22/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật