Cư dân chung cư Central Garden bật khóc: 'Khi mua nhà là những khách hàng được yêu quý, khi đến ở thì bị bắt nạt'
Chia sẻ tại Hội thảo "Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?" do báo Thanh Niên tổ chức sáng 11.3, bà Ngọc Oanh - cư dân chung cư Central Garden không giấu nổi xúc động khi nói đến xung đột tại chung cư này.
* Ban quản trị 'giam' nhà cư dân: 'Giam' cả quỹ bảo trì mấy chục tỉ đồng
* Ban quản trị 'giam' nhà cư dân
Bà Ngọc Oanh chia sẻ tại hội thảo do báo Thanh Niên tổ chức sáng 11.3. Ảnh: Độc Lập
|
Theo bà Đỗ Thị Ngọc Oanh, chung cư The Central Garden (số 328 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1) không chỉ xảy ra nhiều mâu thuẫn giữa dân cư và ban quản trị hiện tại mà còn có thêm nhiều vấn đề liên quan đến chủ đầu tư cũ. Tình trạng này trở thành "nỗi đau" dai dẳng của người dân kéo dài suốt 10 năm nay. Những mâu thuẫn xoay quanh 2 vấn đề chính là sự lộng quyền của ban quản trị và thiếu minh bạch về tài chính.
Cụ thể, ban quản trị hoạt động chưa được bao lâu thì chia rẽ, mất đoàn kết nghiêm trọng. Nội bộ của ban quản trị chia thành 2 nhóm: một nhóm bảo vệ quyền lợi cư dân và một nhóm bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư cũ (được gọi là nhóm lợi ích). Nhóm lợi ích cấu kết với chủ đầu tư, được đơn vị này hậu thuẫn nên lộng quyền. Từ ngày thành lập 30.8.2018, chưa bao giờ ban quản trị tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên theo đúng quy định, chưa bao giờ đối thoại với dân cư mặc dù liên tục được yêu cầu.
Đáng nói, không họp dân cư nhưng trưởng ban quản trị tự ý mang danh cá nhân ký các văn bản gửi cơ quan chức năng, ký các hợp đồng trái pháp luật như hợp đồng bảo trì thang máy... mà không thông qua ban quản trị. Dân cư nhiều lần gửi văn bản lên phường Cô Giang tố cáo nhưng không được giải quyết.
Vô lý hơn nữa, khi cư dân liên tục yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư, ban quản trị đã soạn dự thảo thay thế quy chế hoạt động của ban quản trị, đưa ra quy định người tham dự phải đóng tiền ký quỹ trước cho ban quản trị. Trong cuộc họp, cư dân chỉ được ngồi nghe, nếu phát biểu trái ý ban quản trị sẽ bị phạt tiền và trừ vào tiền ký quỹ.
"Đến mức như vậy thì có phải chúng tôi quá bị bắt nạt, quá đau khổ hay không?" - bà Oanh bật khóc, rồi tiếp tục chia sẻ câu chuyện đằng sau sự lộng hành là thiếu minh bạch về tài chính.
Theo đó, chủ ban quản trị tự ý nâng giá bảo trì thang máy lên 40%, hợp đồng này cũng không thông qua ban quản trị và cư dân. Đồng thời, cấu kết với ban quản lý chủ đầu tư cũ thu tiền của dân lắp thẻ từ thang máy, chỉ đến khi có thông báo thu tiền cư dân mới biết. Mỗi căn hộ phải nộp hơn 1, 254 triệu đồng (tổng cộng 380 căn hộ là hơn 476 triệu đồng) và buộc phải mua thẻ từ, nếu không mua thì tự leo bộ. Điều đáng nói là giá thành quá cao (cao hơn giá thị trường khoảng hơn 4 lần) trong khi hợp đồng với đơn vị cung cấp là Schindler chỉ hơn 212 triệu đồng.
Phía chủ đầu tư cũ (Công ty Chương Dương) còn quá đáng hơn khi chèn ép dân cư khiến mọi chuyện càng trở nên tồi tệ. Chủ đầu tư nói họ bán nhà, còn hành lang, lối đi và khu vực chung là của chủ đầu tư, không bán nên họ tuỳ nghi sử dụng. Khu đường chung trở thành bãi xe, không còn lối đi, chủ đầu tư thu lợi nhiều vô cùng.
"Không ai bất đắc dĩ đi kiện ban quản trị và cũng là hàng xóm của mình. Tuy nhiên họ quá lộng hành và chèn ép, bắt nạt chúng tôi. Pháp luật hiện hành có đủ cơ sở quy định cho ban quản trị hoạt động hiệu quả nhưng các cấp chính quyền phải sát sao, lắng nghe dân cư hơn nữa. Quyền quản lý chung cư nếu giao vào tay chủ đầu tư không coi trọng danh tiếng thì thiệt thòi là dân cư, sự bảo vệ của chính quyền là quá chậm chạp" - bà Oanh nói.
Hà Mai
Thanh niên
|