Nhiều quy chuẩn an toàn xây dựng bị phớt lờ
Vụ em bé ở Hà Nội trèo qua lan can rơi từ tầng 12 xuống đất lại khiến người dân lo lắng về an toàn ở các chung cư. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra các tai nạn liên quan đến lan can chung cư.
Nhiều chung cư chưa tuân thủ quy định về xây dựng lan can. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Trước đó đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Để xảy ra các tai nạn thương tâm là do nhiều chủ đầu tư không tuân thủ quy định về quy chuẩn an toàn trong xây dựng công trình. Bên cạnh đó, không ít người còn thiếu kiến thức, ý thức trong việc bảo vệ an toàn khi sống trong các căn hộ chung cư.
Lan can phải cao từ 1,1 - 1,4 m
Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua (không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can) và không có lỗ hổng nhét lọt quả cầu đường kính 100 mm. Đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng thì tại lô gia và sân thượng ở những vị trí cao từ 9 tầng trở lên, chiều cao tối thiểu là 1,4 m. Lan can ở cầu thang và các vị trí khác từ 0,9 - 1,1 m.
Không những vậy, quy chuẩn còn quy định lan can phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang quy định trong quy chuẩn liên quan. Không làm lan can có mặt trên rộng để tránh người ngồi hoặc nằm. Nếu sử dụng kính ở các lan can, cần tuân thủ không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75 mm; lan can phải chắc chắn và khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã.
Ngoài ra, tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng do Bộ Xây dựng ban hành cũng nêu rõ, rào hoặc lan can chống rơi ngã tại các cửa sổ đối với phòng từ tầng 9 trở lên phải không thấp hơn 1,4 m. Đối với phòng dưới tầng 9 phải không thấp hơn 1,1 m. Đối với căn hộ không có lô gia, cần bố trí tối thiểu một cửa sổ có kích thước lỗ mở thông thủy không nhỏ 600 x 600 mm phục vụ cứu hộ, cứu nạn.
Còn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2019/BXD về nhà chung cư, quy định rào, lan can, ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được thấp hơn 1,4 m.
Nhiều chủ đầu tư chưa tuân thủ
Ông Nguyễn Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty Hưng Lộc Phát, một chủ đầu tư bất động sản xây dựng nhiều chung cư tại TP.HCM, cho biết thực tế có nhiều chủ đầu tư làm lan can thanh ngang nên trẻ nhỏ có thể trèo qua được. Thậm chí nhiều cao ốc, các thanh lan can làm quá thưa nên trẻ nhỏ có thể chui qua lọt. “Phải làm các thanh dọc và khít để trẻ nhỏ không trèo, không chui qua được. Tiêu chuẩn hiện nay khá hợp lý, nhưng khi dọn nhà về ở, nhiều hộ dân vẫn để ghế, thùng ở các ban công nên trẻ em có thể trèo lên được, điều này rất nguy hiểm. Khi nghiệm thu, cơ quan chức năng cũng nên kiểm tra khắt khe việc này”, ông Bình khuyến cáo.
Lãnh đạo Công ty xây dựng An Phong cho biết nhiều chủ đầu tư đã chọn giải pháp làm lan can bằng kính cường lực. Điều này có thể hóa giải việc trẻ nhỏ chui qua thanh lan can cũng như không thể leo trèo được. Thậm chí nhiều chung cư còn giăng lưới chắn bảo vệ kết nối từ lan can lên đến tận trần căn hộ. Lưới vừa giúp bảo vệ an toàn cho cư dân sống trong chung cư vừa có thể làm giàn để trồng cây, nhất là các loại cây dây leo. “Giải pháp này có tốn kém hơn việc làm lan can bằng thanh sắt, nhưng sẽ giúp bảo vệ an toàn tuyệt đối người dân sống trong chung cư, nhất là trẻ nhỏ”, vị này cho biết.
Ở góc độ kỹ thuật, kỹ sư Trần Bình cho rằng hiện nay quy định tiêu chuẩn thiết kế không chi tiết nên hệ thống lan can của nhiều nhà cao tầng hiện rất nguy hiểm. Đa số các loại lan can được thiết kế vừa thấp, vừa không có hệ thống bảo vệ như khung sắt hay lưới chắn. Không chỉ lan can ở các ban công chung cư, nhiều hạng mục đảm bảo an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng cư dân cũng thường bị các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thiết kế bỏ qua hoặc cắt xén. Điển hình như nhiều tòa nhà xây dựng hệ thống thoát nạn không đảm bảo như: cầu thang thoát hiểm không an toàn về tiêu chuẩn, cửa thoát hiểm không đảm bảo khiến khói có thể vào thang thoát hiểm; chiều rộng hành lang thoát hiểm bị cắt nhỏ lại; cửa chống cháy ở các phòng kỹ thuật bị thay bằng các loại cửa thường. Điều này đã từng xảy ra ở chung cư Carina (Q.8, TP.HCM) khi xảy ra cháy, khói đã lọt qua cửa thoát hiểm vào thang thoát hiểm, khiến người dân không thể chạy xuống dưới mà tiếp tục chạy lên trên, thậm chí giẫm đạp lên nhau, gây nên một thảm kịch kinh hoàng.
“Chính vì vậy, cần đưa vào tiêu chuẩn xây dựng tòa nhà chung cư bắt buộc phải có hệ thống rào chắn lan can an toàn, tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe về độ cao, khe hở giữa các song sắt sao cho trẻ em không thể thò đầu qua”, kỹ sư Trần Bình nhấn mạnh.
Đình Sơn
Thanh niên
|