Chần chừ đóng nợ, tiền sử dụng đất sẽ tăng
Nghị định 79/2019 của Chính phủ sửa đổi điều 16 Nghị định 45/2014 vừa được ban hành về việc thu tiền sử dụng đất, quy định từ ngày 1.3.2021, các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán sẽ phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.
* Từ ngày 1.3, người dân nợ tiền sử dụng đất phải đóng theo giá mới
Nghị định mới nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quy định ghi nợ tiền sử dụng đất trước đây ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Từ 1.3 phải đóng theo giá mới
Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất (SDĐ) trước ngày 1.3.2016 mà chưa thanh toán thì tiếp tục thanh toán tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật) đến hết ngày 28.2.2021. Từ ngày 1.3.2021, các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền SDĐ mà chưa thanh toán sẽ phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.
Mới đây, UBND TP.Đà Nẵng có kiến nghị kéo dài thêm thời hạn trả nợ tiền SDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ trước ngày 1.3.2016 nhằm giải quyết khó khăn cho các hộ gia đình, cá nhân trong thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền SDĐ. Lý do UBND TP.Đà Nẵng đưa ra vì năm 2020, Đà Nẵng và khu vực miền Trung xảy ra dịch Covid-19, thiên tai liên tục làm đời sống người dân hết sức khó khăn. Tuy nhiên, kiến nghị này đã không được chấp thuận bởi theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 79/2019 sửa đổi điều 16 Nghị định 45/2014 về thu tiền SDĐ (có hiệu lực từ ngày 10.12.2019) nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong ghi nợ tiền SDĐ. Bộ đã có công văn gửi các địa phương đề nghị khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định 79 sau khi ban hành. Đồng thời đã ban hành thông báo giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Bộ để đôn đốc, kiểm tra và rà soát việc thực hiện nghị định.
|
Để bảo đảm việc thanh toán nợ tiền SDĐ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận, các hộ gia đình, cá nhân cần rà soát, xem kỹ trên giấy chứng nhận quyền SDĐ của gia đình có còn được ghi nợ tiền SDĐ không. Trường hợp có ghi nợ tiền SDĐ mà chưa thanh toán nộp ngân sách nhà nước thì các hộ gia đình, cá nhân liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh các quận, huyện, thị xã ngay để được hướng dẫn thủ tục trả nợ theo chính sách quy định tại Nghị định 79/2019 của Chính phủ trước ngày 28.2.2021. Trường hợp thanh toán trả nợ sau ngày 28.2.2021 sẽ bị tính tiền SDĐ phải nộp theo giá đất tại thời điểm trả nợ.
Mới đây Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản khuyến cáo người dân đóng tiền SDĐ để tránh trường hợp thanh toán trả nợ sau ngày 28.2.2021 thì sẽ bị tính tiền SDĐ phải nộp theo giá đất tại thời điểm trả nợ, trong khi giá đất của năm 2021 trở đi cơ bản cao hơn giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận.
Luật sư Hoàng Thu, Đoàn luật sư TP.HCM, giải thích Nghị định 79/2019 cũng quy định cụ thể đối tượng được ghi nợ tiền SDĐ là các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền SDĐ trong trường hợp được giao đất tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, gồm có 4 trường hợp là người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Các hộ gia đình, cá nhân ghi nợ tiền SDĐ được trả nợ dần trong 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư và không phải nộp tiền chậm nộp trong 5 năm này. Trường hợp sau 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà hộ gia đình, cá nhân chưa trả hết nợ tiền SDĐ thì phải nộp đủ số tiền còn nợ và tiền chậm nộp tính trên số tiền còn nợ từ thời điểm hết thời hạn 5 năm được ghi nợ tới thời điểm trả nợ. Trong khi trước đây hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích SDĐ; được cấp giấy chứng nhận phải nộp tiền SDĐ và hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính sẽ được ghi nợ tiền SDĐ.
Tạo sự công bằng
Theo luật sư Hoàng Thu, quy định lần này đã thu hẹp các đối tượng được thụ hưởng chính sách nợ tiền SDĐ khi chỉ cho 4 đối tượng được ghi nợ. Điều này tránh tình trạng hộ gia đình, cá nhân ghi nợ tiền SDĐ tràn lan như trước vì không phải đóng bất cứ khoản lãi, chênh lệch nào trong thời gian 5 năm.
Một lãnh đạo Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Q.7 (TP.HCM) cho biết hiện nay tỷ lệ hộ gia đình, cá nhân nợ tiền SDĐ chiếm khoảng 50% số lượng hồ sơ cấp giấy chứng nhận trên địa bàn quận. Lý do là bởi trước đây quy định của nhà nước cho hộ gia đình, cá nhân nợ tiền SDĐ trong thời gian 5 năm. Trong thời gian này hộ gia đình, cá nhân không phải đóng lãi suất cũng như không bị tăng tiền SDĐ, đến thời hạn phải đóng tiền SDĐ người dân chỉ phải đóng đúng số tiền nợ từ những năm trước đó. “Quy định yêu cầu hộ gia đình, cá nhân phải đóng tiền SDĐ theo bảng giá đất mới tại thời điểm sau ngày 1.3.2021 là hoàn toàn hợp lý bởi nếu không tăng, người dân sẽ không đóng, cứ ghi nợ và như thế nhà nước sẽ khó thu tiền SDĐ, trong khi số tiền này nếu tính trên cả nước cũng tương đối lớn”, vị này cho hay.
Ông Phạm Ngọc Liên, nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, nói trước đây chính sách cho ghi nợ tiền SDĐ ổn định trong 5 năm không tăng. Không những vậy, sau khi ghi nợ, nếu đóng ngay còn được “khuyến mãi” giảm 2% trên số tiền ghi nợ/năm. Điều này đã vô tình “khuyến khích” người dân ghi nợ tiền SDĐ, dù điều kiện kinh tế không hề khó khăn. “Quy định mới hợp lý khi tính đúng, tính đủ, tạo sự công bằng giữa các hộ dân. Đã đến lúc chính sách tiền SDĐ phải thay đổi tiệm cận theo thị trường vì khi đó mới tạo được sự công bằng và giúp ngân sách nhà nước thu được tiền SDĐ đầy đủ hơn”, ông Liên nói.
Đình Sơn
Thanh niên
|