Không chấp nhận người mua nhà trả tiền nhưng không được nhận nhà
Ông Lê Hoàng Châu đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo "Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?" đang diễn ra sáng nay (11.3) tại hội trường Báo Thanh Niên (TP.HCM) khi nhắc tới vụ "Ban quản trị giam nhà cư dân" tại chung cư Phú Hoàng Anh.
* Ban quản trị 'giam' nhà cư dân: 'Giam' cả quỹ bảo trì mấy chục tỉ đồng
* Ban quản trị 'giam' nhà cư dân
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM
|
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trên cả nước hiện có hơn 3.000 khu nhà chung cư. Riêng TP.HCM có khoảng 1.440 khu nhà chung cư, trong đó có 474 khu xây dựng trước 1975 và những chung cư đã có từ 2005 trở về trước gần như không có ban quản trị (BQT) chung cư mà cư dân sử dụng hình thức như tổ dân phố để quản lý. Từ khi Luật nhà ở 2005 ra đời đến nay mới quy định các dự án nhà chung cư sau khi đưa vào vận hành phải tổ chức đại hội nhà chung cư và bầu ra BQT. Theo quy định, đối với những chung cư dưới 5 tầng, không có thang máy thì BQT tự vận hành; nhưng với những khu nhà cao hơn thì phải có công ty quản lý vận hành chuyên nghiệp.
Trong vòng 15 năm trở lại đây, cùng với kinh tế phát triển, thu nhập người dân cao thì nhu cầu về nhà ở chung cư cũng tăng cao. Phát triển nhà chung cư hiện nay là lựa chọn của nhiều chủ đầu tư.
Với hiện trạng có hơn 140.000 hộ gia đình sống ở các khu nhà chung cư của TP.HCM thì làm thế nào để cư dân có được môi trường sống tiện ích, an toàn an ninh, nhiều dịch vụ là điều quan trọng. Ông Châu nhấn mạnh: "Chúng ta không thể chấp nhận người mua nhà trả tiền nhưng không được nhận nhà; Không chấp nhận BQT chung cư phớt lờ khuyến nghị của UBND huyện Nhà Bè. Lựa chọn phương án quản lý nào cho chung cư sẽ do các cư dân quyết định".
Ở các chung cư lớn thì phí bảo trì lên đến trên 500 tỉ đồng, trong khi một doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ có 1-2 tỉ đồng. Một tòa nhà trên 20 tầng thường phí bảo trì trên 20 tỉ đồng. Riêng chung cư Phú Hoàng Anh (Nhà Bè) cao 33 tầng thì phí bảo trì trên 46 tỉ đồng. Quy định trong 5 năm đầu tiên, người bảo hành là chủ đầu tư nên cư dân chỉ chi phí nhỏ như bảo trì thang máy, bơm nước... Có những tòa nhà chung cư, BQT rất khéo léo và chia số tiền quỹ bảo trì gửi tiết kiệm với nhiều kỳ hạn như 13 tháng trở lên, còn lại gửi tiết kiệm 6 tháng và gửi không kỳ hạn để có thể rút ra chi dùng. Ví dụ 100 tỉ đồng gửi 13 tháng cũng có hơn 8 tỉ đồng sau một năm. BQT làm có trách nhiệm thì tiền đẻ ra tiền nhưng đây cũng là miếng mồi gây ra nhiều chuyện. Trước đây không ai muốn làm công việc BQT vì “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng giờ người ta thấy BQT có quyền với quỹ bảo trì và nhiều loại phí, nhiều khoản thu không tên khác, tạo thêm thu nhập khá nhiều... nên giờ là thành một "nghề" làm BQT.
Nói về quyền lợi cư dân thì trước tiên họ có quyền được nhận nhà đảm bảo chất lượng và chủ đầu tư phải thực hiện các cam kết theo quy định và thỏa thuận trong hợp đồng mua bán. Thứ hai, cư dân có quyền sau 50 ngày được làm thủ tục cấp sổ hồng. Thứ ba, quyền được phục vụ và họ bầu ra BQT để quản lý, vận hành chung cư.
Vậy ai là người bảo vệ quyền lợi đó cho cư dân?
Trước hết, theo ông Châu, Nhà nước là người bảo vệ thông qua thể chế pháp luật. Qy định đã phân rõ trách nhiệm của UBND phường, quận... Chẳng hạn trong câu chuyện của chung cư Phú Hoàng Anh, huyện Nhà Bà đã sát sao trong vấn đề này nhưng còn hơi “mềm” khi BQT không chấp hành thì chưa làm đến nơi đến chốn. BQT nhà chung cư phải thực hiện đúng nghị quyết; không được tự ý sử dụng quỹ bảo trì chung cư, nếu sai phạm có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Chủ đầu tư có thể tham gia quản lý vận hành vì họ là chủ sở hữu khối đế, hầm giữ xe. Vì vậy, có quy định chủ đầu tư là Phó trưởng BQT nên chủ đầu tư cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho cư dân.
Thứ ba chính là BQT nhà chung cư. Về những xung đột lợi ích thì phải chấn chỉnh vì vai trò của BQT là không thể thiếu. Ông Châu khẳng định: "Chúng ta đấu tranh với những tiêu cực trong BQT nhưng cũng cần khuyến khích các hoạt động của BQT".
Những tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng là đơn vị hỗ trợ cho cư dân. Tiếp theo là báo chí truyền thông. Bên cạnh đó còn có hệ thống tư pháp, các luật sư cũng sát cánh bảo vệ lợi ích cho cộng đồng cư dân trong chung cư.
"Hiệp hội Bất động sản TP.HCM hứa sẽ sát cánh bảo vệ lợi ích của cư dân và các chủ đầu tư chân chính", ông Châu cam kết.
Mai Phương
Thanh niên
|