Người sáng lập mạng xã hội Twitter, Jack Dorsey, rao bán mẩu tweet đầu tiên của thế giới do ông ta viết và người trả giá cao nhất sẵn sàng chi đến 2,5 triệu đô la Mỹ chỉ để sở hữu câu viết ngắn ngủi, đơn giản: “just setting up my twttr” (vừa mới thiết lập [tài khoản] Twitter của tôi).
Bạn tự hỏi không lẽ người ta thừa tiền đến nỗi bỏ ra một món tiền tương đương 58 tỉ đồng chỉ để tự hào là người sở hữu (sở hữu chứ không phải là tác giả) câu đó? Dĩ nhiên họ không điên vì mua như thế là một cách đầu tư, biết đâu sau này bán lại với giá gấp đôi, gấp ba.
Tưởng thế là quá mức rồi ai dè một nhóm người bỏ ra 95.000 đô la mua một tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ đường phố Banksy, xong về tổ chức đốt đi trong một sự kiện tường thuật trực tiếp trên mạng Twitter. Nhưng trước khi đốt họ “số hóa” bức tranh đen trắng mang tên “Lũ Khờ” này rồi đưa vào blockchain.
Nói đơn giản là họ ghi hồ sơ bức tranh, chuyển bản scan thành tác phẩm kỹ thuật số, kể cả quá trình đốt vào một cơ sở dữ liệu mã hóa nên thành hồ sơ không ai chỉnh sửa được. Mẩu tweet của Dorsey, bức tranh số hóa của Banksy giờ tồn tại dưới dạng NFT (Non-fungible Token) được mua đi bán lại với giá ngày càng tăng vọt.
Chỉ mấy ngày sau khi tác phẩm thật bị đốt bỏ, tác phẩm số hóa dưới dạng NFT của Banksy đã có người mua với giá tương đương 380.000 đô la! Điều mỉa mai là bức vẽ của Banksy miêu tả cuộc đấu giá tác phẩm Sunflowers (Hoa hướng dương) của Van Gogh vào năm 1987 với mức giá không ai ngờ nổi vào thời đó, gần 40 triệu đô la.
Tác giả, một họa sĩ bí ẩn ghi dưới bức tranh: “Tôi không tin nổi lũ khờ các người thật sự mua cái thứ nhảm nhí này”. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là tác phẩm “Lũ Khờ” của Banksy đã được in ra thành 500 bản và bản bị đốt chỉ là 1 trong 500 bản này, được Pest Control, nơi duy nhất có thẩm quyền xác định tác phẩm Banksy thật, xác nhận.
Không chỉ phi vật thể, các loại tài sản vật thể cũng đang tăng giá chóng mặt. Theo tờ Nikkei, tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, sỏi túi mật bò được dùng để chế biến thuốc đông y đang sốt giá, cách đây bốn năm một cân chừng 100.000 tệ thì nay tăng lên nửa triệu tệ. Tại châu Âu, một chiếc xe Ferrari mô hình như đồ chơi trẻ em được bán với giá 120.000 euro; một chai rượu vang Romanee-Conti có giá hàng trăm ngàn đô la và một thẻ sưu tập bóng bầu dục được tranh mua với giá vài triệu đô la.
Một năm 2020 kinh tế thế giới bầm dập vì đại dịch Covid-19. Thế nhưng bất kể sản lượng hàng hóa và dịch vụ giảm sút như thế nào, tiền vẫn được chính phủ các nước không lơi tay bơm vào nền kinh tế. Các gói cứu trợ trực tiếp và gián tiếp đã ngăn một cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra song song với đại dịch nhưng hệ lụy là giá tài sản tăng vọt, tương đồng với lượng tiền khổng lồ được bơm vào.
Chúng vừa là ân nhân cứu mạng nhưng cũng có thể trở thành quái vật hủy diệt trong tương lai. Một khảo sát của Deutsche Bank cho thấy giới trẻ từ 25-34 tuổi sẽ chi một nửa tiền giải cứu để mua chứng khoán!
Chính vì thế giá cổ phiếu các công ty đang lao đao vì dịch bệnh vẫn tăng mạnh, tiền mã hóa bitcoin vẫn lên, đạt kỷ lục này đến kỷ lục khác. Trong khi dân thường hăm hở lao vào chứng khoán kỳ vọng làm giàu nhanh chóng, giới đầu tư chuyên nghiệp đang lượng định tình hình, xem thử tình hình hiện nay đã là một bong bóng sắp nổ hay chưa.
Ray Dalio, nhà quản lý một quỹ đầu tư phòng hộ là một người như thế. Theo tờ Nikkei, ông ta đang tính toán chỉ số bong bóng dựa vào sáu chỉ số có sẵn như chỉ số về niềm tin giá lên của thị trường qua nhiều năm. Chỉ số của Dalio tính hiện đang ở mức 77%, tức là rủi ro có tăng lên nhưng vẫn còn chỗ tiếp nhận thêm một mức tăng giá nữa trước khi thị trường sụp đổ như năm 1929 hay đợt bong bóng dotcom vào thập niên 1990. Lúc đó chỉ số này lên mức 100%.
Ngay chính tờ Nikkei cũng so sánh năm chỉ dấu và kết luận hiện có ba chỉ dấu cho thấy mức độ rủi ro bong bóng vỡ tung là cao. Chỉ dấu Buffett là tỷ lệ giữa tổng giá trị thị trường chứng khoán so với GDP, hiện tăng lên 186% ở Mỹ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ hồi bong bóng dotcom hay trước lúc xảy ra khủng hoảng tài chính vào cuối thập niên 2000.
Trong khi đó chỉ số giá nhà của Mỹ nay đã vượt mức ngay trước lúc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra. Còn theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế, giá nhà bình quân toàn cầu đã tăng 19% so với năm 2010, giá nhà tăng nhiều nhất ở Ấn Độ, Đức và Mỹ. Giá bất động sản ở các thành phố lớn của Trung Quốc đang tăng đến mức từ đầu năm nay các ngân hàng phải hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản cũng như vay mua nhà trả góp.
Điều chính phủ các nước cần làm, theo các nhà phân tích, là có một chiến lược rõ ràng cho thời kỳ hậu giải cứu bởi tỷ lệ nợ công trên GDP của nhiều nước vẫn đang tăng, nhiều nước ở mức kỷ lục như ở Mỹ, tỷ lệ này năm 2019 là 1,08 qua năm 2020 tăng lên 1,29 và đến năm 2021 vẫn tăng với gói kích cầu 1.900 tỉ đô la mới thông qua. Nếu không có giải pháp minh bạch, gánh nặng giải quyết khối tài sản giá cao hơn thực tế nhiều lần sẽ rơi vào vai các thế hệ tương lai.