Thứ Sáu, 19/03/2021 09:00

Rủi ro an toàn vốn phản ánh lên thị trường trái phiếu và chu kỳ khủng hoảng

Kể từ sau khủng hoảng 2008, các nhà hoạch định chính sách cũng như chính trị gia mong muốn tìm ra phương thức điều chỉnh giảm rủi ro hệ thống từ thị trường phái sinh. Hạn chế sự gia tăng đòn bẩy thông qua chỉ số “Tỷ lệ đòn bẩy bổ sung” (Supplementary leverage ratio – SLR) đã trở thành tâm điểm của phương thức quản lý mới. Chỉ số SLR được giới thiệu lần đầu bởi Uỷ Ban Basel trong năm 2010, được hoàn thiện năm 2014 và là một thành phần quan trọng trong Basel III.

Chỉ số SLR được xem tỷ lệ đòn bẩy vốn cấp 1 (cấu thành chủ đạo từ vốn cổ phần) chia cho tổng tài sản hợp nhất nội bảng và một vài tài sản ngoại bảng cụ thể bao gồm tài sản phái sinh vốn được cho là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng. Theo quy định mức tối thiểu mà các ngân hàng phải duy trì chỉ số này là 3%, tuy nhiên đối với các ngân hàng lớn (globally systemically important banks – G-SIB), mà theo định nghĩa là các ngân hàng quan trọng có thể ảnh hưởng đến rủi ro hệ thống tài chính toàn cầu, thì chỉ số cần phải duy trì thêm 1 bước đệm 2% cao hơn so với mức tối thiểu. Theo quy định của Mỹ áp dụng từ ngày 1/1/2018, các tập đoàn tài chính ngân hàng có tổng tài sản hợp nhất hơn 700 tỷ USD hoặc quản lý danh mục tài sản hơn 10,000 tỷ USD thì được coi là Ngân hàng lớn theo định nghĩa bên trên.

Sau khi thông tin Fed vẫn giữ nguyên quan điểm nới lỏng tiền tệ, duy trì lãi suất thấp đến năm 2023, kinh tế đang khôi phục nhanh, lợi suất trái phiếu điều chỉnh giảm về 1.645% sau khi tăng lên mức cao nhất trong ngày là 1.684%. Trái ngược với thời điểm 2020, lợi suất trái phiếu tăng do thị trường thiếu tiền/thanh khoản thì ngay tại lúc này điều đó hoàn toàn trái ngược, thị trường lại thừa tiền. Điều này thể hiện qua việc lãi suất qua đêm liên tục sụt giảm và hiện đang ở mức 0.07% trong khi đó tín phiếu kỳ hạn một tháng có mức lợi suất là 0.03%. Dù vậy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ lại liên tục tăng trong thời gian qua. Ngoài việc thị trường kỳ vọng lạm phát cao hơn, Fed sẽ thu hẹp chương trình mua lại trái phiếu hàng tháng (Hiện duy trì quanh mức 120 tỷ/tháng) và có tiến trình tăng lãi suất sớm hơn dự kiến thì trong ngắn hạn lực bán còn xuất phát từ rủi ro đáp ứng chỉ tiêu SLR của các ngân hàng lớn.

Ngân hàng trung ương mua lại trái phiếu tương tự như một giao dịch hoán đổi giữa 2 tài sản. Khi Fed mua tài sản trên thị trường thứ cấp, ví dụ như từ quỹ hưu trí thì không thể ghi nhận thành dự trữ bắt buộc được (một nghiệp vụ chỉ dành riêng cho ngân hàng). Thay vào đó, tiền này sẽ được gửi tại ngân hàng của họ. Kết quả là bảng cân đối kế toán của ngân hàng sẽ phình to ra, với việc ghi nhận một khoản nợ mới và tài sản mới.

Báo cái tài chính của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất tại Mỹ, tăng từ 2,700 tỷ lên 3,400 tỷ trong năm 2020, với mức tiền gửi tăng 35%. Việc tổng tài sản gia tăng có thể làm giảm chỉ số SLR. Nhận thấy tình hình này từ đầu năm 2020, các nhà lập pháp thông qua phương án cho phép các ngân hàng được loại trừ Trái phiếu kho bạc Mỹ và tiền gửi tại Ngân hàng dự trữ Liên Bang ra khỏi công thức SLR, tức là điều chỉnh giảm phần mẫu số khiến chỉ số SLR không bị rớt xuống quá nhanh, áp dụng cho đến cuối tháng 03/2021. Tính đến cuối năm 2020, chỉ số SLR tại JPMorgan là 6.9% tuy nhiên nếu không có các khoản loại trừ trên thì chỉ số này sụt giảm về mức 5.8%. Với thực tế là tiếp tục gia tăng khoản tiền gửi thì việc JPMorgan sớm chạm mức tối thiểu yêu cầu là 5% là không thể tránh khỏi. Dù tổng tài sản tăng lên, nhưng tăng trưởng cho vay vẫn ở mức thấp do tình hình kinh tế kém ổn định và đại dịch.

Các nhà đầu tư hiện tại trông chờ nhiều hơn từ báo cáo chi tiết biên bản cuộc họp của Fed, về việc kéo dài thời hạn loại trừ nhằm làm chậm sự sụt giảm nhanh từ chỉ số SLR. Giả định rằng việc kéo dài phương án loại trừ tài sản được thông qua, liệu điều này có khiến thị trường trở nên lành mạnh hơn? Vấn đề chỉ được giải quyết trong ngắn hạn. Việc chỉ số an toàn vốn tối thiểu được tính dựa trên kích cỡ của ngân hàng, nhưng lại không thê hiện đủ hoàn toàn trọng số rủi ro trong từng tài sản thật đáng thất vọng. Tất cả các yếu tố đều kích thích thị trường tiến vào tài sản phi nợ, chấp nhận rủi ro cao hơn.

Nếu như đợt khủng hoảng 2008 đã giúp chúng ta có những cải tiến trong việc quản trị dòng vốn rủi ro và chúng ta đã tuân thủ thực hiện trong một thời gian dài, thì nay khi đối mặt với “bẫy tăng trưởng”, những rào cản phòng thủ lại đang dần được loại bỏ. Tiền đề của cuộc khủng hoảng tài chính trước đây cũng từ việc đánh giá không đúng rủi ro của sản phẩm phái sinh, nợ dưới chuẩn, thì ngay lúc này việc khuyến khích dòng tiền vào các loại tài sản rủi ro hơn như thể một vòng lặp chờ sẵn mà thị trường không thể né tránh.

Lê Minh Thông, CFA, FRM, LL.M, Cựu Giám đốc ngoại hối Ngân hàng VietBank

FILI

Các tin tức khác

>   Dầu sụt hơn 7%, chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2020 (19/03/2021)

>   Cơn sốt công ty séc trắng tiếp diễn: Mức huy động vốn của quý 1/2021 vượt cả năm 2020 (18/03/2021)

>   Đảo ngược chính sách, Trung Quốc bắt đầu kiểm soát tín dụng (18/03/2021)

>   Vàng thế giới tăng sau quyết định từ Fed (18/03/2021)

>   Dầu giảm 4 phiên liền khi dự trữ tại Mỹ tăng (18/03/2021)

>   Vàng thế giới quay đầu giảm nhẹ khi đồng USD tăng (17/03/2021)

>   Dầu giảm 3 phiên liên tiếp (17/03/2021)

>   Cuộc họp tuần này của Fed có thể gây náo loạn cho thị trường tài chính? (16/03/2021)

>   Cú vấp của ông trùm bất động sản Vương Kiện Lâm (16/03/2021)

>   Ray Dalio: Đây là lúc mua tài sản có tỷ suất sinh lời cao và tránh xa trái phiếu (16/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật