Chấp nhận lạm phát để cứu vãn thị trường lao động?
Đa số các Chính phủ hiện nay đều tích cực mở rộng chính sách tài khóa để thay thế nhu cầu sụt giảm ở khu vực tư nhân, đồng thời nới lỏng tiền tệ để kích thích sức cầu trong nền kinh tế ở các khu vực khác sớm tăng trở lại, từ đó giúp thị trường việc làm phục hồi. Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách này có lẽ chỉ mang tính ngắn hạn nhất thời.
Thị trường lao động suy yếu
Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32.1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động vào cuối năm 2020 là hơn 1.36 triệu người, tăng xấp xỉ 180 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2.48%, cao gấp 1.15 lần so với năm 2019. Đáng lưu ý là tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị đã vọt lên mức 3.88%, cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Những ảnh hưởng của dịch Covid 19 đến thị trường lao động ngày càng thể hiện rõ ràng hơn. Giới quan sát cho rằng người lao động sẽ còn đối mặt với nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập trong giai đoạn tới, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, các hoạt động thương mại vẫn chưa thể nối lại được, khiến hoạt động của không ít doanh nghiệp hiện nay vẫn ở mức cầm chừng và sẽ còn rất lâu mới có thể đạt được mức toàn dụng trở lại…
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Như số liệu báo cáo mới đây tại Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 1/2021 đã giảm từ mức 6.7% của tháng 12/2020 xuống 6.3%, song nền kinh tế chỉ có thêm 49,000 việc làm do đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh ở nước này. Các số liệu thống kê cũng cho thấy tình trạng thất nghiệp tại một số quốc gia trên thế giới, như Canada, Mỹ, Trung Quốc gần đây đã giảm xuống nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế, khi thu nhập sụt giảm sẽ tác động xấu lên sức cầu tiêu dùng, từ đó càng khiến hoạt động sản xuất đình trệ và khó phục hồi, mà còn đưa đến nguy cơ tích lũy những mầm mống bất ổn xã hội, như trộm cướp, lừa đảo hoặc thậm chí gây rối loạn xã hội. Vì vậy, phải sớm giải quyết bài toán thất nghiệp đang gia tăng là mục tiêu quan trọng hiện nay.
Đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát
Đa số các Chính phủ hiện nay đều tích cực mở rộng chính sách tài khóa để thay thế nhu cầu sụt giảm ở khu vực tư nhân, đồng thời nới lỏng tiền tệ để kích thích sức cầu trong nền kinh tế ở các khu vực khác sớm tăng trở lại, giúp thị trường việc làm phục hồi. Đây là lựa chọn theo lý thuyết của nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes, vốn rất phổ biến trong hàng chục năm qua, khi tin rằng với nguồn cung tiền cao hơn và lãi suất thấp hơn sẽ thúc đẩy đầu tư mạnh hơn, giúp thu nhập gia tăng và tạo ra nhiều việc làm hơn.
Nếu như quan điểm của Keynes cho rằng vì có nhiều người thất nghiệp, nên nhu cầu tăng thêm có thể được đáp ứng mà không làm tăng giá, thì nghiên cứu thực tế của nhà kinh tế người New Zealand Bill Phillips cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp có liên hệ với lạm phát, thể hiện qua đường cong Phillips nổi tiếng. Cụ thể, khi tỷ lệ thất nghiệp cao, thì lạm phát – tốc độ tăng của giá, có xu hướng thấp. Khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát có xu hướng cao.
Quan điểm của Phillips đã trở thành một phần khác của hệ thống Keynes, đồng thời cung cấp hướng dẫn quan trọng cho các chính sách của Chính phủ. Theo đó, nếu nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, nhiều tài nguyên trong nền kinh tế không được sử dụng hiệu quả, Chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn để cắt giảm thấp nghiệp, với cái giá phải trả là lạm phát cao hơn. Mặt khác, nếu nền kinh tế đang vận hành quá nhanh dẫn đến lạm phát cao, thì Chính phủ có thể giảm chi tiêu hoặc tăng thuế để làm nền kinh tế phát triển chậm lại.
Trong khi đó, tư duy kinh tế thông thường cho rằng những nỗ lực của Chính phủ để giữ cho nền kinh tế tiếp tục chuyển động, cho dù thông qua chính sách tài khóa hay tiền tệ, sẽ là vô ích. Nền kinh tế sẽ tự tìm cách quay trở lại từ một cuộc suy thoái đến chỗ việc làm đầy đủ, do thất nghiệp tăng làm tiền lương sẽ giảm, các công ty sẽ tuyển dụng nhiều lao động hơn, và giá cả cũng giảm xuống, khuyến khích mọi người mua một số lượng lớn các hàng hóa chưa bán được.
Thực tế quá khứ cũng cho thấy, không ít nền kinh tế với những chính sách can thiệp của Chính phủ đã phải trải qua những giai đoạn lạm phát đình trệ kéo dài, tức tỷ lệ thất nghiệp cao, kinh tế đình trệ và lạm phát cao. Do đó, niềm tin vào nền tảng kinh tế học Keynes đi cùng với đường cong Phillips đã bị lung lay từ nhiều năm qua, và ngày càng có nhiều nhà kinh tế chỉ trích các hình thức can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế.
Nhà kinh tế người Mỹ Milton Friedman là một trong số đó, khi đã đưa ra một lý thuyết trái ngược với những lý thuyết của Keynes. Theo Friedman, sự gia tăng nguồn cung tiền khuyến khích chi tiêu và dẫn đến mức sản xuất cao hơn, nhưng sẽ chỉ có hiệu ứng trong ngắn hạn.
Cụ thể, khi Chính phủ thúc đẩy nền kinh tế bằng cách tăng nguồn cung tiền hoặc mở rộng tài khóa, nền kinh tế tăng trưởng trở lại, các công ty sẽ thuê nhiều người hơn để sản xuất và do đó giúp tỷ lệ thất nghiệp tạm thời giảm, thu nhập gia tăng cũng sẽ bắt đầu đẩy giá hàng hóa cao hơn, theo đúng nguyên lý đường cong Phillips hoạt động.
Tuy nhiên, Friedman tin rằng điều này chỉ có thể duy trì trong một khoảng thời gian ngắn. Mọi người làm việc nhiều hơn vì công ty trả cho họ mức lương cao hơn, nhưng giá các sản phẩm cũng sẽ bắt đầu tăng lên và khiến tiền lương thực tế của mọi người được đo bằng số lượng sản phẩm có thể mua không cao thêm nữa.
Một khi người lao động nhận ra điều này, họ ngừng làm việc nhiều như thế và nền kinh tế lại quay trở về với tỷ lệ có việc làm như ban đầu, thấp hơn. Hệ quả duy nhất là lạm phát trở nên cao hơn. Vì vậy, mặc dù việc thúc đẩy kinh tế của Chính phủ có thể hiệu quả một chút, nhưng sau đó là các di chứng tai hại: Tỷ lệ có việc làm như ban đầu trở lại đi kèm với lạm phát cao hơn.
Chính phủ chỉ có một cách để duy trì sự thúc đẩy đối với tỷ lệ có việc làm là cố gắng bơm tiền vào nền kinh tế lần nữa, đôi khi vì những áp lực chính trị hoặc ghi điểm cho kỳ bầu cử đến gần. Tiền lương và giá cả lại tăng cao hơn và như trước đây, tỷ lệ có việc làm tăng lên miễn là người lao động tin một cách sai lầm rằng mức tiền lương cao hơn của họ là cao hơn trên thực tế. Khi họ nhìn thấy sai lầm của mình, họ lại giảm nguồn cung lao động. Một lần nữa nền kinh tế trở lại mức thất nghiệp ban đầu với lạm phát cao hơn.
Điều đó cũng phần nào lý giải chu kỳ tăng trưởng và khủng hoảng của các nền kinh tế. Khi kinh tế suy thoái, Chính phủ can thiệp bằng cách bơm tiền để kích thích tăng trưởng nhưng cũng đồng thời tạo ra mầm mống cho một cuộc khủng hoảng trong tương lai. Vì vậy, việc phải giữ được ổn định vĩ mô và lạm phát ở mức thấp mới chính là nhiệm vụ quan trọng và tạo niềm tin cho xã hội, thay vì đánh đổi lạm phát để đạt được những chỉ tiêu khác chỉ có tính nhất thời.
Thực tế quá khứ cũng cho thấy không ít nền kinh tế với những chính sách can thiệp của Chính phủ đã phải trải qua những giai đoạn lạm phát đình trệ kéo dài, tức tỷ lệ thất nghiệp cao, kinh tế đình trệ và lạm phát cao. Do đó, niềm tin vào nền tảng kinh tế học Keynes đi cùng với đường cong Phillips đã bị lung lay từ nhiều năm qua, và ngày càng có nhiều nhà kinh tế chỉ trích các hình thức can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế.
|
Phan Thụy
FILI
|