Khắc phục 4 nguy cơ lớn, thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường vào 2045
Nghị quyết Đại hội XIII nêu: Đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Tổng bí thư khóa XIII, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành T.Ư phát biểu trước Đại hội XIII. Ảnh: Gia Hân
|
Các ý kiến cho rằng, nếu không khắc phục, vượt qua được 4 nguy cơ lớn mà Đảng đã chỉ ra, Việt Nam khó có thể đạt được các mục tiêu tới năm 2045 đã được Nghị quyết Đại hội XIII xác lập.
27 năm trước (1994), Đảng xác định: Tụt hậu về kinh tế, chệch hướng XHCN, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là “4 nguy cơ trước mắt” của Đảng. Tới nay, nhiều người cho rằng, cả 4 nguy cơ đã được Đảng chỉ ra vẫn đang tồn tại, thậm chí có phần gay gắt, phức tạp hơn.
Thách thức lớn đe dọa sinh mệnh của Đảng, tồn vong của chế độ
Tham luận góp ý vào các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và có mặt còn gay gắt hơn. Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng tại cuộc họp báo quốc tế sau đại hội khi nói về vấn đề này cũng khẳng định: “Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII tháng 1.1994 chỉ ra thì những năm vừa qua Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tích cực đấu tranh, ngăn ngừa. Tuy nhiên, hiện nay các nguy cơ này vẫn còn tồn tại, bên cạnh đó có thể còn có một số mặt diễn biến phức tạp hơn”.
Dưới góc độ thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng: “Đất nước đang đứng trước 3 thách thức lớn đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Cụ thể, theo ông Lâm, thách thức đầu tiên là âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng. Thách thức thứ ba là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạp.
“Trong 3 thách thức nêu trên, nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất”, ông Lâm khẳng định.
Dẫn lại câu nói nổi tiếng của Lênin từ đầu thế kỷ 20: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”, PGS-TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu cũ là do những sai lầm của chính đội ngũ những người cộng sản cầm quyền từ phương diện chính trị, tư tưởng, tổ chức và đặc biệt là xây dựng Đảng.
Ông Thảo cho biết, Báo cáo chính trị Đại hội XIII vừa qua đã khẳng định, tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; tình trạng tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nguy cơ mà còn là thách thức không thể xem thường, đe dọa sự tồn vong của công cuộc đổi mới và chế độ xã hội. “Nhận định ấy tôi cho là đủ sức cảnh tỉnh, đánh giá đúng tầm của nguy cơ này”, ông Thảo nhìn nhận và cho rằng, để vượt qua được nguy cơ này, điều tiên quyết là phải nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, tính gương mẫu của đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng.
“Thời gian qua, chúng ta thấy rằng, hầu như không có một vụ án lớn nào được phát hiện, phanh phui ra thông qua sinh hoạt Đảng thường kỳ tại các chi bộ, Đảng bộ cơ sở. Tại sao lại thế? Do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết hay là thiếu trách nhiệm? Hay là an phận thủ thường, là thờ ơ chính trị của đảng viên?”, ông Thảo nêu và cho rằng, dù nguyên nhân thế nào thì đây cũng là dấu hiệu sa sút về sức chiến đấu rất đáng lo ngại trong Đảng và đây là vấn đề cần ưu tiên số 1 để vượt qua nguy cơ tham nhũng, suy thoái trong nội bộ Đảng.
Đặc biệt coi trọng nguy cơ tụt hậu về kinh tế
Trong khi đó, GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, thì cho rằng nguy cơ về tham nhũng, suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống... là nguy cơ trong nội bộ Đảng, Nhà nước. “Nhiệm kỳ vừa qua sở dĩ làm được một số việc rất tốt trong chống tham nhũng, củng cố lòng tin trong nhân dân là vì chính Đảng khởi xướng, chủ động và quyết liệt trong vấn đề này”, ông Đường nhận định và cho rằng, để vượt qua nguy cơ này, Đảng phải tiếp tục, quyết tâm mạnh mẽ hơn với tinh thần thực sự “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” như nhiệm kỳ vừa qua.
Tuy nhiên, theo GS-TS Trần Ngọc Đường, nguy cơ “phải đặc biệt coi trọng” cần phải khắc phục chính là nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về kinh tế. Ông Đường phân tích, hiện nay khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, nhất là với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã làm thay đổi các quan hệ xã hội, suy nghĩ, tư duy của con người. Bên cạnh đó, thế giới ngày nay cũng diễn biến rất khó lường với những vấn đề an ninh phi truyền thống, từ thiên tai cho tới dịch bệnh.
“Nếu không vượt qua nguy cơ tụt hậu về kinh tế, trong đó có nguy cơ tụt hậu về khoa học, công nghệ thì khó mà đạt được các mốc mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu ra là đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”, ông Đường nói, đồng thời cho rằng để vượt qua được nguy cơ này, cần phải có sự đề phòng, chuẩn bị chu đáo, chủ động, linh hoạt chứ không thể dựa vào chiến lược chung chung.
Phải có giải pháp tích cực, làm đồng bộ, bài bản
Theo GS-TS Trần Ngọc Đường, thực tế cả 4 nguy cơ lớn mà Đảng chỉ ra “có quan hệ móc xích với nhau”, nếu khắc phục được nguy cơ này thì sẽ tác động tốt tới việc khắc phục, hạn chế các nguy cơ khác. Do đó, cần phải có chiến lược, giải pháp để vượt qua, khắc phục các thách thức mà Đảng đã nhận ra.
Quan điểm của ông Đường cũng được các lãnh đạo Đảng khóa XIII chia sẻ. Trả lời tại họp báo sau đại hội về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, khẳng định các nguy cơ, thách thức nêu trên có mối quan hệ “tương tác”.
“Muốn xử lý các vấn đề này thì phải làm đồng bộ, bài bản và phải có những giải pháp rất tích cực. Chẳng hạn, chống tham nhũng, lãng phí mà chúng ta làm tốt thì chính là góp phần khắc phục tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, và cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, ông Thắng phân tích. Từ đó, ông Thắng cho rằng một hệ thống thể chế, pháp luật và chế tài đồng bộ, đặc biệt là kiểm soát quyền lực, chế tài xử lý nghiêm minh kết hợp với giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân là trọng tâm để khắc phục các nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra.
Ông Võ Văn Thưởng cũng cho rằng 4 nguy cơ này có quan hệ chặt chẽ và nguy cơ nào cũng nguy hại, đều phải đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi, không thể chủ quan xem thường bất cứ nguy cơ nào. “Nếu xét về tổng thể thì yếu tố bên trong, yếu tố nội lực của Đảng, đất nước, dân tộc là quan trọng nhất. Các thế lực thù địch luôn luôn muốn thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với Đảng ta, chế độ ta. Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng rằng, nếu chúng ta thực sự đoàn kết, vững vàng, bản lĩnh chính trị cao và dựa trên trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân thì không có thế lực nào có thể ngăn cản con đường phát triển của đất nước chúng ta”, ông Thưởng khẳng định.
Tổng bí thư Lào chúc mừng thành công của Đại hội Đảng XIII
Ngày 2.2, Tổng bí thư, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã có cuộc điện đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư, Thủ tướng Lào chúc mừng Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội XIII; bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, xây dựng Việt Nam trở thành một đất nước hùng cường và thịnh vượng vào giữa thế kỷ 21.
Tổng bí thư, Thủ tướng Lào cũng gửi lời chúc mừng nhân 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
TTX Việt Nam
|
Lê Hiệp
Thanh niên
|