CNBC đánh giá Việt Nam là nền kinh tế thành công nhất trong đại dịch
Việt Nam có thể là nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á giữa lúc đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành. Đây là nhận định được đưa ra trong bài viết đăng trên trang CNBC ngày 28/1.
* Truyền thông quốc tế đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Thốt Nốt. (Ảnh: TTXVN)
|
Việt Nam có thể là nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á giữa lúc đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành. Đây là nhận định được đưa ra trong bài viết đăng trên trang CNBC của Mỹ ngày 28/1.
Bài viết trên lý giải sở dĩ Việt Nam đạt được “kỳ tích” trên là nhờ kinh tế nước này không có quý nào tăng trưởng âm trong cả năm 2020, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên toàn cầu “điêu đứng” bởi đại dịch.
Hiện không phải nền kinh tế châu Á nào cũng đã có báo cáo về tăng trưởng kinh tế quý IV/2020 và cả năm 2020. Tuy nhiên, theo tính toán của CNBC dựa trên các nguồn chính thức, trong đó có cả nguồn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Việt Nam vượt trội so với các nước trong khu vực năm 2020.
Theo số liệu thống kê của chính phủ công bố cuối tháng 12/2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,9% so với năm trước. Các nhà kinh tế thuộc bộ phận nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng Bank of America (Mỹ) nhận định: “Với thành tích này, Việt Nam có tăng trưởng cao nhất trong năm mà phần lớn thế giới chìm trong suy thoái.”
Nhiều nhà kinh tế lạc quan rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trong năm 2021. Ngân hàng này dự báo nền kinh tế Việt Nam có thể tăng 9,3% trong năm 2021 – tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức 6,7% mà Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo.
Theo bài viết, ngành sản xuất của Việt Nam chính là động lực giúp kinh tế có thành tích vượt trội năm 2020. Sản xuất tăng nhờ nhu cầu xuất khẩu bền vững. Các nhà kinh tế cho rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong những năm tới.
Báo cáo tháng 12/2020 của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng nhận định "xuất khẩu Việt Nam trong những năm tới có quy mô tăng trưởng lớn.” Theo hãng tư vấn này, việc Việt Nam ký một số hiệp định thương mại mới với Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu có thể thúc đẩy hơn nữa dòng chảy thương mại.
Không chỉ vậy, lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam, vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19, đã hồi phục vào cuối năm 2020. Các chuyên gia kinh tế cho rằng mức độ phục hồi của ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, sẽ quyết định tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam về lại mốc như thời kỳ trước đại dịch COVID-19.
Ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế châu Á cấp cao của Capital Economics, cho rằng triển vọng của ngành du lịch “rất thấp,” song ông dự báo tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói này ở Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt 10%. Đây là một trong những tín hiệu lạc quan nhất trên thị trường./.
Nguyễn Thị Ngọc Hà
Vietnam+
|