Nhà nước kiến tạo phát triển là lựa chọn phù hợp
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển này có thể là lựa chọn phù hợp với Việt Nam.
Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy công nghiệp hóa. Ảnh: Thái Nguyễn
|
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Việt Nam với tư cách là một quốc gia có 'gốc gác' Đông Bắc Á về mặt văn hóa và truyền thống tập quyền cho T.Ư, thì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển này có thể là lựa chọn phù hợp.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục lựa chọn hoàn thiện đồng bộ thể chế là một đột phá chiến lược của giai đoạn tới. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, để cải cách thể chế thực sự là khâu đột phá.
Ông phân tích: “Khi nói đến thể chế, nhiều người hay nghĩ ngay tới cách tổ chức quyền lực nhà nước. Nhưng thể chế còn được hiểu là cách thức nhà nước vận hành nền kinh tế, mà bản chất là xác lập mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Theo đó, nhà nước có thể được phân chia thành nhà nước điều chỉnh, nhà nước kế hoạch hóa tập trung, nhà nước thị trường xã hội, nhà nước phúc lợi và nhà nước kiến tạo phát triển”.
Chúng ta cũng cần tập trung cải cách thể chế để tạo động lực cho kinh tế số và bảo đảm sự phát triển hài hòa với môi trường. Đó cũng là những vấn đề nóng bỏng của đất nước trong giai đoạn sắp tới
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
|
Bắt đầu từ lựa chọn mô hình nhà nước
* Vậy trong 5 mô hình trên, mô hình nào là lựa chọn phù hợp với Việt Nam?
- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thực tế cho thấy sự thành công của mô hình thể chế kinh tế có thể không phụ thuộc quá nhiều vào thể chế chính trị, song lại rất phụ thuộc vào nền tảng văn hóa mà mỗi quốc gia có được. Chẳng hạn, mô hình nhà nước điều chỉnh chỉ thành công ở 5 nước là Anh, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand - những nước có nền văn hóa tương đồng. Mô hình nhà nước phúc lợi chỉ thành công với nền tảng văn hóa Bắc Âu. Và thực tiễn cũng chứng minh, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thành công tại nhiều nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... và gần đây là cả Trung Quốc hoặc Singapore (Đông Nam Á), mặc dù thể chế chính trị của các nước này là khác nhau. Việt Nam với tư cách là một quốc gia có “gốc gác” Đông Bắc Á về mặt văn hóa và truyền thống tập quyền cho T.Ư thì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển này có thể là lựa chọn phù hợp.
* Nếu mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là lựa chọn phù hợp như ông nói thì chúng ta sẽ “đi” như thế nào, thưa ông?
- Đặc trưng cơ bản của mô hình nhà nước này là nhà nước trực tiếp đề ra một kế hoạch phát triển công nghiệp (với những tham vọng lớn) và đầu tư mạnh mẽ về cơ chế, chính sách và nhiều khuyến khích khác để thúc đẩy công nghiệp phát triển. Các quốc gia tôi kể ở trên đều có một con đường chung như vậy.
Hiện giờ chúng ta không nói mạnh về công nghiệp hóa nữa. Nhưng không có công nghiệp hóa thì ta rất khó có thể đạt mục tiêu bình quân GDP đầu người 45.000 USD. Chúng ta nhớ rằng, vào năm 2018, doanh thu của Hãng sản xuất ô tô Toyota đã lớn hơn GDP của Việt Nam. Và tới năm 2020 thì doanh thu vẫn bằng 80% GDP của chúng ta. Không công nghiệp hóa thì không thể giàu được.
Nếu muốn thúc đẩy công nghiệp hóa thì buộc nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy và dẫn dắt, nhất là với các doanh nghiệp (DN) trong nước. Chúng ta có một ví dụ rất gần đây là chỉ cần giảm thuế trước bạ cho DN sản xuất ô tô trong nước nửa năm (2020) thì các DN như Vinfast đã có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước. Nếu không có sự “can thiệp” của nhà nước, các DN non trẻ như Vinfast không thể cạnh tranh một cách bình đẳng với những DN đã có truyền thống hàng trăm năm từ bên ngoài.
* Nhưng trong bối cảnh “hội nhập” sâu rộng như hiện nay thì sự can thiệp của nhà nước để hỗ trợ cho các DN trong nước, thúc đẩy công nghiệp hóa có vẻ là đi ngược xu hướng?
- Thực tế kể từ Đại hội VI của Đảng, khi thừa nhận kinh tế thị trường, chúng ta đã thật sự từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung, mà đi theo rất gần với mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Nhưng chính sách của chúng ta thiếu nhất quán và có vẻ chúng ta đang ngày càng đi xa dần mô hình này. Thị trường tự do, cắt giảm tối đa sự can thiệp của nhà nước dường như là tư duy đang dẫn dắt chúng ta.
Việc tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại tự do gần đây tạo ra nhiều cơ hội song đặt ra nhiều khó khăn cho lựa chọn này. Các quốc gia lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển trước đây có thể làm được nhiều hơn vì tính “hội nhập” không như hiện nay. Bây giờ, khi đã hội nhập, chúng ta buộc phải tuân thủ luật chơi của các tổ chức quốc tế mà thường là các quốc gia phương Tây áp đặt. Do đó, không gian chính sách để có thể tác động thị trường, hỗ trợ DN trong nước còn rất ít.
Trong bối cảnh đại dịch, kinh tế tư nhân đã khẳng định vai trò quan trọng Ảnh: Hoàng Triều
|
Tập trung vào những vấn đề “vướng” nhất
* Thực tế thì bên dưới khuôn khổ khái niệm chung là mô hình thể chế, chúng ta cũng còn những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của thực tiễn đòi hỏi cải cách thể chế phải tập trung vào, thưa ông?
- Có lẽ cải cách thể chế của chúng ta trong giai đoạn tới nên tập trung vào những vấn đề đang vướng nhất, những vấn đề mà thực tế đang đặt ra. Đầu tiên, chính là những vướng mắc trong luật Đất đai. Chúng ta cũng nhận thấy là những bất cập, bức xúc của xã hội trong giai đoạn qua đều bắt nguồn từ đây. Rất nhiều cán bộ, quan chức bị kỷ luật, xử lý hình sự đều liên quan tới đất đai. Và tới hiện nay thì không khéo liên quan đến đất đai là không ai dám làm gì cả. Nó làm ách tắc cả nền kinh tế.
Chúng ta nói đất đai là sở hữu của toàn dân, nhà nước quản lý, nhưng nhà nước là khái niệm chung trong khi các quan chức cụ thể thực hiện chức năng quản lý ấy lại có 3 quyền rất lớn là quyền chuyển đổi, quyền định giá và quyền thu hồi. Ba quyền nói trên phải được giám sát và xác lập lại hệ thống cho nó vận hành rõ ràng, dựa trên những nguyên tắc cơ bản nhất của quyền tài sản. Không để các quan chức nắm quyền có thể quyết định một cách độc đoán. Tuy chúng ta không thừa nhận tư hữu đất đai, nhưng khi người dân đã có quyền sử dụng, thì người dân phải có quyền tài sản đối với đất đai đó. Và chỉ khi các quyền tài sản đối với đất đai có thể chuyển đổi tự do theo thị trường, giá thị trường mới được xác lập, và đất đai mới được sử dụng đạt hiệu quả tối đa.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập trung cải cách thể chế để tạo động lực cho kinh tế số và bảo đảm sự phát triển hài hòa với môi trường. Đó cũng là những vấn đề nóng bỏng của đất nước trong giai đoạn sắp tới.
Cần có mô hình hiệu quả về tuyển chọn người tài cho bộ máy công chức. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Cần một bộ máy hành chính tinh hoa, hiệu quả
* Vậy với những vấn đề đang đặt ra mà ông vừa nêu, đâu sẽ là giải pháp?
- Để có thể thúc đẩy, giải quyết tất cả những vấn đề đặt ra, tôi cho rằng bộ máy hành chính công vụ, tức bộ máy thực thi, phải chuyên nghiệp và tài giỏi; và thực thi được chính sách một cách hiệu quả. Đây cũng là một đặc trưng của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển: một bộ máy hành chính gọn nhẹ, nhưng tinh hoa và hiệu quả; đồng thời được trao quyền đầy đủ để đưa ra những sáng kiến và vận hành hiệu quả.
Chúng ta đã nói rằng không gian chính sách để nhà nước có thể can thiệp, hỗ trợ DN trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp về thuế quan, hàng rào kỹ thuật là gần như bằng 0, nhưng với hàng rào thủ tục thì hoàn toàn khả thi. Để làm được điều này, chúng ta cần những công chức thật sự tài giỏi, biết cách làm việc. Điều này cũng đúng đối với những vấn đề thực tế đặt ra, từ vướng mắc trong đất đai cho tới kinh tế số hay phát triển bền vững, bảo vệ môi trường...
* Nhưng khi nói đến “người tài trong khu vực công” là chúng ta nghĩ ngay đến chính sách tuyển chọn thế nào cho hiệu quả... Liệu có khả thi chăng?
- Tôi nghĩ là hoàn toàn khả thi. Bây giờ anh thi xem ai giỏi nhất thì chọn vào, anh có làm được không? Sao không làm được? Chúng ta có rất nhiều mô hình có thể học được như Nhật Bản, Singapore hay Đài Loan. Ở Nhật, có hẳn kỳ thi quốc gia để làm công chức. Chỉ 6% người dự thi có chứng chỉ quốc gia mới được tuyển làm công chức và đó là những công chức cực kỳ tài giỏi. Ở Đài Loan có Viện Khảo thí quốc gia, và quyền khảo thí được coi là quyền lực thứ 5 của nhà nước. Nhờ đó, Đài Loan luôn chọn được những người giỏi nhất cho bộ máy hành chính. Nói như vậy nghĩa là, hoàn toàn có thể làm được về mặt kỹ thuật. Vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không.
Thách thức kinh tế lớn nhất là bẫy thu nhập trung bình
Trong suốt thời gian chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài đã tiếp nhận hàng nghìn ý kiến đóng góp tâm huyết của kiều bào cho đại hội, nhằm định hình con đường sắp tới của đất nước.
Những thành tựu đạt được 35 năm qua là không thể phủ nhận, nhưng không phải lý do để chúng ta hài lòng với những gì chúng ta đạt được. Đây là tâm tư rất nhiều kiều bào gửi gắm. Việt Nam cần vươn lên một vị thế xứng đáng hơn. Bà con nhấn mạnh rằng so sánh GDP đầu người cũng chỉ là phương pháp so sánh số học; kết quả chính xác nhất là những gì mà người dân được thụ hưởng.
Một số bà con cũng lưu ý rằng trong giai đoạn tới, rủi ro mắc bẫy thu nhập trung bình thấp có lẽ sẽ là thách thức kinh tế lớn nhất đối với Việt Nam. Để thoát bẫy này, Việt Nam sẽ không chỉ cần tăng trưởng nhanh trong nhiệm kỳ tới, mà còn cần phát triển bền vững trong nhiều nhiệm kỳ. Để được như vậy, Việt Nam sẽ cần đổi mới mô hình phát triển của mình, dựa trên chất lượng tăng trưởng, công nghệ hiện đại, chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới dựa trên sáng tạo. Giáo dục, đào tạo, công nghệ và sức khỏe sẽ giúp tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP), từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Mục tiêu thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 là rất khó khả thi nếu không có khát vọng, quyết tâm và các giải pháp đột phá sáng tạo.
Bà con nhất trí cao với những nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là thị trường quyền sử dụng đất; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo thuận lợi cho người dân. Muốn thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế, trước hết phải có hệ thống tư pháp, pháp luật trong sạch, vững mạnh để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Do mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là duy nhất trên thế giới, cần tiếp tục làm rõ sự phù hợp của mô hình này với quy luật khách quan, đồng thời thể hiện được những điểm mới của công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong bối cảnh kỷ nguyên số.
Lương Thanh Nghị (Phó chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài)
|
Cần chính sách thông thoáng cho các start up
Nên chăng có thể lựa chọn những doanh nhân, nhà khoa học kiều bào có thực tài, tâm huyết, khả năng điều hành DN, có tài chính... tham gia vào các lĩnh vực trong hệ thống công quyền của đất nước? Khi đó, chắc chắn kiều bào sẽ đóng góp được nhiều hơn, hiệu quả hơn và tương xứng với khả năng, thật sự chung tay góp sức giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.
Với tư cách mà một Việt kiều có nhiều hoạt động đầu tư trong nước, tôi có mấy kiến nghị: (1) Nguồn kiều hối như chúng ta đã biết là cực kỳ quan trọng để cân bằng cán cân thương mại, góp phần ổn định và xây dựng từ gia đình cho đến xã hội tốt đẹp hơn. Dưới bất kỳ hình thức nào đây là nguồn lãi ròng trở về đất nước. Nên cần có chính sách tốt hơn, thuận tiện hơn. (2) Kỷ nguyên 4.0 và kinh tế số đã và đang phát triển bao phủ toàn cầu, Việt Nam cũng đang tích cực trong vấn đề này. Cần lắm một chính sách thông thoáng cho bà con trong nước và bà con ở nước ngoài khi thành lập công ty tư nhân hoặc công ty cổ phần cũng như các bạn trẻ khởi nghiệp không bị rào cản. (3) Việc mua bán, chuyển nhượng nhà cửa (bất động sản) cần tháo gỡ những khó khăn, cách làm của từng địa phương khác biệt và hiện còn nhiêu khê cho bà con Việt kiều.
Nguyễn Hoài Bắc (Việt kiều Canada)
|
Kỳ vọng gửi Đại hội Đảng
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát một cách ổn định tại Việt Nam. Điều này thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vị thế của Việt Nam với bè bạn khắp năm châu.
Với tư cách là một cán bộ ngành y tế, một đảng viên trẻ, tôi mong muốn gửi gắm đến đại hội với niềm tin yêu Đảng sẽ tiếp tục lãnh đạo tốt công tác quản lý nhà nước về y tế, xây dựng các chính sách về y tế, đảm bảo an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế.
Cụ thể nhất là làm sao người dân khắp mọi miền đất nước được chăm sóc y tế một cách công bằng và chất lượng tốt như nhau. Ngoài ra, nhà nước có chế độ để đào tạo cán bộ y tế trở thành những người có chuyên môn sâu, đáp ứng được nhu cầu, tình hình chăm sóc sức khỏe của người dân. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh công tác triển khai, chủ động phòng chống dịch, không để dịch lây lan rộng và không để xảy ra tử vong do dịch; Hoàn thiện và phát triển tổ chức bộ máy của ngành đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý, công tác chuyên môn đối với lĩnh vực y tế.
Trương Văn Đạt (Trưởng phòng Công tác sinh viên, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM)
|
Mong muốn kinh tế tư nhân được hậu thuẫn để lớn mạnh
Trong dự thảo các văn kiện trình đại hội đã được đưa ra lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, tôi hết sức tâm đắc với 3 đột phá chiến lược tiếp tục được đưa vào văn kiện đại hội. Thể chế tốt, nhân lực mạnh, hạ tầng hiện đại, sẽ là kiềng 3 chân đưa nền kinh tế - xã hội đất nước ta phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Là một doanh nhân, tôi mong muốn nhiệm kỳ tới đây tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị T.Ư 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân.
Hơn một năm qua, khi cả nước phải gồng mình để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch Covid-19, chúng ta đã tận mắt chứng kiến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Từ những tập đoàn lớn mạnh cho đến những DN vừa, DN nhỏ, đã chung tay đóng góp hàng ngàn tỉ đồng, trang thiết bị, thuốc men, vật chất khác để hỗ trợ Chính phủ và nhân dân khống chế đại dịch, bảo đảm kinh tế tăng trưởng dương, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Tiếp tục sách lược đúng đắn, hậu thuẫn cho khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh là để thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững, làm cho dân giàu, nước mạnh...
TS Trần Khắc Tâm (Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, Phó chủ tịch Hội đồng các hiệp hội DN ĐBSCL)
|
Thanh Niên
Thanh niên
|