Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Một nhiệm kỳ 'vượt bão'
Mặc dù hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ bất thường... nhưng tốc độ tăng GDP bình quân của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 5,9%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII tại Trung tâm hội nghị quốc gia. Ảnh: Gia Hân
|
Vừa “kiềm” lạm phát, vừa “thúc” tăng trưởng
Theo dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển trong 5 năm (2021 - 2025)”, có nhiều nguyên nhân để đạt được kết quả ấn tượng trên. Trong đó, nổi bật là nền tảng vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng 4%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 (7,65%), trong phạm vi mục tiêu đề ra (dưới 4%). Lạm phát cơ bản bình quân được kiểm soát tốt qua các năm, giữ mức tương đối ổn định, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 dự báo ở mức 1,81%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 là 5,15%.
GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015.
Thu hút vốn FDI và số dự án tăng mạnh trong giai đoạn 2016 - 2019. Giai đoạn này, kinh tế thế giới chưa có những cải thiện đáng kể về mức tăng trưởng, dao động từ 3,1 - 3,7%. Đối với Việt Nam, đây là giai đoạn tăng cường hội nhập sâu với thế giới và có những cải thiện về chính sách liên quan đến đầu tư.
Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch hàng hóa tăng 1,7 lần, từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 517 tỷ USD năm 2019 và năm 2020 mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 vẫn đạt khoảng 527 tỷ USD, tương đương trên 190% GDP. Riêng xuất khẩu hàng hóa tăng từ 162 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 267 tỷ USD năm 2020, tăng bình quân 10,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 (tăng 9 bậc) trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. TS Jacques Morisset, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, đã nhận định Việt Nam là một nền kinh tế có khả năng phục hồi cao hơn nhiều nước trên thế giới và “Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ dự Ngày hội Thi đua yêu nước tháng 12.2020. Ảnh: TTXVN
|
“Vươn ra biển lớn”
Theo các chuyên gia, một dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ này là chúng ta cũng đã chuẩn bị rất tốt các hành trang hội nhập kinh tế quốc tế, với các hiệp định CPTPP, EVFTA, EVIPA, RCEP. Chính phủ đã tạo những đột phá về quan hệ kinh tế quốc tế cho sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Cuối năm 2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết sau 8 năm đàm phán. Đây được coi là dấu ấn hội nhập đặc biệt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Hiệp định RCEP dự kiến sẽ tạo nên một thị trường với quy mô lên tới 2,2 tỉ người tiêu dùng; GDP gần 27.000 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu. Bên cạnh RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được ký nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết lên con số 16.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá: Các FTA này được coi là công cụ và nền tảng quan trọng để giúp các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách và thực thi các biện pháp cùng với mở cửa thị trường, hoàn thiện thể chế pháp luật để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản trị quốc gia cũng như tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền theo hướng văn minh dân chủ và phát triển.
Nguồn: Tổng cục Thống kê - đồ họa: hồng sơn
|
“Kỳ tích” trong công nghiệp
Trong nhiệm kỳ vừa qua, nền sản xuất công nghiệp vốn được đánh giá là “trình độ còn thấp”, chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao đã cùng chứng kiến một sự kiện mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi là “kỳ tích” của Việt Nam. Đó là vào ngày 14.6.2019 Nhà máy sản xuất ô tô VinFast (Cát Hải, TP.Hải Phòng) đã được khánh thành và 3 ngày sau, hàng trăm chiếc xe VinFast Fadil đã đến tay người tiêu dùng Việt, đánh dấu ngành công nghiệp xe hơi trong nước đã sản xuất hàng loạt chiếc xe thương hiệu Việt. Sau Fadil, VinFast đã cho xuất xưởng thêm các dòng xe khác. Bên cạnh đó, việc một tập đoàn như VinGroup đầu tư vào sản xuất công nghiệp được nhiều chuyên gia đánh giá là bước chuyển tích cực khi hầu hết tập đoàn lớn tại Việt Nam chủ yếu làm giàu nhờ đầu tư bất động sản và dịch vụ.
Cùng với những bước tiến trong công nghiệp sản xuất, ngành công nghiệp năng lượng trong 5 năm qua cũng chứng kiến sự tăng trưởng kỷ lục của ngành năng lượng tái tạo.
Nếu như đầu 2016, cả nước có chưa tới 100 MW điện gió, điện mặt trời và Quy hoạch điện 7 xây dựng năm 2016 đặt mục tiêu đến 2020 có khoảng 1.650 MW cho cả 2 loại hình thì tính đến hết 2020 tổng công suất lắp đặt điện gió, điện mặt trời đã vượt con số 7.000 MW, chưa tính hơn 1.200 MW điện mặt trời mái nhà. Đặc biệt, trong vài tháng giữa năm 2019, có tới 90 dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành, một con số được gọi là “chưa có tiền lệ” ngay cả trên thế giới. Hiện tại, tổng công suất của điện năng lượng tái tạo đã chiếm trên 10% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Trong Quy hoạch điện 8 đang được Bộ Công thương xây dựng cũng xác định, sẽ tập trung cho nguồn năng lượng tái tạo.
Lê Hiệp
Thanh niên
|