Tương lai bất định cho dòng vốn đầu tư nước ngoài?
Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt trong thời gian qua, khi nhiều tập đoàn đa quốc gia quyết định chọn Việt Nam như là thị trường đầu tư hấp dẫn nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng xu hướng này liệu có tiếp tục trong giai đoạn tới?
Vì đâu 2020 sụt giảm?
Sau khi đạt mức kỷ lục đến 38 tỷ USD trong năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2020, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn 28.5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Đáng lưu ý là dòng vốn đầu tư gián tiếp giảm mạnh, khi chỉ còn 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7.5 tỷ USD, giảm 51.7%. Ngoài ra, có 2,523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14.6 tỷ USD, giảm 35% về số dự án và giảm 12.5% về số vốn đăng ký so với năm trước.
Những năm trước đây, câu chuyện chiến tranh thương mại hay Việt Nam đã tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), từ CPTPP đến EVFTA, đã biến Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế thu hút vốn đầu tư lớn nhất thế giới, cộng thêm môi trường vĩ mô ổn định và đồng nội tệ giữ được giá trị làm tăng niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nhiều quốc gia khác phá giá mạnh tiền tệ.
Năm 2020 vừa qua dù Việt Nam tiếp tục ký kết thêm các Hiệp định FTA, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA Việt Nam – Anh UKVFTA), nhưng trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đã khiến dòng vốn đầu tư bị chững lại, do chính sách phong tỏa và giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia, hoạt động thương mại, vận tải hàng không bị thắt chặt ảnh hưởng lên chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia.
Trong khi đó, các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của các tập đoàn kinh tế tư nhân trong năm qua cũng trì trệ hơn, khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán bất chấp thị trường đã phục hồi mạnh mẽ kể từ tháng 4.
Dù triển vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng thị trường trong 1-2 năm tới, dòng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế được kỳ vọng sẽ rót vào Việt Nam trước để đón đầu cơ hội nâng hạng, nhưng nhìn vào động thái của khối ngoại trong năm qua khiến không ít người nghi ngờ về triển vọng phía trước.
Ngoài ra, ở dòng vốn đầu tư trực tiếp, giá trị vốn đã được giải ngân trong năm 2020 là 20 tỷ USD, cũng giảm 2% so với năm trước. Nếu dòng vốn đăng ký thể hiện sự cam kết và đánh giá tích cực của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam, thì việc giải ngân là hiện thực hóa những cam kết này, nên cả 2 dòng vốn này đều sụt giảm là một tín hiệu không mấy tích cực.
2021 bất định
Với tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn tiến phức tạp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng mới đây, dòng vốn đầu tư quốc tế dự kiến có thể tiếp tục trì trệ trong thời gian tới. Cũng cần lưu ý rằng với thành tích phòng chống dịch bệnh tốt trong năm 2020 vừa qua cũng đã góp phần giúp dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam không giảm quá sâu như các nước khác, do đó kết quả chống đại dịch đang bùng phát trở lại hiện nay trong nước cũng sẽ ảnh hưởng lên dòng vốn rót vào Việt Nam trong năm nay.
Nhìn lại năm 2020, thống kê cho thấy trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trực tiếp được cấp phép mới tại Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 6.2 tỷ USD, chiếm 42% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1.6 tỷ USD, chiếm 10.8%; Đài Loan (TQ) 1.5 tỷ USD, chiếm 10.3%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 1.3 tỷ USD, chiếm 8.7%; Hàn Quốc 1.2 tỷ USD, chiếm 8.2%; Nhật Bản 786 triệu USD, chiếm 5.4%.
Thực tế vào cuối năm 2020 Việt Nam đã phải hứng chịu những cáo buộc thao túng của Hoa Kỳ, mà có thể khiến nhà đầu tư quốc tế lo ngại điều đó sẽ mở đường cho các hàng rào thuế quan thương mại áp lên hàng Việt Nam trong tương lai. Điều này sẽ tác động đến các chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia đang muốn chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất mới.
|
Cần lưu ý rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy dòng vốn rất lớn từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam trong 2 năm qua, giúp nước này vươn lên nằm trong tốp nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam thời gian này, nhưng cuộc thương chiến có thể hạ nhiệt trong giai đoạn tới dưới nhiệm kỳ của tân tổng thống Biden, khi ông này được cho là sẽ có các chính sách hòa nhã hơn.
Thậm chí trong trường hợp ông Biden vẫn theo đuổi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc như dưới thời ông Trump, chính sách tiếp cận của ông cũng khác, theo đó ông này cần phải mất thời gian để xây dựng một liên minh thương mại chống lại Trung Quốc, do đó cũng sẽ làm sự dịch chuyển dòng vốn này bị chững lại.
Một điểm đáng lưu ý khác là dòng vốn từ Trung Quốc gia tăng cũng đưa ra những lo ngại về tình trạng núp bóng đầu tư để giả mạo, gian lận xuất xứ hàng hóa, nhằm xuất khẩu vào Mỹ để tránh các hàng rào thuế quan áp đặt lên hàng Trung Quốc. Điều này khiến Việt Nam có thể rơi vào tầm ngắm trừng phạt thương mại của Mỹ, như đã được cảnh báo suốt thời gian qua.
Thực tế vào cuối năm 2020 Việt Nam đã phải hứng chịu những cáo buộc thao túng của Mỹ, mà có thể khiến nhà đầu tư quốc tế lo ngại điều đó sẽ mở đường cho các hàng rào thuế quan thương mại áp lên hàng Việt Nam trong tương lai. Điều này sẽ tác động đến các chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia đang muốn chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất mới.
Thực tế số liệu tháng 1 vừa qua đã phần nào thể hiện những lo ngại này, khi tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2 tỷ USD, giảm mạnh 62.2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có 47 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1.3 tỷ USD, giảm 81.8% về số dự án và giảm 70.3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng chỉ có 194 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 0.2 tỷ USD, giảm 58.7%.
Dù vậy, điểm tích cực là tiền đồng vẫn giữ được giá trị ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực, thậm chí còn tăng giá so với đô la Mỹ nên sẽ giảm bớt rủi ro tỷ giá cho các nhà đầu tư nước ngoài, yếu tố có thể khuyến khích dòng vốn vẫn duy trì chảy vào Việt Nam. Ngoài ra, sự sụt giảm này cũng kỳ vọng chỉ mang tính thời điểm, tuy nhiên với những yếu tố ảnh hưởng kể trên, xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn tới thật sự khó đoán định.
Phan Thụy
FILI
|