VN-Index: 1,200 quan trọng như thế nào?
Sau khi tăng trưởng mạnh ở giai đoạn cuối năm 2020, thì chỉ số VN-Index đang chững lại tại ngưỡng 1,200 điểm, đây trở thành kháng cự mạnh với xu hướng tăng trong dài hạn của VN-Index. Với những gì đang diễn ra, chúng ta hãy cùng xem xét lại một số khái niệm cơ bản về ngưỡng kháng cự/hỗ trợ. Đồng thời đánh giá xem những yếu tố nào làm ngưỡng 1,200 điểm trở thành mốc quan trọng như vậy.
Kháng cự - hỗ trợ
Nếu tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư sẽ nghe đến khái niệm kháng cự/hỗ trợ, như khi thị trường điều chỉnh thì ngưỡng 1,100 sẽ là hỗ trợ mạnh, hỗ trợ tiếp theo sẽ là 1,000 điểm, hay vùng đỉnh cao lịch sử 1,200 điểm sẽ là kháng cự mạnh với thị trường. Vậy kháng cự/hỗ trợ là gì mà chúng ta lại hay nghe đến vậy.
Đầu tiên, cần hiểu kháng cự/hỗ trợ là một khái niệm trong phân tích kỹ thuật, chúng chỉ về một ngưỡng hoặc vùng giá tại đó khi mà xu hướng hiện tại có thể chững lại (dừng lại) hoặc đảo chiều.
- Ngưỡng hỗ trợ: Nếu giá điều chỉnh và tiếp cận ngưỡng (vùng) hỗ trợ thì xu hướng giảm có khả năng sẽ dừng lại (không giảm tiếp) hoặc giá có xu hướng đảo chiều đi lên. Đây là mức giá mà tại đó có thể xuất hiện lực mua vào nhiều hơn bán ra làm sự điều chỉnh tạm ngưng và giá tăng trở lại.
- Ngưỡng kháng cự: Nếu giá phục hồi và tiếp cận ngưỡng (vùng) kháng cự thì xu hướng tăng có khả năng sẽ dừng lại (không tăng tiếp) hoặc giá có xu hướng đảo chiều đi xuống. Đây là mức giá mà tại đó có thể xuất hiện lực bán ra nhiều hơn mua vào làm sự tăng trưởng tạm ngưng và giá suy yếu trở lại.
Có một hiện tượng xuất hiện khi nghiên cứu về kháng cự/hỗ trợ là việc hoán đổi vai trò giữa kháng cự và hỗ trợ khi hiện tượng phá vỡ (Breakout) diễn ra. Tức ngưỡng kháng cự bị phá vỡ sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ trong tương lai và ngược lại.
Lưu ý, kháng cự/hỗ trợ không phải là chén thánh dự báo các điểm đảo chiều. Những ngưỡng được đề cập là kháng cự/hỗ trợ chỉ mang tính chất dự báo và tại những điểm đó, khả năng giá đảo chiều tăng/giảm hoặc đi ngang là lớn hơn những ngưỡng khác. Kháng cự/hỗ trợ không đảm bảo 100% giá sẽ đảo chiều. Những kháng cự/hỗ trợ khác nhau sẽ có khả năng đảo chiều trong giá cao hoặc thấp dựa trên ý nghĩa của ngưỡng đó. Ví dụ, đỉnh cao lịch sử trong năm 2018 (vùng 1,200 điểm) sẽ là kháng cự mạnh với xu hướng hơn các kháng cự khác.
“Sự mạnh/yếu” của kháng cự và hỗ trợ
Chúng ta có thể dựa vào một số hướng dẫn sau để xem xét một ngưỡng là kháng cự/hỗ trợ mạnh.
Thứ nhất, các vùng đỉnh và đáy trong quá khứ sẽ là những kháng cự/hỗ trợ tiềm năng với thị trường. Một vùng đỉnh trong dài hạn sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn so với một vùng đỉnh ngắn hạn, do đó đỉnh dài hạn sẽ là kháng cự mạnh hơn.
Thứ hai, dùng Fibonacci Retracement và Fibonacci Extension. Fibonacci Retracement và Fibonacci Extension là hai công cụ được sử dụng để dự báo các sóng tiến và sóng lùi của sóng Elliott. Tuy nhiên, các ngưỡng này cũng được xem là các kháng cự/hỗ trợ tiềm năng. Các ngưỡng chính của hai công cụ (ngưỡng 31.8%, 50%, 61.8%...) sẽ có ý nghĩa hơn các ngưỡng còn lại.
Thứ ba, các số làm tròn 10, 20, 30, 100, 200.... Các số làm tròn về mặt toán học không mang ý gì quan trọng, nhưng trong tâm lý những số này lại đóng vai trò đặc biệt, như ngưỡng 1,000 điểm (số tròn) là ngưỡng kháng cự/hỗ trợ quan trọng với VN-Index ở giai đoạn hiện tại. Các ngưỡng làm tròn tạo ra khác biệt lớn về mặt tâm lý sẽ có ý nghĩa hơn các ngưỡng khác như ngưỡng 1,000 điểm sẽ quan trọng hơn ngưỡng 990 điểm, mặt dù 2 ngưỡng này chỉ chênh lệch nhau 1%, mức chênh lệch này hầu như không đáng kể.
Thứ tư, đường xu hướng (trendline). Đường này thường dùng để xem xét xu hướng, nhưng cũng đồng thời là ngưỡng kháng cự/hỗ trợ nếu giá tiếp cận. Đường xu hướng càng dài thì càng trở thành ngưỡng kháng cự/hỗ trợ mạnh.
Thứ năm, đường trung bình động. Đường này được dùng để xác định tín hiệu mua bán, nhưng đôi khi nhà đầu tư cũng có thể dùng đường này như một kháng cự/hỗ trợ “động” với giá. Đường trung bình có số kỳ càng lớn thì càng là ngưỡng kháng cự/ hỗ trợ mạnh.
Ngoài những vấn đề trên ra, nếu một kháng cự/ hỗ trợ được kiểm định nhiều lần sẽ có độ tin cậy cao hơn những ngưỡng được kiểm định ít lần. Thêm vào, nếu khối lượng giao dịch gia tăng tại kháng cự/hỗ trợ thì vùng đó cũng mạnh hơn các ngưỡng khác.
Hình 1 thể hiện một số cách xác định hỗ trợ với VN-Index ở giai đoạn hiện tại. Vùng 1,000-1,030 điểm sẽ là hỗ trợ mạnh khi trùng với nhiều công cụ phân tích như, vùng đỉnh cũ trong quá khứ, ngưỡng 50% của Fibonacci Retracement, đường MA100, ngưỡng tâm lý 1,000 điểm...
Đồ thị ngày của VN-Index từ 09/2018 đến nay
|
Tại sao ngưỡng 1,200 điểm lại quan trọng
Quay lại với VN-Index, chỉ số đang gặp khó quanh vùng 1,200 điểm và nhiều nhà đầu tư cũng như phân tích cho rằng đây sẽ là kháng cự mạnh với thị trường. Vậy, tại sao vùng 1,200 điểm lại quan trọng với xu hướng tăng của VN-Index như vậy. Trong trường hợp này nếu nói về vùng kháng cự 1,200 điểm, tức là chúng ta đang nói về vùng 1,200 điểm +/-2% hay vùng 1,176-1,224 điểm. Do đó, đỉnh tháng 04/2018 (1,211 điểm) và tháng 03/2007 (1,179 điểm) vẫn được tính là đang kiểm định vùng 1,200 điểm.
Thứ nhất, 1,200 điểm là vùng đỉnh cao lịch sử của chỉ số VN-Index, vùng này đã được kiểm định 2 lần trong quá khứ vào tháng 04/2018 và tháng 03/2007. Do đó, vùng này trở thành vùng kháng cự mạnh hơn những đỉnh khác.
Thứ hai, con số 1,200 điểm là một số làm tròn, nên mang nhiều ý nghĩa hơn các số lẻ khác.
Thứ ba, thời gian tồn tại của vùng đỉnh là gần 14 năm. Cho thấy vùng này có ý nghĩa với xu hướng của chỉ số trong dài hạn.
Thứ tư, nếu sử dụng Fibonacci Extension để tính sóng tăng, chúng ta sẽ có ngưỡng 161.8% của Fibonacci Extension là 1,182 điểm, ngưỡng này có thể được làm tròn về vùng 1,200 điểm. 161.8% của Fibonacci Extension thường được sử dụng như mục tiêu giá của sóng 3 trong sóng tăng theo phương pháp Elliott.
Thứ năm, khối lượng có xu hướng duy trì ở mức cao khi tiếp cận vùng 1,200 điểm vào tháng 04/2018 và trong giai đoạn vừa qua, nên làm tăng độ tin cậy của vùng này lên.
Đồ thị tuần của VN-Index từ 2000-đến nay
|
Những yếu tố trên đều là những yếu tố quan trọng khi phân tích về độ tin cậy của một kháng cự/hỗ trợ. Vì thế, vùng 1,200 điểm sẽ là kháng cự rất mạnh với xu hướng dài hạn của VN-Index.
Ngưỡng 1,200 điểm đang tỏ ra là kháng cự khá mạnh với xu hướng dài hạn của chỉ số. Vì thế, nếu vượt được ngưỡng này, cụ thể là đóng cửa trên mức 1,224 điểm thì VN-Index một lần nữa sẽ xác nhận xu hướng tăng trong dài hạn. Theo đó, thị trường sẽ mở ra một giai đoạn tăng trưởng mới trong dài hạn với mục tiêu không chỉ là 1,300 điểm hay 1,400 điểm mà có thể là những ngưỡng khác cao hơn. Lúc này, vai trò kháng cự của ngưỡng 1,200 điểm sẽ bị thay đổi thành ngưỡng hỗ trợ mạnh với xu hướng.
Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Chứng khoán KIS Việt Nam
FILI
|