Từ bong bóng Biển Nam cho tới Tesla, tâm lý FOMO chưa bao giờ ngủ yên
Từ bong bóng Biển Nam cho tới Tesla, tâm lý FOMO chưa bao giờ ngủ yên
Bong bóng Biển Nam là câu chuyện kinh điển về cơn sốt đầu tư từ cách đây 300 năm. Liệu nhà đầu tư ngày nay đã khôn ngoan hơn?
Một cổ phiếu nóng tăng giá gấp đôi và sau đó tăng gấp đôi một lần nữa chỉ trong vòng vài tuần. Hàng ngàn người chưa từng đầu tư trong đời nay đột nhiên lại muốn đánh bại thị trường.
Đây không chỉ mô tả những gì xảy ra với Tesla và những trader giao dịch trong phiên trên ứng dụng Robinhood trong năm 2020, nhưng cũng là những gì đã diễn ra từ 300 năm về trước. Trong năm 1720, một trong những cơn sốt lớn nhất trong lịch sử tài chính đang ở đỉnh điểm.
Mùa hè năm 1720, cổ phiếu của Công ty Biển Nam và các cổ phiếu hàng đầu khác liên tục lập đỉnh khi những kẻ đầu cơ đua nhau tìm kiếm những khoản lời béo bở. Sự bùng nổ bất chợt của hoạt động giao dịch cổ phiếu trong năm 1720 sau này được biết tới với cái tên “bong bóng Biển Nam” (South Sea bubble). Bong bóng vỡ ra thậm chí còn nhanh hơn so với lúc tăng nóng và để lại nhiều bài học về bản chất con người mà vẫn còn giữ nguyên tính đúng đắn tới tận ngày nay.
Từ ngày 10/07 cho tới 12/07/1720, cổ phiếu Biển Nam chạm tới ngưỡng 950 Bảng Anh/cp, tăng 650% trong năm đó. Cổ phiếu Royal Exchange Assurance và London Assurance đạt đỉnh vào cuối tháng 8/1720, ghi nhận mức tăng đáng kinh ngạc 1,243% và 4,220% trong năm 1720.
Và rồi chỉ trong 3 tuần thảm khốc trong tháng 9/1720, mọi thứ bắt đầu vụn vỡ. Cuối năm 1720, những cổ phiếu dẫn dắt xu hướng này đã giảm từ 81%-96% so với mức đỉnh.
Nguồn: WSJ
Tổn thất từ vụ nổ bong bóng thật kinh khủng vì khi đó ai ai cũng đầu cơ cổ phiếu. Vua George I, một nửa thành viên của Quốc hội Anh, ngài Isaac Newton, nhà thơ Alexander Pope và vô số thương nhân và thợ buôn bán hàng hóa đã đầu cơ vào cổ phiếu Biển Nam và các công ty khác.
Tất cả đều bị cuốn vào một cơn sốt khổng lồ nhờ sự ra đời nhanh chóng của báo giấy, các khoản vay lãi suất thấp và những câu chuyện hấp dẫn về đổi mới công nghệ. Trên hết là mong muốn bất diệt của con người để được trở thành một phần của đám đông giàu có. Ngày nay, tâm lý đó được gọi là FOMO (fear of missing out – tạm dịch: Nỗi sợ bị bỏ lỡ cơ hội). “Loài người thực sự là động vật hoạt động bầy đàn”, Andrew Odlyzko, nhà toán học nghiên cứu về bong bóng tài chính tại Đại học Minnesota, nhận định.
Hiện tượng bong bóng cũng “cũ kỹ” như thị trường tài chính vậy. Thậm chí trong thời Babylon cổ đại, giá hàng hóa cũng thăng giáng đột ngột và chẳng thể giải thích đầy đủ bởi yếu tố thời tiết hay chiến tranh.
Trong năm 1720, nhà sử học John Carswell mô tả tình hình khi đó rằng: “Mùi tiền phảng phất trong không trung như hơi thở của mùa xuân”. Chỉ trong tháng 6/1720, 88 startup ra đời tại London, hầu hết đều được niêm yết công khai. Nhiều công ty mong muốn huy động 1-5 triệu Bảng Anh (khoảng 190-945 triệu USD ngày nay).
Một quản gia tại London được cho là “đút túi” 8,000 Bảng Anh tiền lời (tức ít nhất 1.5 triệu USD ngày nay). Các cuộc đấu đá nổ ra để giành quyền mua cổ phiếu; các nhà đầu cơ tập trung tại khu tài chính của London để mua cổ phiếu của bất kỳ công ty nào, tuyệt vọng van xin: "Chúng tôi không quan tâm nó là gì".
Bong bóng tài chính thường được xem là bằng chứng của sự phi lý, nhưng bong bóng minh chứng cho 1 điều: Nhà đầu tư cũng là con người. Một vị làm trong ngân hàng (banker) từng rất thận trọng cũng chẳng ngại quẳng một phần tiền túi vào cổ phiếu Biển Nam. Vị banker này buông lời đánh giá có phần cay nghiệt vào ngày 18/06/1720 rằng: “Khi phần còn lại của thế giới đang phát điên, chúng ta phải bắt chước họ ở một mức độ nào đó”.
Các công nghệ truyền thông mới – báo giấy trong năm 1720, radio của thập niên 20, Internet của thập niên 90, mạng xã hội và điện thoại thông minh ngày nay – đều là “nơi dung dưỡng cho một cơn sốt”, William Deringer, nhà sử học tài chính tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định.
Khi lời bàn tán lan truyền rằng “mọi người” đang làm một điều gì đấy, thật khó để ai đó có thể cưỡng lại việc gia nhập cùng. Con người có nhu cầu thuộc về một nhóm nào đó. Đầu tư vào một thứ gì đó phổ biến giúp chúng ta cũng cảm thấy được yên lòng.
Ở London vào thế kỷ 18, những quán cà phê và phòng khiêu vũ trở thành trung tâm để tán dóc về thị trường. Một người phụ nữ viết: “Biển Nam luôn có mặt trong mọi cuộc bàn luận. Nữ giới bán trang sức để mua cổ phiếu Biển Nam và cảm thấy háo hức khi bản thân đã gia nhập vào đám đông… Chưa có lúc nào dễ kiếm tiền như lúc này”.
Hai thế kỷ sau đó, chuyên gia phân tích tài chính Benjamin Graham viết về thị trường con bò vốn đã chấm dứt trong cú sụp năm 1929: “Vô số người tự hỏi tại sao phải đi làm kiếm sống khi có thể kiếm cả gia tài trên Phố Wall mà chẳng cần làm việc?”. Ông Graham hóm hỉnh nói thêm: “Làn sóng di cư từ kinh doanh sang khu tài chính gợi nhớ lại cơn sốt vàng tại Klondike, với sự khác biệt không quá quan trọng rằng ở Klondike có vàng thật sự”.
Ngày nay, nền tảng trực tuyến Reddit đầy rẫy những kẻ đầu cơ khoe mẽ về những thương vụ để đời của họ.
Bắt chước không phải lúc nào cũng phi lý. Bắt chước đã giúp tổ tiên của chúng ta tiết kiệm sức lao động trí óc và thể chất, đồng thời thích nghi nhanh hơn với sự thay đổi của môi trường, William Bernstein, Chuyên gia về thần kinh học và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “The Delusions of Crowds” (tạm dịch: Ảo tưởng của đám đông”) cho biết. Việc nhìn thấy nhiều người khác đầu tư vào một thứ gì đó phát đi một tín hiệu mạnh mẽ (nhưng thường là không chính xác) rằng đầu tư vào đó có thể là một ý tưởng hay.
Điều đó có thể nhanh chóng chuyển biến thành một câu chuyện, mà trong đó trí tưởng tượng nhanh chóng đưa chúng ta đến những vùng trời mới. (“Tôi sẽ trở nên giàu có, giống như họ vậy”).
Như nhà thơ Samuel Taylor Coleridge viết rằng một câu chuyện hay sẽ tự động khiến người ta “sẵn lòng dẹp bỏ sự hoài nghi trong khoảnh khắc đó”.
Bong bóng Biển Nam được thổi phồng với những cổ phiếu “mang trong mình những câu chuyện hấp dẫn”. Nằm trong số đó là những công ty khẳng định họ có thể “buôn bán tóc”, nhập khẩu “một giống lừa lớn từ Tây Ban Nha”, phát triển một “máy bơm khí cho não”, chuyển nước thải thành thuốc súng và thậm chí là thực hiện một hoạt động kinh doanh mà chẳng ai biết rõ.
Đương nhiên, Công ty Biển Nam cũng có câu chuyện riêng: Ban đầu Công ty được tạo ra để bán những người nô lệ cho các thuộc địa Mỹ của Tây Ban Nha, nhưng đến năm 1720, Biển Nam lại trở thành công ty tái cấp vốn cho các khoản nợ khổng lồ của Chính phủ Anh. Thu hút khoản đầu tư từ công chúng nước Anh là chìa khóa để khiến kế hoạch này thành công – hoặc ít nhất là có vẻ thành công. (Cuối cùng thì chúng đã thất bại, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Anh trong những năm sau đó).
Nhà đầu tư ngày nay cũng không khôn ngoan hơn tí nào. Chỉ 1 năm trước đó, các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân đã định giá WeWork – công ty về chia vẻ văn phòng đã khẳng định sẽ “nâng cao nhận thức của thế giới" – ở mức 47 tỷ USD. Sau đó, định giá đã giảm gần 80%.
Bong bóng chẳng hợp lý nhưng cũng không phi lý; chúng đều bắt nguồn từ hành vi của con người tạo ra và sẽ tồn tại mãi mãi với chúng ta.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|