Phong thủy là gì?
Năm mới tết đến, phong thủy luôn là đề tài hấp dẫn được bàn luận nhiều. Việc hiểu rõ và áp dụng hợp lý phong thủy sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà đầu tư.
Theo truyền thống Á Đông, những thành công hay thất bại trong cuộc sống thường được gắn kết với tử vi và phong thủy. Việc tham khảo các khuyến nghị từ chuyên gia trong nghề là rất quan trọng để đạt được sự thịnh vượng, sức khỏe và hạnh phúc.
Nguồn: Internet
Phong thủy là gì?
Về mặt từ ngữ, phong nghĩa là "gió", tượng trưng cho các luồng khí chuyển động và thủy nghĩa là "nước", tượng trưng cho địa thế. Phong thủy không phải là những yếu tố đơn lẻ rời rạc mà là tổng hợp của hàng loạt yếu tố về địa thế, hướng gió, dòng nước, bố cục mặt bằng không gian xây dựng.
Không cần phải hoành tráng tới mức “Thiên Địa tương dung, Đông Tây tương thông, Thiên Nhân hợp nhất, Địa Linh nhân kiệt” của long mạch như thời phong kiến, mục tiêu của phong thủy trong thời hiện đại là “xu cát tị hung”, theo cái lợi mà tránh cái hại. Cát là phong thủy phù hợp, hung là phong thủy không hợp.
Nền tảng kiến thức của phong thủy dựa vào Kinh Dịch, thuyết âm dương, ngũ hành… Lưỡng Nghi là khởi nguồn của Kinh Dịch, đó là Âm ký hiệu là vạch đứt (- -) và Dương ký hiệu là vạch liền (–). Các sự vật, hiện tượng trên đời nếu đạt được cân bằng âm dương thì sẽ phát triển bền vững, hài hòa.
Cấu tạo của quẻ Kinh dịch cũng từ những hào Âm và hào Dương kết hợp mà ra. Vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến vô cùng.
Thành phố Tekes ở Trung Quốc được xây theo hình bát quái. Nguồn: Quantrimang
Ngũ hành tương sinh tương khắc
Theo triết học cổ đại Trung Quốc, vạn vật trên trái đất đều được hình thành từ 5 yếu tố cơ bản Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong môi trường tự nhiên được gọi là ngũ hành.
Ngũ hành gồm 5 hành: Kim (Metal), Mộc (Wood), Thủy (Water), Hỏa (Fire) và Thổ (Earth) thể hiện các quan hệ tương sinh (generate) và tương khắc (control) vô cùng hài hòa, khăng khít với nhau của vạn vật trong vũ trụ.
Ngũ hành tương sinh và tương khắc. Nguồn: Feng Shui Nexus
Mệnh lý học và vị lý học của phong thủy đều từ đây mà sinh ra. Chính vì vậy, các báo cáo về phong thủy nói chung và phong thủy chứng khoán nói riêng trên thế giới luôn xuất hiện các yếu tố này.
Áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực
Cái tên phong thủy khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng phong thủy chỉ có thể ứng dụng trong lĩnh vực bất động sản. Bản thân người viết cũng từng nằm trong số này.
Ta có thể hiểu đơn giản phong thủy là những phương pháp nhằm mưu cầu điều may mắn tránh né chuyện rủi ro (xu cát tị hung). Xét theo nghĩa rộng thì nó bao hàm rất nhiều thứ chứ không chỉ có mỗi việc xem nhà, xem đất hay xem tuổi như ta vẫn thường nghĩ.
Trong lĩnh vực đầu tư tài chính, khi nhà đầu tư chọn ngành (sector) bên cạnh các yếu tố triển vọng ngành, hiệu quả sinh lời thì việc xem xét yếu tố ngũ hành của ngành cũng cần được chú ý.
Dĩ nhiên, nhà đầu tư thông minh sẽ không ngây thơ đến mức lấy phong thủy làm nền tảng cốt lõi cho quá trình đầu tư của mình. Nó chỉ nên đóng vai trò như một công cụ phụ trợ giúp nhà đầu tư gia tăng tỷ suất sinh lợi và phòng tránh các rủi ro bất thường trên thị trường chứng khoán.
Thế Phong
FILI
|