Khi bác sĩ chơi cổ phiếu
Cơn sốt trên thị trường chứng khoán đã tạo ra những ông thần cổ phiếu bất đắc dĩ như thế nào.
Giao dịch tại Công ty TNHH chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), Quận 1, TP.HCM. Ảnh: Quang Định
|
Tôi có đứa bạn thân từ tiểu học đang làm bác sĩ một bệnh viện nhi lớn ở TP.HCM. Mấy tuần trước, nó hỏi chuyện cổ phiếu và hỏi “chứng quyền là gì?” làm tôi “hết hồn”. Trước nay, nó chả mấy khi để ý tới mấy cái chuyện “cổ cánh” này, mà nay còn quan tâm tới cả sản phẩm phái sinh như chứng quyền nữa thì thiệt dữ dội quá.
Nhưng nó không phải người duy nhất. Thời gian gần đây, tôi trở thành tư vấn tài chính bất đắc dĩ cho nhiều bạn bè thân bởi ai cũng muốn mua cổ phiếu, mua tiền mã hóa (bitcoin hoặc những đồng ít người biết hơn).
Một số người là kỹ sư, bác sĩ, thậm chí giáo viên Anh văn. Họ có thu nhập cao và bình thường đi gửi tiết kiệm hay mua một căn nhà cho thuê. Dạo này do lãi suất tiết kiệm giảm thấp, mà thị trường bất động sản thấy có vẻ không sôi động lắm, nên họ chuyển hướng vì “thấy nó [cổ phiếu] tăng gì mà tăng dữ quá mậy!”.
F0 không khờ
Không chỉ người trong nước, nhiều bạn hoặc người thân đang làm việc ở nước ngoài cũng hỏi thăm tôi chuyện mua cổ phiếu ở các nước vì biết tôi có đầu tư ở nhiều thị trường khác ngoài Việt Nam.
Qua câu chuyện với họ, tôi nhận ra mùa dịch này, do giãn việc, làm việc tại nhà, lãi suất thấp và cổ phiếu “tăng quá mạng”, nhiều người bắt đầu “chơi cổ phiếu”. Họ dần trở thành những ông, bà “thần cổ phiếu” bất đắc dĩ. Ngoài chuyện công việc, gia đình, bây giờ còn phải mất công “coi cổ phiếu” mỗi ngày nữa.
Trái với định kiến tay chơi mới liều mạng, thiếu hiểu biết, phần nhiều những người quen này của tôi rất thận trọng, chọn cổ phiếu nào không quá rủi ro và chỉ bỏ một phần tiền rất nhỏ vào những thứ rất rủi ro cao như tiền mã hóa hay chứng quyền, gọi là “đầu tư cho biết”.
Xã hội từ lâu đã hình thành một thành phần trung lưu có dư dả tiền bạc, muốn lựa chọn một kênh đầu tư khác cho tiền của mình. Do đó, tôi không đồng ý việc một số chuyên gia hình dung rằng cứ hễ “dòng tiền F0” là của những người “lơ ngơ” không biết gì.
Những người này có thể xa lạ với thị trường cổ phiếu, chứ họ không lạ với chuyện kéo giá lên, đẩy giá xuống ở nhiều thị trường khác. Nhiều kiến thức về tài chính thật ra là đi vay mượn của các ngành như toán, thống kê, vật lý.
Có một đứa bạn tôi là kỹ sư, sau khi nghe tôi giải thích về cổ phiếu và sản phẩm phái sinh chừng một tiếng và cho vài thông tin trên Internet để tham khảo, chỉ dăm ngày sau nó đã làm một bảng tính Excel và một đoạn mã trong phần mềm Matlab gửi tôi coi, còn ngon lành hơn nhiều chuyên gia tài chính học hành 4-5 năm đàng hoàng. Cũng không lạ, định giá thật ra là toán ứng dụng, liên quan đến các kiến thức mà dân kỹ sư học nhiều.
Rồi mấy bạn tôi bắt đầu mua cổ phiếu, ai cũng thắng. Tại vì năm rồi là năm “chơi cổ phiếu” thuộc loại dễ nhất trong đời tôi, cứ mua là thắng. Có khi còn dễ hơn “giai đoạn điên rồ” 2006 hồi xưa ở Việt Nam. Thời điểm rớt xuống hơn 300 điểm rồi lên lại gần 800 điểm của giai đoạn ấy chỉ làm người ta lời gấp hai là cùng. Nay nhiều người khoe tôi là đã tăng tài khoản 3-4 lần. Phải nói là chơi cổ phiếu năm 2020 không chỉ mua là trúng, mà còn trúng lớn.
Thế rồi cũng đến ngày 19-1 và 28-1, mà người ta gọi là “hoảng loạn”. Ngày 28-1, thị trường giảm gần hết biên độ, toàn sàn HOSE của TP.HCM có gần 500 mã giảm - gần 400 trong đó giảm hết biên độ với lệnh bán chất đống. Lần đầu tiên trong lịch sử rổ nhóm cổ phiếu hàng đầu Việt Nam, VN30, gần như toàn bộ 30 mã “giảm sàn”, nghĩ là rớt tới mức giá thấp nhất có thể có trong một ngày.
Điều đáng ngạc nhiên là tôi nhận được rất ít tin nhắn hoảng loạn của các bạn bè vẫn bị coi là F0. Đây là sự bình tĩnh của những người từng trải và... có tiền. Mất tiền từ cổ phiếu thì thôi. Họ còn nhiều thu nhập khác và tài sản khác. Đây là dòng tiền đầu tư ổn định mà thị trường cổ phiếu tìm kiếm lâu nay. Tiền của tầng lớp người làm công việc chuyên nghiệp trung lưu, không gấp gáp, không dễ hoảng loạn.
Thằng bạn bác sĩ của tôi nó vẫn bận rộn với công việc ở bệnh viện, rồi sau đó tôi còn thấy nó đi làm từ thiện, khi nào có thời gian mới tạt qua Facebook hỏi tôi có gì mua được không? Mua bao nhiêu, lên bao nhiêu bán. Tôi hay nói nó là tao mà biết chính xác câu trả lời thì tao đi làm thần cổ phiếu cho dân cúng bái rồi, chứ tao phải đi dạy đại học và tự đầu tư cho bản thân làm gì?
Cái tôi có lợi hơn mấy người quen này là vì công việc của tôi cho phép tôi quen thuộc thị trường tài chính hơn, tiếp xúc với nhiều người quen làm trong ngành mỗi ngày, có cơ hội theo dõi thị trường cũng như được tiếp cận với những công nghệ và kiến thức mới của thị trường các nước. Nhưng không có cái nào trong đó đảm bảo tôi sẽ chọn ra những mã cổ phiếu tốt hơn bạn mình cả.
Chốt lại là không thể kỳ vọng làm giàu qua đêm nhờ cổ phiếu. Đó là một trong những kênh tích lũy tốt hơn tiết kiệm, nhưng có rủi ro. Nếu đầu tư có tầm nhìn dài hạn, bạn sẽ kiếm được tiền nhiều hơn gửi tiết kiệm, nhưng mong muốn nhân đôi, nhân ba tài khoản trong thời gian ngắn như người khác khoe thì phụ thuộc rất nhiều vào may mắn và thời vận.
Có người số hên, đánh cái trúng rồi rút ra. Nhưng người không may thì bị “đu đỉnh” (là cách mà dân mua cổ phiếu chỉ việc mua ở giá đỉnh, mua xong nó tuột luôn mấy tháng). Thế nhưng nếu mua cổ phiếu tốt thì rồi nó cũng lên.
Tôi có đứa bạn mua cổ phiếu Novavax, hãng nghiên cứu vaccine COVID-19, ở giá 170. Rủi thay, mua xong thì cổ phiếu này xuống giá liên tục từ tháng 8-2020 vì không lâu sau đó lần lượt Pfizer rồi AstraZeneca công bố vaccine của họ thành công, còn của Novavax thì... mãi không thấy đâu.
Bạn tôi quyết chí cứ ôm cổ phiếu đó. Đến tuần này, một sáng thức dậy, Novavax công bố vaccine có hiệu quả gần 90% trong thử nghiệm giai đoạn 3 ở Anh. Thế là giá tăng 60% trong một ngày. Bạn tôi đu đỉnh thành công, lời gần 30%. Khoản lời không quá lớn, nhưng cho thấy nếu mua cổ phiếu mà có những kỳ vọng hợp lý, tính toán cẩn thận (dân Tây gọi là chấp nhận rủi ro đã tính toán trước - “calculated risk”) thì có thể kiếm tiền.
Tất nhiên trên đời có những thứ rủi ro từ trên trời rơi xuống, tính kiểu gì cũng không thể tính được, nhưng nếu mua một danh mục nhiều cổ phiếu, phân tán bớt rủi ro thì sẽ giảm được nhiều rủi ro. Mức kiếm tiền theo kiểu đó có thể không làm giàu nhanh như nhiều “tay chơi chuyên nghiệp”, nhưng phù hợp với những người bận rộn này để tích lũy tài sản.
|
Một vài suy ngẫm
Những câu chuyện trên chỉ ra vài vấn đề đáng suy ngẫm.
Thứ nhất, với nhà làm chính sách, cần tự đặt câu hỏi vì sao những dòng tiền “khôn” của tầng lớp trung lưu có nghề nghiệp và thu nhập tốt vẫn đang phải thông qua mạng xã hội, mối liên hệ bạn bè để được tư vấn mua cổ phiếu? Vì sao họ không tìm đến một nhà tư vấn cổ phiếu chuyên nghiệp? Đâu là dịch vụ tài chính phù hợp cho tầng lớp có tiền, có nghề nghiệp vững chắc nhưng ít thời gian đầu tư này? Tại sao các quỹ đầu tư nội địa lâu nay ở Việt Nam vẫn hoạt động cầm chừng, không nổi lên được và không lôi kéo được những khách hàng này?
Trong khi ngược lại, rất nhiều tiền ở nước ngoài là để vào quỹ đầu tư, thông qua các chương trình đầu tư để tiết kiệm cho nghỉ hưu khác nhau. Bản thân tôi ở Anh cũng tự đầu tư cho mình với những khoản đầu tư rất rủi ro, nhưng đồng thời cũng có tiền bỏ vào quỹ tiết kiệm hưu trí mua những cổ phiếu an toàn và được giảm hoàn toàn thuế lợi tức cổ phiếu (tức là không bị đánh thuế lên cổ tức và lợi nhuận khi bán cổ phiếu - tất nhiên là chỉ đến một mức nhất định). Những chính sách này khuyến khích người có tiền, nhưng bận rộn, có động lực chọn đầu tư tiền nhàn rỗi vào kênh cổ phiếu, và có thể chọn một quỹ phù hợp với khả năng gánh chịu rủi ro của mình.
Ở Việt Nam, kênh cổ phiếu, trong cách nhìn của nhiều người trong xã hội, như một sòng bạc lớn. Nó có điểm đúng, nhưng hơi phiến diện. Trước hết, thị trường cổ phiếu là một kênh huy động vốn. Về bản chất, khi mua một cổ phiếu là bạn nghĩ công ty làm ăn tốt, giới lãnh đạo tử tế, đối xử với cổ đông sòng phẳng thì bạn đồng ý góp vốn. Đây là một kênh huy động vốn quan trọng của mọi thị trường tài chính và nền kinh tế. Ở Việt Nam thì còn rất sơ khai, chỉ có chưa tới 3 triệu tài khoản cổ phiếu (giả sử mỗi người một tài khoản thì cũng chưa tới 3% dân số). Tình trạng lãnh đạo công ty “bùa phép” số liệu kế toán, vi phạm lợi ích cổ đông nhỏ vẫn còn diễn ra phổ biến. Nhưng không phải là không có công ty được quản trị tốt và hành xử phù hợp với lợi ích dài hạn của cổ đông.
Làm sao cho thị trường cổ phiếu Việt Nam phát triển lành mạnh hơn, thu hút nhiều người tham gia hơn như một trong những lựa chọn tiết kiệm dài hạn thay vì đặt cược mong làm giàu ngắn hạn nên là một câu hỏi mà các nhà quản lý thị trường phải quyết tâm tìm lời giải cho được.
Ảnh: The Balance
|
Thứ hai, kiến thức chung về tài chính cá nhân nên được phổ biến rộng rãi hơn, không chỉ với đầu tư cổ phiếu mà với mọi loại hình sản phẩm tài chính. Học sinh trung học nên được học về những thứ này, được chỉ dẫn quản lý tài chính cá nhân cho tốt, bớt vay nợ quá mức, bớt “cà thẻ” mua đồ quá khả năng và học cách đầu tư dài hạn từ nhỏ.
Bạn đại học của tôi trước làm ngành chứng khoán, nay ra làm huấn luyện tài chính cá nhân đã dạy con học mua cổ phiếu và đầu tư căn bản từ nhỏ, bắt đầu từ việc học mua quỹ đầu tư, rồi học cách tự chọn cổ phiếu. Bạn nói rằng Việt Nam còn thiếu lắm những thứ này. Nhiều khách hàng của bạn là những bạn trẻ mỗi ngày mua mấy ly trà sữa, xài tiền vào những thứ không tên một cách phung phí trong khi không học cách tự đầu tư. Và khi đầu tư toàn là chọn những thứ “trời thần” để mong lời nhanh, kết quả hên xui, mà phần lớn là... xui.
Mà không chỉ các bạn trẻ hay những người đang đi làm có dư tiền, những người lớn tuổi, đã về hưu cũng nên tìm hiểu vấn đề đầu tư tài chính cá nhân này để phần nào đảm bảo thu nhập lúc về già. Kiến thức cho người già còn quan trọng ở chỗ thị trường cổ phiếu hay tiền mã hóa cũng mở ra mảnh đất màu mỡ cho lừa đảo, thông tin sai lạc với những cam kết lợi nhuận không tưởng. Một số nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy người già là thành phần dễ bị lừa hơn qua thông tin giả trên mạng xã hội hay các kênh giao tiếp thân thuộc. Một trong những cách chống tin giả, lừa đảo chính là cung cấp thông tin chính diện, đầy đủ và có uy tín cho họ.
Hồ Quốc Tuấn
TUỔI TRẺ
|