Tại sao “dân chứng” lo ngại về đà tăng của lợi suất trái phiếu?
Nhà đầu tư chứng khoán bắt đầu cố gắng giải mã một điều quan trọng tại thời điểm này: Đà tăng của lợi suất trái phiếu có tác động gì tới thị trường chứng khoán?
Kể từ ngày 10/02/2021, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm – vốn chưa điều chỉnh lạm phát – đã tăng từ 1.13% lên tới 1.61%, tức tăng 48 điểm cơ bản và cao nhất trong 1 năm. (1 điểm cơ bản tương đương 0.01%)
Diễn biến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm
Nguồn: CNBC
|
Nỗi lo sợ về lạm phát đang thôi thúc nhà đầu tư nghĩ đến chuyện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể buộc phải thắt chặt chính sách sớm hơn dự kiến, bằng cách giảm quy mô mua trái phiếu hoặc thậm chí nâng lãi suất. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Dow Jones lập tức giảm 559 điểm sau khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh trong ngày 25/02.
Peter Tchir từ Academy Securities cho biết đà tăng gần đây của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm thể hiện một nhận thức về lạm phát, nhưng không nhất thiết phản ánh đúng sự thật. “Đà tăng của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm không phản ánh mức tăng thực tế của lạm phát. Chúng phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư rằng lạm phát sẽ tăng”, ông cho biết.
Ông Tchir lưu ý rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đẩy lùi ý tưởng lạm phát sắp tăng mạnh, lưu ý trong đợt điều trần gần đây rằng tín hiệu về lạm phát chưa xuất hiện trong thế giới thực và nếu chúng xuất hiện thì đà tăng đó chỉ mang tính “tạm thời”.
Ai đúng về lạm phát?
Nhà đầu tư trái phiếu ngày càng e dè về khả năng lạm phát tăng, trong khi Chủ tịch Fed nói rằng hãy ngừng lo ngại về lạm phát. Vậy ai đúng?
Câu trả lời tùy thuộc vào việc bạn hỏi ai và bạn đang xem xét đến tài sản nào.
Lạm phát đã xuất hiện trong thế giới thực hay chưa? Tín hiệu lạm phát đã xuất hiện trong thế giới hàng hóa: Giá dầu đang tiếp cận mức cao nhất kể từ năm 2018, trong khi giá kim loại đồng ở gần mức đỉnh 10 năm.
Thế nhưng, tín hiệu về lạm phát tiêu dùng vẫn còn chưa thấy đâu, với mức lạm phát ở mức 2% hoặc thấp hơn trong nhiều năm qua.
Những người thuộc phe bò như ông Tchir cho rằng đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ không tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. “Lần này, đà tăng của lợi suất đến từ đà tăng trưởng kinh tế, gói kích thích và cơ sở hạ tầng. Tất cả yếu tố này đều tốt với chứng khoán. Đây là lý do tại sao đà tăng này không quá đáng ngại với tôi”, ông Tchir nói.
Vị chuyên gia này cho biết đà tăng của giá hàng hóa có thể dễ dàng được hấp thụ, đồng thời tin rằng phần lớn đà tăng này chỉ mang tính tạm thời và phản ánh sự tái mở cửa nền kinh tế.Giá hàng hóa rồi sẽ trở về mức bình thường trong thời gian tới, theo ông Tchir.
Hans Mikkelsen, Chiến lược gia tín dụng tại Bank of America, không quá chắc chắn về lạm phát. Ông đồng tình với Tchir về tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn cho rằng tăng trưởng sẽ mạnh hơn dự báo và đẩy lạm phát tăng vọt. “Kể từ mùa hè năm 2020, các chuyên gia kinh tế đều đánh giá thấp tăng trưởng kinh tế ở mức độ chưa từng thấy trước đây”, ông Hans Mikkelsen nhận định.
Chứng khoán đứng trên bờ vực?
Theo ông Tchir, mấu chốt của trò chơi hiện tại nằm ở việc liệu ông Powell có giữ vững được lập trường chính sách hiện nay.
"Nếu Fed tiếp tục cam kết giữ lãi suất ngắn hạn ở mức thấp, mọi người sẽ cảm thấy yên tâm. Ông Powell đã nói là ông ấy thoải mái với lạm phát ở hiện tại và ông ấy sẽ không phản ứng với những thay đổi ngắn hạn. Tôi tin là ông ấy sẽ giữ vững lập trường", ông Tchir nói.
Còn có một vấn đề khác khiến giới đầu tư ở Phố Wall bán mạnh cổ phiếu khi lợi suất tăng: Giá cổ phiếu đã quá cao. Chỉ cần lợi suất nhích lên là nhà đầu tư, nhất là những người nắm giữ cổ phiếu công nghệ, có lý do để chốt lời.
Nhà bình luận chứng khoán kỳ cựu Michael Farr từ Farr, Miller & Washington đã nói với các khách hàng rằng thậm chí mức tăng nhẹ của lãi suất đã là một tín hiệu xấu.
“Những ngày rót tiền vào những cổ phiếu dẫn dắt thị trường bất chấp định giá có thể sắp đến hồi kết. Nhà đầu tư hiện phải nhận ra rằng hiện đang có các cơ hội thay thế trên thị trường, bao gồm cả những cổ phiếu có thành quả kém trước đó cũng như sự hấp dẫn trở lại của trái phiếu. Kinh tế phục hồi mạnh cùng với đà tăng của lãi suất và lạm phát sẽ thay đổi đáng kể môi trường đầu tư”, ông Farr bình luận.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|