Giữa lúc trào lưu đầu tư vào các tài sản thân thiện với khí hậu trở thành cơn sốt, giới phân tích cảnh báo mức định giá của nhiều công ty phát triển năng lượng tái tạo tăng vọt, làm dấy lên các lo ngại về hiện tượng bóng bóng ‘xanh’.
Cổ phiếu của nhiều công ty phát triển điện mặt trời và điện gió xa bờ hàng đầu thế giới đang tăng phi mã dù tăng trưởng lợi nhuận của họ chỉ ở mức khiêm tốn. Ảnh: Getty
|
‘Bong bóng xanh’ đang hình thành
Hồi tháng trước, Larry Fink, Giám đốc điều hành BlackRock, quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới, cho biết thị trường đang trải qua sự chuyển dịch lớn hướng đến đầu tư bền vững. Các quỹ quản lý tài sản chuyên đầu tư vào các công ty cam kết trách nhiệm với các vấn đề xã hội, môi trường và quản trị (ESG) trên toàn cầu đã được rót gần 350 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái, tăng mạnh so với con số 165 tỉ đô la vào năm 2019, theo dữ liệu của Morningstar.
Sự thay đổi lớn trong nhu cầu của người tiêu dùng đã khuyến khích đầu tư xanh. Dữ liệu của BloombergNEF cho thấy các công ty, chính phủ và hộ gia đình trên thế giới đã chi hơn 500 tỉ đô la Mỹ cho năng lượng tái tạo và xe điện trong năm 2020.
Khi mà các chính phủ trên thế giới sốt sắng cắt giảm khí thải nhà kính, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng làn sóng đầu tư xanh sẽ mạnh hơn nữa. Nhưng một số lãnh đạo doanh nghiệp và nhà phân tích cho rằng đà tăng giá của các cổ phiếu năng lượng tái tạo bắt đầu quá nóng.
Tuần trước, trong cuộc trò chuyện với Financial Times, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Total, Patrick Pouyanné, cảnh báo các mức định giá ‘điên rồ’ trong các thương vụ thâu tóm và sáp nhập trong ngành năng lương tái tạo.
“Theo tôi, chắc chắn 100% chúng ta đang chứng kiến ‘bong bóng xanh’. Phần lớn các công ty năng lượng mặt trời mà tôi theo dõi đều có số liệu kinh doanh xấu hơn nhưng giá cổ phiếu của họ lại tăng đến gấp ba. Đây là điều bất thường”, Gordon Johnson, Giám đốc điều hành Công ty GLJ Research, nói.
Chỉ số năng lượng sạch của S&P Global, theo dõi giá cổ phiếu của 30 công ty trong lĩnh vực năng lượng sạch, đã tăng gấp đôi giá trị vào năm ngoái, nâng mức định giá của chỉ số này tăng cao hơn 41 lần so với mức lợi nhuận kỳ vọng trong một năm tới.
Trái lại, các cổ phiếu blue-chip trên thị trường chứng khoán Mỹ chỉ tăng giá khoảng 16% vào năm ngoái và đang được định giá cao hơn 23 lần so với mức lợi nhuận kỳ vọng trong một một năm tới.
Các nhà hoạch định chính sách cũng góp phần thúc đẩy làn sóng đầu tư vào cổ phiếu năng lượng xanh. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỉ đô la để phi carbon hóa nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đặt mục tiêu giảm khí thải carbon của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về mức zero ròng vào năm 2060.
|
Một báo gần đây của các nhà phân tích ở Ngân hàng Morgan Stanley phát hiện thấy rằng rổ các cổ phiếu ‘xanh’ có mức P/E (thị giá/lợi nhuận) tăng nhiều lần trong năm 2020 lên mức trung bình 24 điểm.
Chẳng hạn, cổ phiếu của nhà cung cấp vật tư năng lượng mặt trời SunPower ở Mỹ tăng phi mã lên mức gần 50 đô la vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 trước khi hạ nhiệt trong tháng 2, rơi về mức 33,53 đô la trong phiên giao dịch hôm 22-2.
Moses Sutton, nhà phân tích ở Morgan Stanley, cho biết các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đua nhau rót tiền vào cổ phiếu SunPower vì công ty này là thương hiệu nổi tiếng hỗ trợ sự chuyển đổi năng lượng.
Cổ phiếu của Công ty năng lượng Orsted (Đan Mạch), một trong những nhà phát triển điện gió xa bờ lớn nhất thế giới, cũng tăng giá mạnh trong năm ngoái. Giá cổ phiếu Orsted đã tăng gần gấp ba lần trong ba năm qua dù lợi nhuận của công ty chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn.
“Có một thời kỳ cách đây khoảng 7-8 năm, mọi quỹ đầu tư đều có cổ phiếu Apple trong danh mục. Và giờ đây, trong lĩnh vực dịch vụ tiện ích, điều gần tương tự đang xảy với cổ phiếu Orsted”, Mark Freshney, nhà phân tích ở Ngân hàng Credit Suisse, nói.
Kỳ vọng gặt hái thành quả lớn trong dài hạn
Giới phân tích cho biết những nhà đầu tư tin tưởng triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng xanh không ngại mức định giá quá cao của các công ty trong lĩnh vực này.
Nhà phân tích Freshney nói rằng giới đầu tư rót tiền vào các công ty phát triển điện gió xa bờ hàng đầu thế giới như Orsted vì kỳ vọng chúng sẽ được hưởng lợi lớn nhờ làn sóng chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thách trong 30 năm tới.
Tuy nhiên, Freshney cảnh báo rằng những nhà đầu tư này có thể phớt lờ những rủi ro lớn, chẳng hạn, các dự án điện gió xa bờ có thể bị hủy bỏ vì các mối lo ngại về môi trường biển.
Câu chuyện ‘bóng bóng xanh’ cũng đang xảy ra ở lĩnh vực nhiên liệu hydrogen, nơi Công ty phát triển các hệ thống pin nhiên liệu hydrogen Plug Power (Mỹ), chứng kiến giá cổ phiếu tăng gần 50% kể từ đầu năm 2021, đẩy vốn hóa thị trường của công ty này lên mức 25 tỉ đô. Nếu so với cách đây một năm, giá cổ phiếu Plug Power đã tăng hơn 10 lần.
|
Moses Sutton, nhà phân tích ở Ngân hàng Morgan Stanley, cho biết mức vốn hóa của Plug Power, vốn đang cao hơn 80 lần so với mức doanh thu dự báo của Plug Power trong năm 2021, đã vượt gia giá trị nội tại của công ty này, ngay cả khi lĩnh vực nhiên liệu hydrogen hướng đến các kịch bản lạc quan nhất trong tương lai.
Ông so sánh mức định giá hiện nay của Plug Power hiện nay với mức định giá đắt đỏ của Microsoft vào năm 1999. Dù vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong ngành công nghệ sau cú sụp đổ bong bóng dotcom vào năm 2000, Microsoft phải mất hơn 10 năm để vực dậy giá cổ phiếu phục hồi về mức đỉnh của năm 1999.
Nhưng nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng nếu thế giới chuyển sang sử dụng nhiên liệu hydrogen trong các hoạt động kinh tế cốt lõi như vận tải biển, họ sẽ gặt hái các thành quả lớn nếu đầu tư sớm vào lĩnh vực này.
“Plug Power có cơ hội để trở thành một doanh nghiệp rất lớn vớ mức vốn hóa thị trường từ 100 tỉ đô la trở lên. Đó là lý do vì sao nhiều nhà đầu tư không muốn bỏ lỡ cơ hội”, Colin Rusch, nhà phân tích ở Ngân hàng đầu tư Oppenheimer, nhận định.