Dow Jones sụt 560 điểm, Nasdaq Composite chứng kiến phiên giảm mạnh nhất từ tháng 10/2020
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Năm (25/02), khi đà tăng đột biến của lợi suất trái phiếu đã khiến nhà đầu tư lo ngại, dẫn đến đổ xô bán tháo các tài sản rủi ro, đặc biệt là những cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones rớt 559.85 điểm (tương đương 1.8%) xuống 31,402.01 điểm, trượt khỏi mức cao kỷ lục. Chỉ số S&P 500 lùi 2.5% xuống 3,829.34 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 27/01/2021. Chỉ số Nasdaq Composite mất 3.5% còn 13,119.43 điểm, ghi nhận phiên bán tháo mạnh nhất kể từ ngày 28/10/2020. Cổ phiếu Alphabet, Facebook và Apple đều giảm hơn 3%, cổ phiếu Tesla sụt 8.1%. Cổ phiếu Microsoft lùi 2%.
Các chỉ số chứng khoán chính sụt giảm nhanh chóng khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm leo lên mức cao 1.6% trong một động thái đột ngột mà một số người mô tả là “đà tăng chớp nhoáng”. Lợi suất trái phiếu sau đó đã lùi xuống 1.52%, vẫn là mức cao nhất kể từ tháng 02/2020.
Đà tăng này cũng đã đưa lãi suất cao hơn tỷ suất cổ tức của S&P 500, nghĩa là cổ phiếu – vốn được xem là những tài sản rủi ro hơn – mất nhiều phí hơn so với trái phiếu. Cột mốc này có thể làm trầm trọng thêm việc nhà đầu tư rút khỏi cổ phiếu vì chúng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Lãi suất cao hơn có xu hướng ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến lĩnh vực công nghệ vì nhóm này dựa vào việc đi vay dễ dàng để tăng trưởng vượt trội. Chỉ số Nasdaq Composite đã sụt 5.4% trong tuần này, trên đà ghi nhận tuần sụt giảm thứ 2 liên tiếp. Hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin là 2 lĩnh vực giảm mạnh nhất thuộc S&P 500, lần lượt giảm 5.4% và 4.5%.
Nhà đầu tư đang đổ xô vào những khu vực của thị trường sẽ được hưởng lợi từ việc tái mở cửa kinh tế nhiều nhất. Lĩnh vực năng lượng đã vọt 6.8% chỉ trong tuần này, là lĩnh vực thắng lớn nhất cho đến nay. Công nghiệp và tài chính là 2 lĩnh vực khác có sắc xanh trong tuần qua.
Lợi suất đã nới rộng đà tăng trong tuần này ngay cả sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhấn mạnh cam kết của Ngân hàng trung ương đối với chính sách tiền tệ nới lỏng và hạ thấp nguy cơ lạm phát, cho biết có thể mất 3 năm hoặc hơn trước khi đạt được mục tiêu của Fed.
Nhà đầu tư cũng đã bỏ qua dữ liệu kinh tế tốt hơn kỳ vọng công bố vào ngày thứ Năm. Cụ thể, tổng số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp là 730,000 người trong tuần kết thúc ngày 20/02/2021, thấp hơn dự báo 845,000 người từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Trong khi đó, số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tăng 3.4% trong tháng 01/2021, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 1% của Dow Jones.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|