Nhiều yếu tố, cũ có mới có, đã hội tụ lại để tạo điều kiện cho cuộc đối đầu giữa các tay chơi chứng khoán tài tử và giới đầu cơ sừng sỏ lấy cổ phiếu GameStop làm sàn đấu.
Yếu tố đầu tiên: phí giao dịch
Trước đây, những nhà đầu tư cá nhân riêng lẻ cũng có nhưng không nhiều, giao dịch không ồ ạt như bây giờ, bởi mỗi giao dịch mua bán họ đều phải trả phí cho công ty môi giới (mỗi giao dịch chừng 5-10 đô la tiền phí). Thế rồi, ứng dụng môi giới chứng khoán Robinhood ra đời với phương châm “dân chủ hóa” lĩnh vực tài chính và để bất kỳ ai cũng có thể tham gia, họ quyết định không thu phí của người chơi chứng khoán.
Cũng như Google hay Facebook không thu phí người dùng nhưng bán hay sử dụng thông tin của khách để kinh doanh, Robinhood cũng bán thông tin giao dịch của người chơi chứng khoán cho các bên tạo lập thị trường. Dù chỉ thu về một khoản rất nhỏ, chừng 1 xu mỗi cổ phiếu giao dịch nhưng nhân lên số lượng nhiều, Robinhood thu về những khoản khổng lồ - chỉ tính riêng quí 2-2020 đã lên đến 180 triệu đô la. Chính yếu tố không thu phí này đã thu hút rất nhiều người chơi mới và sau đó buộc nhiều công ty môi giới chứng khoán làm theo, bỏ luôn chuyện thu phí giao dịch.
Yếu tố thứ nhì: Tự động hóa việc tính toán để mua bán “quyền chọn”
Nhiều người tự hỏi, các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong tay đâu có nhiều tiền, làm sao đủ trường vốn để đấu lại các quỹ đang quản lý hàng chục tỉ đô la? Đó là bởi họ sử dụng quyền chọn, một công cụ khuếch đại lời lỗ gấp trăm lần như kiểu cá cược. Một người chỉ có trong tay vài trăm đô la cũng có thể mua các hợp đồng quyền chọn liên quan đến một lượng cổ phiếu trị giá cả vài chục ngàn đô la. Trước đây tính toán để mua hợp đồng quyền chọn là một việc chỉ dành cho dân chuyên nghiệp, nhưng các ứng dụng như Robinhood đã tự động hóa quy trình này, người chơi chỉ việc bấm, bấm, chọn, chọn. Dĩ nhiên, lãi lớn thì thua lỗ cũng lớn - người chơi có thể trở thành triệu phú qua đêm cũng có thể trắng tay, mất sạch vốn trong vòng vài giờ.
Yếu tố thứ ba: Tiền rẻ khắp nơi, thổi phồng các bong bóng chứng khoán
Để đối phó tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19, chính phủ các nước liên tục bơm tiền vào lưu thông, từ phát tiền do dân đến mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổng cộng có hơn 12.000 tỉ đô la được tung ra để kích cầu trong năm 2020. Đồng thời, lãi suất cũng đặt ở mức rất thấp, thậm chí nhảy qua ngưỡng âm tại nhiều nước. Tính đến cuối năm 2020, theo Bloomberg, có tổng cộng 17.800 tỉ đô la trái phiếu đang giao dịch ở mức lợi suất âm! Tiền nhiều ắt hẳn sẽ chảy vào tài sản, đẩy giá của chúng lên cao, từ địa ốc đến chứng khoán, giá cứ tăng bất kể tình hình thực tế có ảm đạm đến đâu chăng nữa.
Trước đây, tính toán để mua hợp đồng quyền chọn là một việc chỉ dành cho dân chuyên nghiệp. Nay những các ứng dụng như Robinhood đã tự động hóa quy trình này, người chơi chỉ việc bấm, bấm, chọn, chọn.
Dĩ nhiên, lãi lớn thì thua lỗ cũng lớn - người chơi có thể trở thành triệu phú qua đêm cũng có thể trắng tay, mất sạch vốn trong vòng vài giờ.
|
Vì thế, nhiều người cho rằng vụ việc GameStop về lâu về dài không phải là cuộc đối đầu giữa một nhóm các tay chơi tài tử dùng Robinhood để đấu lại các quỹ đầu tư bán khống. Giả dụ các quỹ chịu thua, đầu hàng, chuyển qua mua cổ phiếu GameStop để hưởng lợi giá lên - thị trường cũng sẽ chịu được một thời gian nữa khi nhiều người chơi mới do lòng tham, hăm hở tham gia mua vào cổ phiếu GameStop ở mức giá cao ngất.
Bong bóng cứ thế phồng lên do tiền đang rẻ, người ta đang nhàn rỗi do làm việc từ nhà - chưa biết đến mức nào thì bong bóng mới nổ tung. Một tuần báo chí phương Tây tràn ngập tin về vụ GameStop sẽ kích thích lòng tham của nhiều người nữa. Họ bị cuốn vào cuộc chơi do các câu chuyện người chơi tài tử bỗng thấy 10.000 đô la trong tài khoản tăng vọt lên thành 100.000 đô la.
Nguy cơ xảy ra một khủng hoảng tài chính toàn cầu mới!
Mô hình “khách hàng được sử dụng dịch vụ miễn phí, nhưng đổi lại bản thân họ trở thành sản phẩm” hiện là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế kỹ thuật số.
Người dùng Facebook không bị tính phí sử dụng nhưng đang phải ngày đêm làm ra nội dung cho Facebook.
Người tìm thông tin trên Google không mất tiền gì cả nhưng thông tin họ tìm kiếm được bán cho các nhà quảng cáo dội bom ngược lại người dùng.
Robinhood không thu phí nhưng gián tiếp tiết lộ cho Wall Street biết khách của họ sẽ mua bán như thế nào.
Mô hình miễn phí này đang đẩy nhiều ngành nghề vào chỗ bế tắc như báo chí không thể thu tiền người đọc.
|
Trong một bài phóng sự về một số thành viên trong diễn đàn Reddit, CNN tô đậm chuyện tiền của họ đã tăng nhanh như thế nào. AJ Vanover, nhân viên bán phụ tùng ô tô lương năm chỉ vào khoảng 35.000 đô la, nay bỗng thấy tài khoản Robinhood của anh ta vượt mốc 1 triệu đô la dù vẫn chỉ là trên giấy. Minhajul, một sinh viên 22 tuổi bỏ hết tiền “kích cầu Covid” vào Robinhood và từ 1.200 đô la ban đầu sau hai tuần đã kích lên thành 280.000 đô la. Có lẽ nhiều người sẽ quên đọc đoạn sau, khi ngủ một đêm, sáng hôm sau Minhajul thấy tài khoản bốc hơi 220.000 đô la và đến cuối tuần tiền chỉ còn lại 8.000 đô la mà thôi.
Thậm chí tờ New York Times dành nguyên một bài cho nhân vật cầm đầu chiến dịch bơm cổ phiếu GameStop - có biệt danh Roaring Kitty, từ tài khoản có 53.000 đô la ban đầu có lúc tăng vọt lên thành 48 triệu đô la. Điều nguy hiểm là Roaring Kitty giờ trở thành một nhân vật chơi chứng khoán có hàng triệu người theo dõi để ăn theo. Còn tờ Financial Times cho biết, nay các quỹ đầu cơ cũng cử người tham gia diễn đàn Reddit, vào sục sạo trong tiểu diễn đàn WallStreetBets để xem cổ phiếu công ty nào được bàn tán nhiều nhất, xu hướng của dân chơi tài tử trong những ngày tới là gì để ăn theo thời thế.
Trong thời gian tới các nhà quản lý, Quốc hội và Chính phủ Mỹ ắt sẽ có một số biện pháp kiểm soát thị trường, nhưng họ sẽ chỉ giới hạn vào các tình huống đang gây tranh cãi như liệu các ứng dụng như Robinhood có quyền cấm người chơi mua, chỉ được bán một số loại cổ phiếu. Cũng có thể họ sẽ rà soát xem đám đông trên Reddit có vi phạm nguyên tắc cấm bơm thổi giá cổ phiếu hay không. Nhưng các vấn đề then chốt nói trên sẽ chưa được giải quyết.
Mô hình “khách hàng được sử dụng dịch vụ miễn phí, nhưng đổi lại bản thân họ trở thành sản phẩm” hiện là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế kỹ thuật số. Người dùng Facebook không bị tính phí sử dụng nhưng đang phải ngày đêm làm ra nội dung cho Facebook. Người tìm thông tin trên Google không mất tiền gì cả nhưng thông tin họ tìm kiếm được bán cho các nhà quảng cáo dội bom ngược lại người dùng. Robinhood không thu phí nhưng gián tiếp tiết lộ cho Wall Street biết khách của họ sẽ mua bán như thế nào. Mô hình miễn phí này đang đẩy nhiều ngành nghề vào chỗ bế tắc như báo chí không thể thu tiền người đọc.
Còn nhiều vấn đề khác như nhà nước có nên can thiệp hay không khi biết rõ thị trường đang hình thành nhiều bong bóng nguy hiểm; các nền tảng do tư nhân nắm có quyền bịt miệng đám đông hay không khi tự cho là đám đông đang gây hại cho xã hội; tương lai của hoạt động doanh nghiệp là gì khi trị giá công ty không còn nằm trong tay những người điều hành công ty nữa; thay thế mô hình theo đuổi lợi nhuận bằng mô hình gì đây khi sức khỏe tài chính không còn quyết định đến giá cổ phiếu...
Hàng loạt vấn đề như thế đang cần lời giải, bởi chúng có thể là nguyên nhân gây ra một khủng hoảng tài chính toàn cầu mới. Nguy cơ này cấp bách hơn nhiều lần so với số phận của GameStop hay lời lỗ của các quỹ đầu tư chuyên bán khống.