Các chuyên gia Phố Wall kỳ vọng gì trong năm 2021?
Sau 1 năm đại dịch làm đảo lộn hết mọi kế hoạch đầu tư được chuẩn bị tốt nhất, cũng dễ hiểu khi những chuyên gia dự báo trên Phố Wall trở nên thận trọng hơn khi nhận định về vào năm 2021.
Sự hồi phục. Hồi sinh. Dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu này sang nhóm cổ phiếu khác. Sự tái khởi động. Đây là những cụm từ đang chi phối góc nhìn của một số ngân hàng và công ty đầu tư lớn nhất thế giới về triển vọng năm 2021.
Dù vẫn còn nhiều lời cảnh báo, nhưng điều mọi chuyên gia đang đồng thuận là sau cú sụp vì Covid-19, vắc-xin Covid-19 đang dọn đường cho một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mới và đi kèm với đó là đà tăng của giá tài sản.
Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn hồi phục
Nhìn chung, các chuyên gia đều dự báo kinh tế toàn cầu sẽ bước vào giai đoạn hồi phục trong năm tới với sự kỳ vọng về quá trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19, cộng với sự hỗ trợ từ các chính sách tiền tệ lẫn tài khóa.
Bank of America dự báo năm 2021, nền kinh tế toàn cầu sẽ khởi đầu trong khó khăn khi nhiều quốc gia vẫn còn đang chật vật chống lại sự bùng phát của dịch Covid-19. Tuy nhiên, quá trình tiêm chủng vắc-xin rộng rãi trong những tháng đầu năm sẽ dọn đường cho đà hồi phục mạnh mẽ của giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Xét về hoạt động kinh tế, lĩnh vực dịch vụ – vốn bị tác động mạnh nhất trong bối cảnh dịch bệnh – được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc trở lại trạng thái bình thường, khi nền kinh tế tương tác trực tiếp trở lại trong thời hậu đại dịch.
“Trong năm 2021, đà hồi phục lúc đầu sẽ góp phần thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và các ngành liên quan đến dịch vụ”, Evercore ISI dự báo. “Nếu quá trình triển khai vắc-xin Covid-19 diễn ra tốt đẹp, virus được kiểm soát và làn sóng kích thích tiền tệ lẫn tài khóa trên toàn cầu sẽ thúc đẩy sự hồi phục của tăng trưởng thực, nhà đầu tư có thể nhận thấy chu kỳ thị trường đi theo hướng bình thường hơn. Tuy nhiên, nếu đà hồi phục chững lại trong nửa sau năm 2021, thị trường có khả năng diễn biến như kiểu hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009”.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5.2% trong năm 2021, trong đó các nước phát triển tăng trưởng 3.9% và các nước đang phát triển tăng trưởng 6%.
Chính sách tài khóa, tiền tệ
Quan điểm chung của các tổ chức là tại thời điểm này sẽ chẳng có NHTW hoặc Chính phủ nào muốn ngừng hỗ trợ kinh tế quá nhanh chóng. Chính sách tiền tệ sẽ vẫn nghiêng theo hướng cực kỳ nới lỏng miễn là lạm phát còn ở mức thấp.
BCA Research dự báo các cơ quan chức trách sẽ không thắt chặt chính sách cho tới sớm nhất là cuối năm 2022. Trong đó, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò như lực đỡ chính trong nền kinh tế trong những năm tới.
Trong khi đó, TD Securities kỳ vọng nhóm quốc gia G10 sẽ tiếp tục triển khai chương trình nới lỏng định lượng tại nhóm G10. Họ dự báo lãi suất chính sách của nhóm này sẽ giữ nguyên trong nhiều năm tới, với NHTW Canada nâng lãi suất trở lại vào năm 2023, NHTW Anh nâng vào năm 2024 hoặc trễ hơn, Fed có khả năng nâng vào năm 2025, còn NHTW châu Âu sẽ nâng trễ hơn.
Chứng khoán toàn cầu sẽ nối dài đà tăng?
Hầu hết các chuyên gia tin rằng sự hồi phục kinh tế trong năm nay sẽ hỗ trợ giá tài sản (vốn đã tăng mạnh kể từ đáy tháng 3/2020), đồng thời cũng nâng đỡ các lĩnh vực đã bị tụt lại phía sau.
“Chúng tôi tin rằng nền kinh tế đã tạo đáy và sẽ phục hồi trong năm 2021, qua đó hỗ trợ thêm cho thị trường cổ phiếu – vốn thường có thành quả mạnh mẽ khi nền kinh tế gượng dậy khỏi suy thoái”, Franklin Templeton cho biết.
Bên cạnh yếu tố kinh tế hồi phục, còn có những lý do khác tạo ra sự lạc quan trong giới đầu tư, ít nhất là nhà đầu tư cổ phiếu. Theo Citi Private Bank, đó là quyết định giữ lãi suất ở mức thấp của Fed để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế.
“Quyết định giữ lãi suất ở mức thấp của Fed làm nhà đầu tư nhớ lại giai đoạn 1945-1965 – thời điểm chính sách kiểu này làm giảm giá trị tiền mặt và các khoản nắm giữ trái phiếu”, Citi Private Bank cho hay.
Theo BCA Research, trong năm 2021, cổ phiếu sẽ vượt trội hơn trái phiếu nhờ đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, chưa có áp lực lạm phát và khả năng đại dịch chấm dứt.
Xét cụ thể về lựa chọn cổ phiếu, BCA Research cho biết: “Chúng tôi thích cổ phiếu thuận chu kỳ hơn là các cổ phiếu phòng thủ, thích cổ phiếu giá trị hơn cổ phiếu tăng trưởng. Như một hệ quả tất yếu, chúng tôi thích cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn là cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu bên ngoài nước Mỹ hơn cổ phiếu Mỹ”.
Trong khi đó, Principal Global Investors cho rằng sẽ có sự chuyển dịch trong các nhóm cổ phiếu, từ nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh sang nhóm cổ phiếu bị tụt lại phía sau trong những tháng vừa qua.
“Mức định giá cao ở nhiều công ty cho thấy thị trường chuẩn bị chứng kiến sự chuyển dịch. Trên thực tế, sau khi có hiệu suất cao trong 10 năm qua, cổ phiếu tăng trưởng (growth stocks) đang ở mức đắt đỏ, do đó dễ khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi nhóm này”, Principal Global Investors nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia Phố Wall cũng lưu ý chứng khoán toàn cầu có thể tăng mạnh trong năm 2021, nhưng đà tăng trên thị trường chứng khoán sẽ yếu hơn và biến động mạnh hơn so với giai đoạn từ tháng 3/2020 đến nay.
“2021 nhiều khả năng sẽ là một năm tốt cho nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận, nhưng thị trường chứng khoán khó mà lặp lại thành tích của 9 tháng vừa qua”, Mike Wilson, Giám đốc đầu tư và Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu Mỹ của Morgan Stanley, cho hay.
Điều này là do thị trường chứng khoán là một cỗ máy chiết khấu tương lai và nó đã phản ánh tâm lý lạc quan về đà hồi phục của kinh tế vào giá chứng khoán trong năm 2020, Wilson cho biết.
Rủi ro trong năm 2021
Theo Howard Marks, đồng Chủ tịch của Oaktree Capital Management, đà tăng của lãi suất là mối đe dọa chính đối với thị trường trong năm 2021, mặc dù rủi ro này không có khả năng xảy ra trong tức thời.
“Mức định giá cao của hiện tại phụ thuộc nhiều vào môi trường lãi suất thấp. Nếu lãi suất tăng lên, giá tài sản có lẽ sẽ giảm. Tuy nhiên, có ít lý do để tin rằng lãi suất sẽ tăng trong ngắn hạn, vì dường như chưa có dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tăng mạnh trở lại và tôi nghĩ Fed hiện không quan ngại về lạm phát”, ông Marks cho hay.
Trong khi đó, Vincent Mortier, Giám đốc đầu tư tại Amundi, lại đề cập tới rủi ro từ quá trình phân bổ vắc-xin khi đà tăng gần đây một phần dựa lưng trên niềm tin cho rằng vắc-xin sẽ sớm giúp mọi thứ trở về trạng thái bình thường.
“Sản xuất và phân bổ vắc-xin trên quy mô lớn sẽ không phải là điều dễ dàng. Các biện pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ đang vực dậy nền kinh tế. Việc rút lại các biện pháp hỗ trợ đang là chuyện không tưởng tại thời điểm này và rủi ro xảy ra sai lầm chính sách đang bị thị trường đánh giá thấp”, ông Vincent Mortier nhận định.
Đối với Liz Ann Sonders, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Charles Schwab, điều khiến bà lo ngại nhiều nhất chính là tâm lý của nhà đầu tư. Việc đầu tư có lãi nhiều trong thời gian gần đây đã tạo ra tâm lý lạc quan quá mức – yếu tố mà bà cho là rủi ro lớn nhất.
“Tâm lý lạc quan quá mức không báo hiệu về đợt điều chỉnh tức thời, nhưng điều này có nghĩa là thị trường có thể dễ bị tác động bởi chất xúc tác tiêu cực – vốn có thể ở dưới nhiều hình thức khác nhau”, bà cho biết.
Vũ Hạo (Tổng hợp)
FILI
|