Thứ Hai, 01/02/2021 20:00

2020: Năm ảm đạm của ngành dệt may Campuchia

Dệt may là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Campuchia. Ngành này chiếm 16% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Vương quốc và thuê gần 800,000 lao động.

Năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng trăm nhà máy sản xuất hàng may mặc đã phải đóng cửa, khiến hàng chục ngàn lao động mất việc làm. Bên cạnh đó, việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định rút một phần ưu đãi dành cho Campuchia theo thỏa thuận EBA (ưu đãi mọi thứ trừ vũ khí) cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành dệt may nói riêng và nền kinh tế Campuchia nói chung. Năm 2020 có lẽ trở thành năm “đáng nhớ” đối với ngành dệt may của Vương quốc.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều ảm đạm khi năm 2020 khép lại. Việc khôi phục và xây mới các nhà máy sản xuất đã tạo ra hơn 20,000 việc làm mới trong ngành. Năm 2021 ngành dệt may Campuchia được kỳ vọng sẽ lạc quan và giảm áp lực hơn nhờ có nhiều dự án mới được triển khai và kế hoạch đa dạng hóa kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào ngành dệt may của Chính phủ.

Năm 2020: Nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc

Theo Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia, do ảnh hưởng của đại dịch, 129 nhà máy sản xuất hàng may mặc tại Campuchia đã phải đóng cửa trong năm 2020, ảnh hưởng đến hơn 71,000 người lao động, trong đó có đến 57,794 lao động nữ. Do tình trạng mất việc làm hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động nên đa số những người lao động phải sống nhờ vào các khoản trợ cấp của Chính phủ.

Hồi cuối năm 2020, Chính phủ Campuchia đã thông báo gói kích thích thứ 7 nhằm xoa dịu tác động của đại dịch Covid-19 đến các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Theo quy định mới nhất, Chính phủ sẽ tiếp tục kéo dài chương trình hỗ trợ 40 USD/tháng trong 3 tháng đầu năm nay cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động. Các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may được yêu cầu hỗ trợ thêm 30 USD/công nhân, nâng tổng mức hỗ trợ hàng tháng cho người lao động trong ngành lên 70 USD/công nhân.

Theo Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia, những nguyên nhân chính khiến các nhà máy phải đóng cửa là do nhu cầu sụt giảm và việc hủy đơn hàng của các nhà bán lẻ tại các nước phương Tây. Tình trạng thiếu nguyên vật liệu cũng làm gián đoạn khả năng thực hiện đơn hàng của các nhà sản xuất.

Theo Bộ Tài chính Campuchia, ngành dệt may sụt giảm 6.4% trong năm 2020 do nhu cầu nước ngoài giảm và dây chuyền sản xuất bị gián đoạn; kim ngạch xuất khẩu giảm 9.9% sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 13% hồi năm 2019. Tuy nhiên, ngành này được kỳ vọng sẽ phục hồi 4.6% trong năm 2021.

Quyết định rút ưa đãi EBA của EU

Kể từ ngày 12/08/2020, quyết định của Ủy ban châu Âu (EC) - Cơ quan hành chính của EU về việc rút một phần ưu đãi miễn thuế theo hạn ngạch cho Campuchia khi xuất khẩu vào thị trường EU bắt đầu có hiệu lực.

EBA là thỏa thuận thương mại của EU dành cho 48 nước kém phát triển trên thế giới, trong đó có 4 nước ASEAN (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Thỏa thuận EBA tạm thời đang bị gỡ bỏ sau khi EU kết luận Campuchia không tuân thủ các điều kiện của thỏa thuận này, vì “vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống các nguyên tắc nhân quyền được ghi trong Công ước quốc tế và các quyền về dân sự và chính trị”.

Trước quyết định của EC, Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC) và cả Hiệp hội giày dép Campuchia (CFA) đã nhiều lần kiến nghị EU hoãn rút ưu đãi EBA theo đúng kế hoạch do đại dịch Covid -19 làm gián đoạn sản xuất và giảm nhu cầu trên toàn cầu, gây tổn thất lớn đến các nhà sản xuất cũng như công nhân ngành may mặc, giày dép và đồ lữ hành của Campuchia.

Động thái của EU được thực thị theo đúng quyết định của EC, mặc dù Chính phủ và lĩnh vực tư nhân Campuchia nỗ lực kiến nghị EU hủy hoặc chí ít là hoãn rút ưu đãi EBA.

Đáng chú ý, lĩnh vực sản xuất hàng may mặc của Campuchia là một trong những ngành được hưởng lợi chính của Thỏa thuận EBA từ khi bắt đầu vào năm 2001. Kể từ ngày 12/08, 7 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng năm trong ngành dệt may của Campuchia sẽ mất đi một phần ưu đãi thuế 0% mà EU đã dành cho Vương quốc.

Năm 2021: Nhiều dự án mới được triển khai

Tình trạng mất việc làm trong ngành dệt may của Campuchia phần nào được bù đắp nhờ việc mở thêm các nhà máy sản xuất. Trong năm 2020, 178 dự án đầu tư mới đã được Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) phê duyệt với tổng vốn đầu tư đạt hơn 4 tỷ USD. Hầu hết các dự án được duyệt thuộc lĩnh vực dệt may, với 112 nhà máy sản xuất mới được xây dựng, tạo thêm hơn 23,000 việc làm mới.

Trong tháng 1 năm nay, CDC cũng đã phê duyệt thêm nhiều dự án mới, đều thuộc lĩnh vực dệt may, tạo thêm gần 5000 việc làm mới.

Hồi đầu tháng 1, CDC đã phê duyệt một dự án mới có tổng vốn đầu tư 6.6 triệu USD tại tỉnh Kandal của Công ty dệt may Jiayuan Hengrun Int’l Textile. Dự án mới này được kỳ vọng tạo thêm 1,929 việc làm cho người lao động tại địa phương.

CDC cũng phê duyệt thêm các dự án mới khác trong tháng 1. Trong đó, bao gồm dự án 7.8 triệu USD tại tỉnh Takeo của Công ty dệt may HC Global Textile (được kỳ vọng tạo thêm 843 việc làm mới); dự án 2.4 triệu USD tại tỉnh Kampong Chhnang của Công ty túi xách Changhui (Cambodia) Handbag MFR (được kỳ vọng tạo thêm 718 việc làm mới); dự án xưởng may mặc 3.1 tại tỉnh Takeo của Công ty Brightness (Cambodia) Garment Factory (được kỳ vọng tạo thêm 702 việc làm mới).

Những dự án đầu tư mới được triển khai tại Campuchia cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị và xã hội của Vương quốc trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn ra.

Kế hoạch đa dạng hóa của Chính phủ

Nhằm giúp kinh tế Campuchia giảm phụ thuộc vào ngành dệt may, Chính phủ tiếp tục lên kế hoạch thúc đẩy các sản phẩm xuất khẩu ngoài ngành dệt may trong năm nay nhờ kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ mạnh hơn giữa lúc thế giới bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia (MEF), những sản phẩm không thuộc ngành dệt may sẽ được thúc đẩy gồm có gạo, đồ gỗ, xe đạp và linh kiện điện tử. Các sản phẩm ngoài ngành dệt may trong năm vừa qua chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu của Vương quốc, tăng từ mức 17.2% trong năm 2019.

Khai Tâm (Theo Phnom Penh Post)

FILI

Các tin tức khác

>   Campuchia trong hành trình khai thác dầu ở vùng biển gần Việt Nam (03/01/2021)

>   Campuchia lần đầu phát hiện cụm dịch Covid-19 trong cộng đồng (29/11/2020)

>   Trung Quốc thắng thầu xây dựng hạng mục chính của sân bay Campuchia (24/11/2020)

>   Myanmar: Covid-19 khiến kinh doanh trực tuyến bùng phát, thiếu container trầm trọng (21/11/2020)

>   Myanmar: Làn sóng Covid-19 thứ 2 tác động đến doanh nghiệp trong nước nghiêm trọng hơn (20/11/2020)

>   Myanmar sẽ giới thiệu ứng dụng đầu tư trực tuyến (12/11/2020)

>   Ngành du lịch Campuchia mất gần 51,000 việc làm (11/11/2020)

>   Chính phủ Campuchia thảo luận giải pháp thu thuế quảng cáo kỹ thuật số (10/11/2020)

>   Thương mại song phương Campuchia-Mỹ vẫn mạnh trong giai đoạn đại dịch (09/11/2020)

>   Chính phủ Campuchia kêu gọi tăng tiêu thụ sản phẩm nội địa (07/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật