Thứ Ba, 12/01/2021 20:13

Trung Quốc thắt chặt chính sách cho vay, nhiều công ty lo vỡ nợ

Số vụ vỡ nợ của các công ty Trung Quốc trong năm nay nhiều khả năng sẽ vượt qua mức kỷ lục năm ngoái do chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ gây áp lực lớn đối với người đi vay.

Trong năm 2020, Trung Quốc ghi nhận 39 doanh nghiệp bị vỡ nợ trái phiếu với tổng thiệt hại lên tới gần 30 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2019. Đáng chú ý, giá trị các vụ vỡ nợ trên thị trường nội địa giảm từ 142 tỷ NDT trong năm 2019 xuống còn 137 tỷ NDT vào năm 2020. Trong khi đó, con số này đối với thị trường hải ngoại tương ứng tăng từ 3,9 tỷ USD lên 8,6 tỷ USD.

"Ngân hàng trung ương sẽ thận trọng hơn với các chính sách tiền tệ trong năm nay”, Bloomberg dẫn lời Yuze Li, chuyên gia phân tích tín dụng tại công ty chứng khoán China Merchants Securities, nói.

Vị này dự báo rằng lượng doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn sẽ tăng lên, số vụ vỡ nợ theo đó cũng nhiều hơn 10-30% so với năm 2019.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, giới chức Bắc Kinh đang tập trung vào việc xoa dịu nợ xấu trong bộ máy tài chính. Đây cũng là áp lực lớn ở thời điểm hiện tại đối với các doanh nghiệp Trung Quốc sau nhiều tháng trì trệ vì lệnh phong tỏa.

Tính riêng trong 6 tháng cuối năm 2020, số vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp nước này trên thị trường nội địa trung bình tăng 47% lên 13,6 tỷ NDT - so với mức 9,2 tỷ NDT hồi nửa đầu năm.

Đáng chú ý, ngành công nghệ là đối tượng có sức khỏe tài chính kém nhất, chiếm 28% tổng số vụ vỡ nợ trên thị trường nội địa trong năm 2020, tiêu biểu là vụ vỡ nợ của Peking University Founder Group. Ngành tiêu dùng chịu thiệt hại thứ hai, trong đó có vụ vỡ nợ của Brilliance Auto Group. Xếp thứ 3 là ngành tài chính.

Trung Quốc vỡ nợ ảnh 1
Thị trường trái phiếu nội địa Trung Quốc năm 2020 ghi nhận nhiều vụ vỡ nợ của các công ty quốc doanh. Ảnh: Caixin.

Mối lo về sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp được chính quyền Bắc Kinh chống lưng đang ngày càng hiện hữu, đặc biệt sau vụ vỡ nợ của 3 công ty quốc doanh gồm Yongcheng Coal and Electricity Holding Group, Huachen Automotive Group Holdings và nhà sản xuất chip được Đại học Thanh Hoa rót vốn.

Trên thị trường trái phiếu niêm yết bằng đồng USD, lĩnh vực tài chính chiếm khoảng 43% tổng số vụ vỡ nợ, sau đó là lĩnh vực công nghệ và năng lượng. Năm 2020 ghi nhận lần đầu tiên trên thị trường trái phiếu nội địa có 5 doanh nghiệp nhà nước bị vỡ nợ, vượt mức kỷ lục kể từ năm 2016.

Tính riêng trong 3 năm gần đây, Thanh Hải được xếp là tỉnh có tỷ lệ vỡ nợ cao nhất, với 19,5%. Theo sau là Hải Nam, Liêu Ninh và khu tự trị Ninh Hạ với tỷ lệ vỡ nợ 7%. Con số này cho thấy những khu vực có tiềm năng kinh tế yếu và năng lực quản lý tài chính của cán bộ địa phương còn chưa hiệu quả.

Trên thị trường hải ngoại, giới đầu tư Trung Quốc đang hướng đến những trái phiếu "keepwell" - điều khoản yêu cầu công ty trong nước phải cam kết giữ cho chi nhánh ở nước ngoài - cũng là nơi phát hành trái phiếu - không bị phá sản, song không cần đảm bảo sẽ thanh toán cho các trái chủ.

Trên thực tế, công ty mẹ thường mua lại tài sản hoặc cổ phần tại các công ty con như một cách để hỗ trợ cho các khoản thanh toán phát sinh từ mã trái phiếu phát hành ở nước ngoài.

Theo Nikkei, bộ quy định mới về trái phiếu tín dụng doanh nghiệp do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia và Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc công bố sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.

Theo quy định này, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể phát hành trái phiếu tín dụng doanh nghiệp - bao gồm các khoản nợ phi tài chính, cổ phiếu và trái phiếu - trong thị trường liên ngân hàng và các sàn giao dịch chứng khoán. Điều này sẽ khiến các công ty tư nhân Trung Quốc khó tránh khỏi những bom nợ khổng lồ.

Hương Giang

ZING

Các tin tức khác

>   Số phận Jack Ma và mối đe dọa mới với ngành công nghệ Trung Quốc (12/01/2021)

>   Rạp chiếu phim ở Mỹ ngắc ngứ, các phòng vé châu Á lại sống khỏe (12/01/2021)

>   Hơn 4 triệu người Mỹ đã thất nghiệp ít nhất nửa năm (12/01/2021)

>   Ca Covid-19 toàn cầu vượt 91 triệu, WHO tiếp tục kêu gọi chia sẻ vaccine (12/01/2021)

>   Đảng Dân chủ tranh cãi về xem xét bãi nhiệm Trump (11/01/2021)

>   Hãng bay Indonesia kinh doanh ra sao trước khi máy bay 737 rơi? (11/01/2021)

>   Kinh tế thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao? (10/01/2021)

>   Tín dụng tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh nhất trong 5 tháng (10/01/2021)

>   IMF: Trung Quốc cần gấp rút kiểm soát rủi ro tài chính (09/01/2021)

>   Joe Biden yêu cầu thêm gói cứu trợ hàng ngàn tỷ USD, xem xét phát tiền 2,000 USD (09/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật